Văn nghệ trong nước
NS Nguyễn Văn Quỳ: Beethoven Việt Nam- cô đơn trên phím đàn
09:45 | 31/08/2010
Ngày 02/9/2010, tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, trong chương trình hòa nhạc VietNamNet “Điều còn mãi” có trình tấu bản Sonate số 8 viết cho violon của nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ, năm nay ông đã bước qua tuổi 86.
NS Nguyễn Văn Quỳ: Beethoven Việt Nam- cô đơn trên phím đàn
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ tại nhà riêng

Beethoven của Việt Nam

Sinh ra trong một gia đình ở Hà Nội, thấm giai điệu nhạc Việt như Hành vân, Lưu thủy, Cổ bản..., học trường dòng, tiếp xúc âm nhạc hàn lâm của châu Âu, nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ nhỏ.

Quá ham thích âm nhạc, ông du học tại trường Tổng hợp hàm thụ Paris. Trải qua nhiều giai đoạn thử thách, dấn thân vào đam mê để cuối cùng ông chọn Beethoven làm gương cho sự nghiệp âm nhạc của mình.

Cả cuộc đời ông “sống-chết” cho sonate, một thể loại nhạc trong giao hưởng rất khó, chuyển tải nhiều cấp độ của cảm xúc. Với “tài sản” là 9 bản sonate (viết cho violon và piano), 2 bản số 4 và số 8 đoạt giải nhì của Hội Nhạc sĩ VN, năm 1995, 2005.

6 bản đã được Đài Tiếng nói VN thu âm, trong đó bản số 1 (cung sol thứ, viết năm 1964) được khoa Giao hưởng Nhạc viện Hà Nội đưa vào giáo trình giảng dạy. Bản số 4 được UNICEF tại VN đề nghị tặng cho Hội nghị Bảo vệ Quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc. Bản số 7 được hòa tấu nhiều lần, với sự trình tấu của nhiều nghệ sĩ piano, violon nổi tiếng nước ngoài và trong nước.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ sinh năm 1925 tại Hà Nội, ông là hội viên mang quốc tịch VN đầu tiên của Hiệp hội bảo vệ quyền tác giả âm nhạc toàn thế giới- SACEM, với điều kiện: Dành cho VN được toàn quyền sử dụng mọi tác phẩm của ông không phải trả tiền cho SACEM.

Năm 2009, tại Hà Nội, qua Đại sứ quán Thụy Sỹ,Quỹ Patrimoenia and Gestion SA (Di sản để lại & giữ gìn), đã trao giải thưởng Patrimoenia 2009 (Văn hóa di sản 2009) về âm nhạc cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ.

Những bản sonate, ngôn ngữ âm nhạc quốc tế, tinh thần Việt của ông còn được các đại sứ quán tại VN sử dụng trong các buổi giao tiếp trọng thể, được dùng như một sứ giả thân thiện ở các cuộc gặp gỡ thân mật của các nhà ngoại giao, hay hòa nhạc nhằm quyên góp từ thiện cho người Việt.

Từ Pháp trở về, với nhiệt huyết của một đội viên trong Đội Thanh niên cứu quốc nội thành, sáng 10.10.1954 nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ, ôm guitar đi đầu đoàn thanh niên sinh viên Hà Nội đón bộ đội về giải phóng Thủ đô, cùng hát 2 ca khúc ông sáng tác dịp này:“Hoan hô quân đội giải phóng thủ đô”, “Hà Nội giải phóng”.

Hình ảnh đó đã được lưu trong tấm ảnh của nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Nguyễn Văn Kiên và lọt vào ống kính của đạo diễn điện ảnh người Nga, Roman Carmen trong bộ phim tài liệu Việt Nam trên đường thắng lợi.

Hỏi ông vì sao lại có tên”Beethoven Việt Nam”, khiêm tốn, nhỏ nhẹ, nhưng không giấu được niềm tự hào, ông kể: Cụm từ “Beethoven của Việt Nam” khởi đầu là do những người ở sứ quán Pháp đặt cho tôi. Bà Bertile Fournier, nguyên là Chủ tịch của nhiều kỳ thi âm nhạc quốc tế tại châu Âu thích bản Sonate số 6, nghệ sĩ Isabelle Durin, cây violon số 1 của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Ile de France thích bản Sonate số 7, số 9, GS Ngô Văn Thành, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia lại thích bản Sonate số 4...

