Văn nghệ trong nước
Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TPHCM: Đồng hành với sáng tác để phát triển VHNT
09:34 | 30/08/2010
Sáng nay, 30-8, Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TPHCM chính thức ra mắt với 32 thành viên. Nhiệm vụ chính của hội đồng là đánh giá và tổng kết tình hình sáng tác, lý luận, phê bình VHNT cũng như việc thực hiện đường lối VHNT của Đảng tại TP; đề xuất các nội dung đổi mới, góp phần định hướng và xây dựng cơ sở lý luận phê bình VHNT trong tình hình mới; giới thiệu, quảng bá các sản phẩm VHNT có giá trị cũng như đấu tranh, phê phán kịp thời các quan điểm sai trái, lệch lạc trong hoạt động VHNT; đề xuất khen thưởng các tác phẩm, công trình nghiên cứu lý luận, phê bình VHNT và các chế độ chính sách trong công tác lý luận phê bình VHNT.
Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TPHCM: Đồng hành với sáng tác để phát triển VHNT
Để tìm hiểu sâu hơn vai trò của hội đồng, Báo SGGP đã phỏng vấn ông Phan Xuân Biên (ảnh), nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TP.

* Phóng viên: Thưa ông, lý do nào dẫn đến việc thành lập Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TPHCM?

* Ông PHAN XUÂN BIÊN: Đất nước ta nói chung và TPHCM nói riêng đang phát triển hết sức sôi động, phong phú và đa dạng. Có nhiều vấn đề còn rất mới lạ, đang biến động theo nhiều chiều hướng khác nhau với một cường độ khá lớn, có khi ồ ạt, trong đó lại đan xen nhiều yếu tố đối lập, đúng sai, xấu tốt, thật giả… Không phải ai lúc nào cũng có thể phân biệt rạch ròi được. Mà hiện thực vốn luôn là nguồn cảm hứng cho văn nghệ sĩ sáng tạo ra nhiều tác phẩm VHNT. Những cảm hứng ấy không giống nhau giữa các văn nghệ sĩ, nó tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhiều cách tiếp cận, phương pháp, tài năng và cả lý tưởng xã hội cũng như cái tâm của người nghệ sĩ.

Do vậy mà trong thời gian qua đã xuất hiện rất nhiều “loại” tác phẩm ở mức độ khác nhau cả về tư tưởng và nghệ thuật, đồng thời cũng được nhìn nhận và đánh giá khác nhau. Nếu như công tác nghiên cứu, lý luận phê bình VHNT tốt thì sẽ giúp cho chúng ta có sự nhìn nhận đánh giá gần nhau hơn, định hướng cho sáng tác tốt hơn và định hướng thẩm mỹ nghệ thuật cho công chúng có hiệu quả hơn.

Rất đáng tiếc, như Nghị quyết (NQ) 23 của Bộ Chính trị đã chỉ ra: “Hoạt động lý luận VHNT còn lạc hậu về nhiều mặt, chưa giải đáp được nhiều vấn đề của cuộc sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác, có biểu hiện xơ cứng, kém năng động, giảm sức tác động đối với sáng tác. Lý luận văn nghệ và mỹ học Mác xít chưa được nghiên cứu và phát huy tương xứng với vai trò và giá trị của nó”. Do vậy đã “thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác. Chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình bị xem nhẹ. Xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu một hệ thống tiêu chí để nhìn nhận và đánh giá tác phẩm, tác giả. Văn hóa phê bình bị hạ thấp”.

Dường như công chúng chỉ còn biết đến cái hay, cái dở, cái đúng, cái sai của VHNT qua báo chí, trong đó không phải ở đâu cũng đảm bảo được tính chân phương và không thiếu trường hợp phê bình cảm tính… Từ đó, xuất hiện tình trạng khen chê khác nhau giữa những tờ báo, làm cho công chúng không biết nhìn vào đâu. Trong tình hình đó, chương trình hành động của Thành ủy để thực hiện NQ 23 của Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ tiếp tục đổi mới, phát triển hoạt động lý luận phê bình bằng việc thành lập Hội đồng Lý luận phê bình VHNT TP, tập hợp lực lượng từ các tổ chức nghiên cứu, sáng tác, các hội nghệ thuật chuyên ngành, Liên hiệp Hội VHNT, các trường, viện, các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình…

Hội đồng sẽ có kế hoạch tổ chức các cuộc hội thảo khoa học về hoạt động VHNT, tổ chức đào tạo lực lượng làm công tác lý luận phê bình VHNT. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho lý luận phê bình để khắc phục những yếu kém hiện nay, hoàn thành chức năng định hướng, điều chỉnh, hướng dẫn sáng tác cũng như công chúng hưởng thụ VHNT.

