Nhiều nỗ lực ở đất chín rồng ĐBSCL là nơi sinh sống của cộng đồng 4 dân tộc anh em Kinh, Khmer, Hoa, Chăm. Đó là vùng đất của lễ hội, của nền văn hóa đa dạng, đầy bản sắc. Bên cạnh tăng trưởng kinh tế, bộ mặt văn hóa đất chín rồng ngày thêm khởi sắc. Sóc Trăng có đến 30% dân số là người dân tộc Khmer, có 65/94 điểm chùa Khmer toàn tỉnh được công nhận là tụ điểm văn hóa; vừa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, vừa là điểm bảo tồn văn hóa phi vật thể và thường xuyên nhận được hỗ trợ về kinh phí, sách, trang thiết bị, lưu diễn nghệ thuật... An Giang đang dự kiến xây khu vui chơi mới trên Núi Cấm. Cần Thơ vừa khởi công Trung tâm văn hóa Tây Đô lớn nhất đồng bằng, quy mô rộng 172,81ha - tổng vốn đầu tư 5.410 tỷ đồng nhằm “hội tụ văn hóa vùng Mekong” với nhiều hạng mục độc đáo chưa từng có ở vùng đất này. Các siêu thị sách ngày càng trụ vững, lan rộng tại nhiều địa phương. Mô hình “Xã nông thôn mới” Vị Thanh (Vị Thủy – Hậu Giang) chứng minh một hướng đi tích cực nâng chất cuộc sống văn hóa người dân vùng sâu, được Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khen ngợi, biểu dương. Các hội thi người đẹp sông Tiền, sông Hậu, Festival Lúa gạo, Festival Văn hóa – Du lịch cấp quốc gia hay vùng, địa phương đều là những sự kiện văn hóa thu hút đông đảo người dân. Hoạt động văn học nghệ thuật đã có những chuyển động mới, tích cực. Hàng trăm nhóm đờn ca tài tử có mặt ở từng bờ kênh, con rạch, miệt vườn, khu dân cư cho thấy nhu cầu giao lưu, hưởng thụ văn hóa của người dân luôn dâng đầy. Thành tựu trên minh chứng sự quan tâm và nỗ lực không ngừng từ Trung ương xuống cơ sở để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa châu thổ sông Cửu Long trong tiến trình đi lên của vùng đất này, đặc biệt sau khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới. Còn nhiều nỗi lo Ông Đinh Viết Khanh, Giám đốc Sở VH-TT-DL Cần Thơ trần tình: Các tỉnh lỵ miền Tây đua nhau lên cấp thành phố nhưng thị dân tìm đỏ con mắt cũng không ra nơi vui chơi, giải trí. Các khu du lịch sinh thái, miệt vườn sông nước lại quá quen thuộc, nhàm chán, thiếu cái mới. Hầu hết cung thiếu nhi, nhà văn hóa, công viên không thu hút được thanh thiếu niên vì hoạt động đơn điệu, mặt bằng đắc địa được cho thuê mở quán, dịch vụ kinh doanh. TP Mỹ Tho (Tiền Giang), đêm xuống, hàng trăm chiếc xe gắn máy nối đuôi nhau lòng vòng theo các tuyến đường; chưa tới 10 giờ đêm, quán xá đóng cửa. Anh Tình, lái xe taxi nói: “Mỹ Tho quá ít chỗ vui chơi, giải trí dù được công nhận đô thị loại 2 đã nhiều năm”. Dưới danh nghĩa “xã hội hóa công viên”, hơn 10 năm qua, người dân thị xã Tân An (hiện là thành phố) hưởng lợi “quá khiêm tốn” từ việc lên thành. Nhà hát Cao Văn Lầu, rạp chiếu phim 1/5 và Học Lạc (Bạc Liêu) luôn vắng khách. Phú Quốc được quy hoạch thành nơi nghỉ dưỡng quốc tế nhưng chưa đến 21 giờ đường sá đã vắng lặng, “buồn thúi ruột”...
