Nhà báo, nghệ sĩ Trần Hồng kể: Khi mọi tầng lớp trong xã hội vào thăm Đại tướng, dù Đại tướng không xuất hiện, nhưng lời nói, cử chỉ, ánh mắt của mọi người đều toát lên sự ngưỡng mộ. Xem một số triển lãm ảnh về Đại tướng gần đây, có cựu chiến binh mắng tôi sa sả: “Sao không chỉnh sửa ảnh, để Đại tướng nhăn nheo thế này?”. Người ta luôn muốn một Võ Nguyên Giáp hoàn hảo. Khi giương máy ảnh, nhà nhiếp ảnh nào cũng muốn chụp được một Võ Nguyên Giáp tươi cười, khỏe mạnh. Nhưng đâu phải bao giờ cũng được như thế, ta phải chấp nhận điều đó. Chấp nhận ở góc độ nào, tìm ánh sáng gì để lột tả tâm trạng- đó mới là thách đố, mục tiêu của phóng viên ảnh.
Sáng hôm sau, tôi không chậm trễ, có mặt tại 30 Hoàng Diệu từ 5giờ30 sáng. Gần 6giờ kém 15 có một sỹ quan đạp xe dọc đường Hoàng Diệu hỏi tôi có phải Trần Hồng, và mở cổng sắt cho vào. Tôi ở rịt đến 21giờ. Ngày hôm đó thật nhớ đời, tôi chụp được những tấm ảnh quý giá nhất. Tình yêu Đại tướng thể hiện ấn tượng ngay những cú bấm máy đầu tiên. Khoảng 5 năm lại đây, tôi không vào thì nhớ ông nhưng vào rồi có lúc cảm thấy sự ngăn cản vô hình nào đó trước ống kính. Võ Nguyên Giáp xét về góc độ nào cũng đại diện cho phẩm chất người Việt Nam. Vậy mà tuổi tác đến không ai tránh được. Ngoại hình của người hơn 90 tuổi thật khó mô tả. Khó mà tải nổi sự đồ sộ về trí tuệ của một con người huyền thoại. Chụp Văn Cao, Trịnh Công Sơn già không khó. Nhưng với tướng Giáp, nhiều lần tôi giơ ống kính lên mà ngón tay không dám bấm. Tôi không tự ti, nhưng thời gian gần đây, có cảm giác bất lực. Mỗi lần chĩa ống kính vào con người huyền thoại này, có cảm giác khó mà ghi lại đầy đủ bản chất của một con người như thế. Đại tướng ít khi can thiệp vào chuyên môn của tôi, chỉ trừ lúc chụp ảnh kỷ niệm. Ông luôn hỏi: “Đồng chí cầm máy đã thấy vào hết khuôn hình chưa?”. Còn nhớ, năm 1994, tại một cuộc nói chuyện về lịch sử, Đại tướng cũng muốn cầm máy ảnh. Một phóng viên đưa máy cho ông, ông thao tác từ khuôn hình chụp đứng sang chụp ngang chuẩn xác và không thừa một thao tác nào. Mấy chục phóng viên ảnh có mặt đều ngơ ngác. Một lần chụp ảnh đoàn đến chúc thọ ông, tôi bấm năm kiểu mà đèn flash không sáng. Tôi xin lỗi mọi người để sửa đèn. Đại tướng nói: “Đồng chí không có lỗi, đó là lỗi của máy. Mà máy do cơ quan đồng chí sắm cho đồng chí chưa chuẩn”. Mọi người cười ồ.
Thường chụp ảnh xong tôi không đưa ngay ảnh tặng ông, chỉ là các con ông: Võ Hồng Anh, Võ Hồng Nam, Võ Điện Biên tò mò muốn xem và đưa lại cho ông. Họ nói, rất nhiều người chụp ảnh ông, nhưng Đại tướng thích nhất những tấm tôi chụp. Còn nhớ, năm 2006 chuẩn bị mừng 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đại tướng đi Điện Biên. Gần 12giờ trưa, thư ký Nguyễn Huyên muốn chấm dứt chuyến thăm. Nắng tháng Tư giữa lòng chảo Điện Biên gay gắt vô cùng. Đại tướng phát hiện đoàn chưa đến cầu Mường Thanh. Trước lời can ngăn của thư ký, ông nói: “70 tuổi người ta tính tuổi bằng năm, 80 tính bằng tháng. Anh năm nay ngoài 90, tính bằng ngày thôi. Công việc của anh như núi, em cho anh đến đó”. Trong bối cảnh đó, tôi chụp được Đại tướng ở góc độ đẹp: Đại tướng đứng trên cầu Mường Thanh hồi tưởng lại nơi 50 năm trước quân đội Pháp rút chạy. Theo Toan Toan - TP |