* Trong tình hình VHNT phát triển nhanh chóng hiện nay, ông có thể cho biết Hội đồng Lý luận phê bình TP liệu có biện pháp gì để hỗ trợ hoạt động VHNT tích cực hơn, góp phần phát triển VHNT TP?

* Chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như của TP về hoạt động VHNT nhấn khá mạnh đến công tác nghiên cứu lý luận phê bình, trong đó thành lập các hội đồng lý luận phê bình ở các cấp từ TƯ đến các địa phương có điều kiện mang ý nghĩa hết sức quan trọng. Hội đồng sẽ là cầu nối, đầu mối giữa lực lượng hoạt động VHNT nói chung, giới lý luận phê bình nói riêng, với các cấp lãnh đạo TP để “trên dưới đồng lòng”.

Đồng thời Hội đồng sẽ cùng các tổ chức hữu quan trong hoạt động VHNT tổ chức đào tạo lực lượng làm công tác lý luận phê bình, rà soát, sửa đổi bổ sung các chế độ chính sách đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng văn nghệ sĩ, kể cả trong nước và ngoài nước.

Hội đồng cũng sẽ tham gia vào việc xây dựng tiêu chuẩn, cơ chế lựa chọn, bố trí lãnh đạo quản lý, tham mưu lĩnh vực VHNT có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đảm đương công việc. Góp phần khắc phục tình trạng “một bộ phận cán bộ lãnh đạo, tham mưu, quản lý văn nghệ thiếu hiểu biết về VHNT, ít học tập, ngại tiếp xúc nên hiệu quả lãnh đạo, quản lý còn thấp. Có sự hụt hẫng đội ngũ này ở tầm vĩ mô và cả ở các đơn vị cơ sở” như NQ 23 của BCT đã chỉ ra.

* Với những nhiệm vụ phức tạp và khó khăn đó, liệu Hội đồng có đủ sức đảm đương công việc, tạo được uy tín đối với những người làm việc trong lĩnh vực VHNT nói riêng cũng như người dân TP nói chung?

* Theo Quyết định số 1480 QDND/TU ngày 8-1-2010 của Ban Thường vụ Thành ủy thì hội đồng có 32 người. Trong đó, chủ tịch là Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy và 3 phó chủ tịch. Hội đồng này trực thuộc Ban Thường vụ Thành ủy và với chức năng nhiệm vụ như đã nêu trên, chủ yếu tập trung vào việc chỉ đạo, tổ chức hoạt động về đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng.

Hội đồng không làm thay chức năng, nhiệm vụ của các viện nghiên cứu, các tổ chức về VHNT. Song hội đồng phải bao gồm những người có am hiểu về VHNT nên Thành ủy đã có quyết định tập hợp các nhà hoạt động chính trị có liên quan đến VHNT, các cán bộ quản lý các cơ quan VHNT, các nhà lý luận phê bình VHNT và một số văn nghệ sĩ. Số lượng 32 người theo quy định không phải là con số bất biến, nó sẽ được bổ sung, thay đổi theo yêu cầu và tình hình thực tiễn.

Tôi nghĩ rằng cái gì mới thì chưa thể hoàn thiện ngay được, song với thành phần hội đồng như quyết định của Thành ủy là tương đối mang tính toàn diện, không dàn trải, không mang tính “mặt trận”. Nếu các thành viên hội đồng xác định đúng đắn, đầy đủ vinh dự và trách nhiệm, làm việc thật sự, tâm huyết đầy trí tuệ; xác định được nhiệm vụ cụ thể, phù hợp, gắn bó máu thịt với hiện thực đất nước… thì sẽ có hiệu quả đối với đời sống hoạt động VHNT của TP và cả nước. 

Theo Tường Vy - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng