Trưng bày nhiều tư liệu ảnh về di sản, di vật chùa Phật Tích - Bắc Ninh được tìm thấy lâu nay, cùng một số địa chỉ di sản thời Lý nổi tiếng khác, các nhà khoa học đã tiếp tục gợi mở, chứng minh cho những nhận định về giá trị độc đáo của mỹ thuật Lý. Đặc biệt, việc phát lộ nhiều hiện vật mỹ thuật Lý trong quá trình khai quật Hoàng thành Thăng Long và chùa Phật Tích những năm gần đây tiếp tục đóng góp những cứ liệu mới cho các kết quả nghiên cứu. Ngày 25.8, hội thảo “Mỹ thuật Lý - mối quan hệ nghiên cứu đa liên ngành” đã diễn ra tại Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội trong không gian triển lãm mỹ thuật “Phật Tích và di sản nghệ thuật thời Lý” vừa khai mạc hôm 20.8, do Ban Mỹ thuật cổ - Viện Mỹ thuật tổ chức.
Khẳng định giá trị mỹ thuật Lý, hoạ sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Quân cho rằng: Mỹ thuật Lý là giai đoạn mỹ thuật vương quyền và mỹ thuật Phật giáo cực thịnh, hoàn chỉnh nhất... Điêu khắc – tháp Chăm, gốm Lý - Trần - Mạc và tượng gỗ - đình chùa Bắc Bộ thế kỷ 16-18 chắc chắn là những đóng góp đáng kể nhất của văn hoá VN với văn hoá nhân loại. Phác hoạ một bước chuyển tải ngoạn mục của văn hoá Chăm vào mỹ thuật Lý, TS Lê Đình Phụng - Viện Khảo cổ học VN dẫn ra một số ví dụ về phong cách tượng Krisna, tượng sư tử, băng trang trí... ở một số di tích thời Lý.
Về pho tượng Phật bằng đá xanh ở chùa Phật Tích mà có những ý kiến gọi tên khác nhau như: “A di đà”, “Thích Ca Mâu ni”, “Tì nô giá na Phật”..., PGS-TS Ngô Văn Doanh - Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cho rằng, được thể hiện cùng với một sự quan sát tự nhiên và hiện thực, toát lên vẻ đẹp tinh thần trìu tượng lý tưởng và sự thanh thản siêu phàm của phong cách Bắc Nguỵ - Trung Quốc và phong cách Gupta của Ấn Độ...
Nhiều chuyên gia khác cũng khẳng định giá trị phong phú của mỹ thuật Lý qua các tác phẩm điêu khắc chùa, tháp, gốm thời Lý cùng thông tin trong sử sách. Đáng lo ngại là trong khi các chuyên gia tiếp tục gợi mở về sự huy hoàng của một thời kỳ mỹ thuật dân tộc thì hiện thực trạng bảo tồn các di tích cùng nhiều di vật thời Lý không phải lúc nào cũng suôn sẻ và thực sự đạt hiệu quả. Ngay như tại Bắc Ninh, quê hương nhà Lý, thì như nhận định của GĐ Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh Lê Viết Nga thì tính nguyên gốc của di tích không còn nhiều. Tất nhiên, ngoài yếu tố thời gian thì cũng do yếu tố lịch sử để lại như chiến tranh hoặc việc trùng tu, xây cất của đời sau đã làm mai một giá trị của công trình đời trước.
Nhưng với những bài học như thế, việc bảo tồn một cách khoa học nhiều di tích thời Lý quan trọng hiện nay dường như không được quan tâm. Chẳng hạn như chùa Dạm ở xã Nam Sơn (TP.Bắc Ninh), lâu nay gần như hoang phế với những cấp nền đầy cỏ dại, cột biểu uy nghi với cặp rồng uyển chuyển thì tụt, vỡ nhiều chỗ và dãi dầu mưa gió. Còn tại chùa Phật Tích, đang được tôn tạo bề thế, lại có xu hướng “quy mô hoá”, “bêtông, đá, gạch ngói hoá”. Trong quá trình này, chân móng ngọn tháp huyền thoại thời Lý từng được phát lộ, nhưng đáng tiếc, nó không được tiếp tục bảo tồn theo kiểu lộ thiên để phục vụ nghiên cứu, tham quan mà được lấp lại để xây dựng công trình kiên cố bên trên.
Thông tin và tôn vinh giá trị của di sản là việc cần thiết và quan trọng. Nhưng không ngừng lên tiếng bảo vệ di sản cũng nên là trách nhiệm không nhỏ của các chuyên gia.
Theo LĐ
|