Không chỉ có 9 bản sonate có giá trị, ông còn là tác giả của nhiều ca khúc tiền chiến nổi tiếng như Dạ khúc, Nhớ trăng huyền xưa, Bóng chiều, Chiều cô thôn... trong đó bản Dạ khúc là 1 trong 2 bản Dạ khúc hay nhất trong âm nhạc VN (bản kia của Nguyễn My Ca). Nhiều thế hệ giáo viên, học sinh của Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nội nhớ tới ông, người thầy dạy nhạc với ca khúc nổi tiếng “Yêu người bao nhiêu, ta càng yêu nghề bấy nhiêu”, ca ngợi ngành giáo viên nhân dân.

Nói về ông, cả nghệ sĩ nước ngoài và nghệ sĩ nổi tiếng trong nước đều dành những lời khâm phục, trân trọng. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: “Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ là tấm gương về lao động sáng tạo, là tấm gương về tình yêu với nghệ thuật âm nhạc. Ông là một Nghệ Sĩ Lớn với nghĩa viết hoa. Giới nghệ sĩ VN ghi nhận cống hiến của ông suốt đời vì âm nhạc dân tộc”.

Nữ nghệ sĩ Isabelle Durin, người trình tấu bản Sonate số 7 của ông: “… Ông đã nâng lên mức cao nhất có thể được nền âm nhạc dân tộc mình và mở ra môt chân trời âm nhạc mới để nói với tòan thể nhân lọai”. Aymeris Bas, một nghệ sĩ Đức: ”Những bài thơ của ông là hình ảnh âm nhạc của ông. Duyên dáng, nhẹ nhàng mà sâu lắng, hiện đại, nhưng thuộc về mọi thời đại”.

GS Ngô Văn Thành, Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia VN: “Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ là người tài năng. Các tác phẩm của ông luôn được thể hiện trong một mạch cảm xúc mãnh liệt, tuy được viết theo cấu trúc âm nhạc Tây phương nhưng lại thể hiện một tâm hồn rất VN, bằng ngôn ngữ âm nhạc rất riêng”….

Trong sổ lưu niệm của ông, những dòng khen ngợi của các nghệ sĩ nước ngòai đầy ngưỡng mộ:” Thiên tài. Nhạc của Quỳ đã thôi miên tôi, in đậm trong tâm trí tôi, với tôi âm nhạc của ông là một giá trị nghệ thuật lớn”…” Với những tác phẩm như thế này, VN có quyền tự hào...”

Cô đơn trên phím đàn

Đến thăm ông ở ngôi nhà nhỏ số 13 Nguyễn Quang Bích, khu phố cổ như “Phố Phái”. Phòng khách đơn sơ, nhưng vẫn tóat lên một không gian rất Hà Nội. Bàn trà gỗ xưa, bình hoa hồng đỏ thắm, kệ sách…Và trong đó không thể thiếu cây đàn piano, phía trên là bức họa chân dung nhạc sĩ Beethoven-thần tượng âm nhạc của ông.

Chọn nhạc bác học ở VN là chọn con đường khá chông gai mà lại khó thành “người của công chúng”. Chấp nhận hiến dâng, chấp nhận thua thiệt, khi ở VN đa số công chúng chưa quen cảm thụ sâu sắc những tác phẩm âm nhạc cổ điển. Nhưng ông không hề nuối tiếc. Ông sống giản dị, khiêm nhường, bằng lòng với cuộc sống của mình.

Nói về âm nhạc, những sáng tạo trong âm nhạc bác học hay bàn luận về những buổi hòa nhạc thính phòng của các ban nhạc nổi tiếng nước ngòai tới VN biểu diễn, ông như biến thành một con người khác, trẻ hơn cái tuổi 87 của ông đến vài chục tuổi.