Mỗi tỉnh trong khu vực có ít nhất 20 nhà văn hóa, 300 nhà thông tin nhưng khoảng 90% số nhà thông tin xã, ấp hoạt động cầm chừng hoặc thường xuyên đóng cửa. Càng về vùng sâu vùng xa, sách báo càng trở thành “hàng xa xỉ”. “Đau” nhất là ngay cả cải lương, đờn ca tài tử là hai loại hình nghệ thuật truyền thống vốn được coi là “cái nôi”, tạo nên hồn châu thổ cũng đứng trước áp lực rất lớn để tồn tại chứ chưa nói đến phát triển. Có hiện tượng “chảy ngược”, khi giải cải lương được Hội sân khấu TPHCM đưa về miền Tây tổ chức “nhằm khơi dậy sức sống cho loại hình truyền thống miền Tây Nam bộ” và sân khấu đồng bằng chỉ “đỏ đèn”, sôi động nếu có các đoàn trên TPHCM về diễn. Khá nhiều lễ hội lớn được thuê mướn, đặt hàng “người ở trển” từ kịch bản, dàn dựng, kỹ thuật, nghệ sĩ… Nghệ thuật Rôbăm, dù kê đặc sắc của người Khmer đứng trước nguy cơ mai một. Đờn ca tài tử chưa thực sự được nâng lên thành một sản phẩm văn hóa du lịch như quan họ phía Bắc, ca Huế miền Trung. Phai lạt thời vàng son Thập kỷ 80-90 thế kỷ trước là thời hoàng kim của văn hóa Tây Đô. Mô hình thuyền văn hóa, xây dựng văn hóa cơ sở được nhiều nơi đến tham quan học tập. Bảo Yến, Nhã Phương (nhạc), Hoàng Đông, Thanh Đời, Ngân Tâm, Chiêu Hoàng (cải lương)… khởi đầu sự nghiệp tại đây. Có hơn 13 rạp chiếu phim, sân khấu; cải lương có 3-4 đoàn, ra tận miền Trung miền Bắc phục vụ; rồi ca múa nhạc (2 đoàn), hát bội, xiếc mô tô bay... Rạp Minh Châu ngày diễn 3 suất, vé không đủ bán dù tiền vé ngang 1 chỉ vàng. Dân vùng sâu chèo ghe thắp đèn đi coi cải lương như hội. Người dân “bội thực” thưởng thức văn hóa bởi có lúc 40-50 đoàn Nhà nước, tư nhân dồn về đây xếp hàng biểu diễn. Đến nay, Đô thị loại 1 đầu tiên của đồng bằng (2009) vẫn không có quảng trường, chỉ còn một hai nơi chiếu phim nhưng địa điểm mượn, không đúng công năng, không có “công nghệ chiếu phim mới” (rạp 3D) và nơi sản xuất băng đĩa hình… Đoàn cải lương Tây Đô mỗi năm chỉ diễn 50 suất không doanh thu đã muốn “hụt hơi, kiệt sức” trong khi ngày trước diễn đến 80 suất/năm và “phây phây” xuất tỉnh... Sau hàng chục năm, Nhà hát Hậu Giang mới được nâng cấp, trở thành Nhà hát Tây Đô. Sáng tác biểu diễn thì theo soạn giả Nhâm Hùng, “đụng đâu cũng có vấn đề”, từ rạp cho đến kịch bản, đạo diễn, diễn viên… “Bao giờ cho đến… ngày xưa”? Phải chăng tốc độ của cuộc sống công nghiệp, vật lộn mưu sinh đã cuốn hút, triệt tiêu nhu cầu hưởng thụ văn hóa? Kết quả từ cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL - ĐH Cần Thơ (2007) cho thấy người dân đồng bằng đòi hỏi được đáp ứng thông tin văn hóa xã hội rất cao, chiếm 69% số người được phỏng vấn, chỉ đứng sau sự quan tâm về kỹ thuật, giá cả nông sản, vệ sinh ATTP; trên cả thông tin về pháp luật, môi trường, quy hoạch và chính sách… Vì thế, “văn hóa tại gia” (chủ yếu qua sóng truyền hình, phát thanh, internet) chính là đặc điểm hưởng thụ văn hóa của người dân ĐBSCL hiện nay. Điều đó thể hiện đời sống văn hóa tinh thần tại đây vẫn còn nghèo nàn, chỉ khuôn hẹp trong phạm vi gia đình. Theo Vũ Thống Nhất - SGGP |