Những nỗ lực trong 5 năm qua Hiện nay, Liên hiệp các Hội VHNT đang quy tụ gần 5.000 hội viên, sinh hoạt trong 9 Hội VHNT chuyên ngành cùng với 3 đơn vị trực thuộc là Tuần báo Văn nghệ TPHCM, NXB Văn nghệ (vừa được sáp nhập vào NXB Văn hóa Sài Gòn với tên mới là NXB Văn hóa-Văn nghệ TPHCM) và Hội Văn học nghệ thuật cựu chiến binh. Khác với các hội chuyên ngành đi sâu vào các vấn đề chuyên môn, vai trò và trách nhiệm của Liên hiệp các Hội VHNT ngược lại, dàn trải và mở rộng hơn. Trong số những nhiệm vụ của Liên hiệp các Hội VHNT được các hội viên chú ý nhất, có ba nhiệm vụ chính là quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ, đầu tư sáng tạo VHNT; định hướng và quảng bá các sáng tác VHNT; công tác lý luận phê bình. Nếu nói một cách thẳng thắn, Liên hiệp các Hội VHNT nhiệm kỳ 2005-2010 cũng đã làm được khá nhiều việc. Điển hình như trong vấn đề sử dụng kinh phí đầu tư hỗ trợ sáng tác. Hiện nay, khoản kinh phí này đến từ hai nguồn, một do Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam phân phối và một do UBND TPHCM hỗ trợ. Từ khoản kinh phí này, Liên hiệp các Hội VHNT phân bổ xuống các hội chuyên ngành. Bản thân Liên hiệp các Hội VHNT cũng dành một phần kinh phí để tổ chức đi thực tế dành cho các văn nghệ sĩ tiêu biểu mà vì nhiều lý do ít có điều kiện đi cùng với hội chuyên ngành. Các chuyến đi thường được lựa chọn với nhiều ý nghĩa như đi thăm các đồn biên phòng ở đảo Phú Quốc, Đồng Tháp Mười, Tây Nguyên…; thăm các di tích lịch sử như đường Hồ Chí Minh, thành cổ Quảng Trị, Ngã ba Đồng Lộc… Ở mảng lý luận phê bình, Liên hiệp các Hội VHNT được ghi nhận có nhiều cố gắng, nỗ lực tổ chức các cuộc hội thảo có quy mô với những chủ đề lớn, mang tính định hướng, có ảnh hưởng quan trọng đến phát triển VHNT TPHCM trong hiện tại cũng như tương lai. Khó khăn đằng sau và trở ngại phía trước Ngay trong bản báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2005-2010, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM Ca Lê Thuần cũng bày tỏ những khó khăn mà Liên hiệp các Hội VHNT đã trải qua trong nhiệm kỳ. Khó khăn nhất có thể nói chính là công tác sáng tác và quảng bá tác phẩm VHNT thời gian qua. Sáng tác của văn nghệ TP được Liên hiệp các Hội VHNT đánh giá là có phần theo hướng lai căng, sùng ngoại. Không chỉ thế, VHNT còn có sự phát triển không đồng đều thậm chí đôi khi phiến diện, các giá trị thực và ảo lẫn lộn gây khó cho sự suy xét của khán giả, bạn đọc. Bản thân việc sáng tác cũng bị cho là tủn mủn, manh mún, chưa xuất hiện hình mẫu nhân vật điển hình, vấn đề trung tâm của thời đại mới. Song song với những khó khăn, lệch lạc trong sáng tác là những nỗi lo của sự chật vật tìm kiếm con đường quảng bá tác phẩm có giá trị. Giới văn nghệ sĩ TP đang có sự khủng hoảng đất để giới thiệu, quảng bá tác phẩm của mình. Tạp chí Văn nghệ, mảnh đất hiệu quả dành cho văn, thơ thì gặp nhiều khó khăn, thậm chí có khi phải đình bản vì hết kinh phí. Bên phía nghệ thuật biểu diễn, muốn dàn dựng để trình diễn mà thiếu một sân khấu chuyên nghiệp. Ngay cả nhiếp ảnh, mỹ thuật cũng trống vắng một mặt bằng tương xứng để tổ chức triển lãm. Tất cả những khó khăn trên đã trở thành một trở ngại lớn cho hoạt động đúng theo trách nhiệm của Liên hiệp các Hội VHNT trong nhiệm kỳ tới. Đã có lúc người ta đặt câu hỏi về giá trị tồn tại của Liên hiệp các Hội VHNT. Thế nhưng, với những vấn đề nảy ra với VHNT thời gian qua, vai trò của Liên hiệp các Hội VHNT một lần nữa được chú ý. Nếu các hội chuyên ngành tập trung nhiều vào các vấn đề chuyên môn thì Liên hiệp các Hội VHNT lại có chức năng tập hợp, đoàn kết, đầu mối cho mọi hoạt động của giới văn nghệ TP, giữ vững đường lối VHNT của Đảng. Những nhiệm vụ này trong tình hình hiện nay đang trở nên cấp bách, cần thiết và vì thế vai trò cùng trách nhiệm của Liên hiệp các Hội VHNT cũng trở nên nặng nề hơn. Trong nhiệm kỳ mới với ban chấp hành mới khá năng động, Liên hiệp các Hội VHNT đang được trông chờ sẽ vượt qua những thách thức của thời kỳ mới.
Theo Tường Vy - SGGP |