Thưa ông, vì sao ông lại chọn thể lọai sonate? Và cũng chỉ viết riêng cho piano, violon?

- Trong 1 bản giao hưởng thường có 4 chương, nhất định phải có 1 chương là sonate.Tôi đến với sonate đơn giản vì sonate là một thể loại có khả năng diễn tả rất sâu sắc nội tâm con người đủ cung bậc tình cảm, cảm xúc, cũng như thể hiện được phần nào thực tế của xã hội. Qua những tác phẩm sonate, tôi có thể thể hiện được tình cảm, ước mơ của riêng mình....

Violon là vua của các lọai nhạc cụ, có thể biểu đạt cảm xúc không cần sự can thiệp của lý trí. Piano là loại nhạc cụ có thể biểu đạt được đầy đủ cung bậc tình cảm vì khả năng của nó là vô tận. Nếu song tấu thì nó như một cuộc đối thoại đầy kịch tính bằng âm thanh, đẩy tác phẩm phát triển theo trí tưởng tượng của người nghe.

Nhưng nhạc của ông có vẻ thiên về nỗi buồn?

- Tôi đề cao nhạc buồn bởi nếu không biết buồn thì làm sao biết yêu thương? Schubert có một câu mà tôi tâm đắc: “Có thể có âm nhạc hay mà không thể buồn được chăng?”. Vì thế, trong các sonate của tôi luôn hội tụ 3 yếu tố: tình cảm, trong sáng, trí tuệ.

Nhạc của ông rất khó tiếp cận đối với công chúng VN? Ông có buồn vì điều đó?

- Bà Bertile Fournier, giáo sư Nhạc viện Trung tâm Paris, chủ tịch Hiệp hội AN Lily Luskine đã có lần nói: “Ông đã tạo ra một ngôn ngữ âm nhạc mới, nhưng quá khó với nhiều biến âm”. Âm nhạc của tôi rất khó. Ngay những ca khúc của tôi, không phải ai cũng có thể hát được.

Nhưng bạn bè tôi ở VN đều nói rằng nhạc của tôi nghe rung động lòng người. Nếu người VN rung động khi nghe nhạc của tôi thì tất nhiên nhạc của tôi phải mang hồn VN, chứ không thể nào rung động với những gì xa lạ.

Điều tôi buồn không phải nhạc của tôi ít người nghe, mà buồn vì ở VN dòng nhạc này vẫn chưa được chú trọng, vẫn như khách lạ, chỉ là một thứ “xa xỉ”, dù bao nhiêu thứ âm nhạc khác hàng ngày hàng giờ du nhập, hiện diện trong đời sống văn hóa nghệ thuật VN hôm nay.

Ông đã từng làm thầy dậy nhạc suốt mấy chục năm ở trường Cao đẳng Sư phạm HN (1956-1978), ông cũng có rất nhiều học trò, nhưng có ai đi theo ông ở dòng nhạc cổ điển, viết sonate?

- Không có ai. Mình tôi đi như kẻ độc hành trên con đường dài. Ở VN, có nhiều nhạc sĩ từ “lò” Nga, nhưng gần như không ai viết sonate. Bây giờ có tôi, không biết sau này có ai. Bởi đi theo dòng nhạc cổ điển ở VN là dũng cảm và chịu nhiều thua thiệt. Mà thời buổi mọi cái đều là “thị trường” thì rất khó cho sự đam mê một thứ rất “trừu tượng”.

Vậy bấy lâu ông sống như thế nào khi tác phẩm chỉ mang tính tinh thần?

- 6 trong 9 bản sonate đã thu âm, khi phát hành, được trả 1,5 triệu đồng VN/bản. Riêng bản số 7, được 15 triệu đồng từ Hội Nhạc sĩ VN. Tôi sống nhờ lương hưu trí, tài trợ của các người bạn nghệ sĩ nước ngoài, họ lập cho tôi 1 quỹ mang tên tôi, không nhiều, nhưng là tấm lòng, tình cảm của họ. Tôi không có nhu cầu gì nhiều, con cái phương trưởng rồi.

Từ đâu mà Quỹ Patrimoenia and Gestion SA-Di sản để lại và giữ gìn, biết được và trao tặng giải thưởng danh giá của họ cho các tác phẩm của ông?

- Cũng là cái duyên của tôi, một người nước ngoài khi vô tình nghe bản Sonate số 8 đã rất thích và giới thiệu cho ngài Đại sứ Thụy Sỹ. Không ngờ ngài Đại sứ cũng mê bản sonate số 8 và có ý muốn nghe hết 9 tác phẩm. Ông ấy đã mang 9 bản sonate giới thiệu với các nhạc viện, nhạc sĩ của Thụy Sỹ….

(Xin nói ngòai lề: Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ đã dành toàn bộ số tiền giải thưởng đó cho các trẻ em nghèo và tàn tật tại Hà Nội và TP.HCM.)

Một chút tâm sự

Theo cảm nghĩ riêng ông, việc kết hợp vài nhạc cụ dân tộc VN trong dàn nhạc giao hưởng có phải là một sự kết hợp “dân tộc-hiện đại”?

Cô đơn trên phím đàn

- Ngay như trong một dàn nhạc giao hưởng mà đôi khi dàn nhạc hơi- kèn, ngoài cây flute, clarinet thì những cây kèn kia làm hỏng hết cảm xúc. Nhạc cụ dân tộc của ta là vốn quý, nhưng nó chỉ mang tính cá thể trong phạm vi một dân tộc, một quốc gia- VN, sức biểu đạt âm thanh không thể đầy đủ như các nhạc cụ của Tây phương- đã mang tính toàn cầu.

Không nên vì một kiểu suy nghĩ áp đặt nào đó mà để mấy thứ trộn lẫn vào nhau…

Ông đã từng lên tiếng về bản giao hưởng đầu tiên của VN về vấn đề học thuật?

Đúng là tôi đã có ý kiến về bản giao hưởng đó. Xin không nói tên tác giả vì tôn trọng ông, ông là một liệt sĩ. Thật sự đó chưa phải là giao hưởng theo đúng chuẩn mực, quy tắc của một giao hưởng. Chương 1 thường là “bất hạnh”, chương 2 là “hạnh phúc”…, như của Beethoven thường chương 1 là thiên nhiên tươi đẹp, chương 2 là bão tố. Nghĩa là 4 chương có sự mâu thuẫn đối cặp và xuyên suốt chủ đề. Nhưng ở bản nhạc được gọi là “giao hưởng” đầu tiên của VN thì chương 1 là niềm vui-với lời ca “lúa chín vàng…”, chương 2 lại là hành động: ”Ngựa phi đường xa…”.

Khi mà các trào lưu âm nhạc đương đại đang tràn ngập và thịnh hành ở VN, trong khi nhạc cổ điển thì rất khó khăn để tồn tại. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

Đó là nỗi buồn của tôi bao năm nay. Âm nhạc cổ điển là một thứ triết lý sống, một kênh tư duy để sáng tạo rất gần với thiên tài, là sự hoàn hảo của chân-thiện-mỹ, có tính giáo dục tâm hồn con người rất sâu sắc... Nhưng rất tiếc ở VN, nó chỉ là một thứ trang trí trong âm nhạc, rất đẹp nhưng không ai thưởng thức, ít được quan tâm chăm chút, sống lay lắt, cầm hơi…

Trong khi đó những thứ âm nhạc tạp nham làm hỏng thị hiếu thẩm mỹ, làm cho âm nhạc xuống cấp thì cứ thản nhiên ngày một lấn chiếm, tràn ngập trong đời sống tinh thần mọi người.

Vậy mà khi chia tay ông, trong tiếng ầm ào máy trộn bê tông, ông mỉm cười khoan dung nói với tôi: “Ở đời nên sống lặng lẽ mà làm cho tốt”. Có lẽ thế mà ông sống thọ, sống bình yên,và hạnh phúc trong những giai điệu sonate của ông.

                                                                                                   Theo VietNamNet









Các bài mới
Các bài đã đăng