Cô viết tiểu thuyết đầu tay Un si tendre vampire (Một con ma cà rồng rất dịu dàng) bằng tiếng Pháp, lúc mới 23 tuổi, bằng một giọng văn ảm đạm và độc đáo một cách kỳ dị – giọng văn luôn theo cô suốt các tác phẩm kế tiếp, và Lettre morte (Thư chết – 1999) vọng kính người cha đã mất là tác phẩm đau thương nhất, mê hoặc nhất. Với tiểu thuyết mới ra của cô, Cronos, tấn bi kịch về một nền chuyên chính, Linda Lê biểu lộ một sự hoang dã. Nhưng chất mãnh liệt lâu nay bị kiềm chế trong tác phẩm không hề bộc lộ trong giọng nói hiền dịu, thì thầm của cô.
Ngoài tiểu thuyết, cô đã từng viết nhiều tập phê bình văn học về những nhà văn mà cô thích như nhà thơ Marina Tsvetaïeva. Cô có thể giải thích tại sao lại có những cuốn sách đó?
Giấc mơ của tôi là thành lập một cộng đồng những người thích đọc sách của tôi và giới thiệu cả những tác giả mà tôi ngưỡng mộ. Tôi thích chia sẻ những châm ngôn của Georges Perros hay giọng thơ rã rời của nhà thơ Rumani – Gherasim Luca. Dù họ là những nhà văn thuộc đủ thể loại rất khác nhau, nhưng họ đều là “quê hương văn học” mà tôi đã chọn cho mình, là cơ sở trí tuệ của tôi.
Các tác giả đó hiện ra như thế nào ở cô?
Linda Lê sinh năm 1963 tại Đà Lạt, sang Pháp năm 1977, là nhà văn, nhà phê bình văn học nổi tiếng trong văn học Pháp đương đại, tác giả của khoảng 15 tác phẩm, trong đó có những cuốn đã dịch ra tiếng Việt xuất bản tại Việt Nam như tiểu thuyết Calomnies (Vu khống), Autres jeux avec le feu (Lại chơi với lửa)... đều do Nguyễn Khánh Long dịch.
Tác phẩm của nữ văn sĩ này được dịch ra nhiều thứ tiếng, được giảng dạy trong phân khoa văn học và nữ quyền, văn học và hậu thuộc địa, tại hàng trăm trường đại học.
Ngày 19.10 sẽ có buổi giao lưu, thảo luận với nhà văn Linda Lê tại TP.HCM do tổng lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM tổ chức.
|
|
Tôi nghĩ một số nhà văn có sức mạnh đặc biệt cho phép họ hiện ra trong trí nhớ người ta trong mọi tình huống của cuộc sống hàng ngày. Cioran từng nói cuốn sách hay nhất là “người bạn của những giờ phút khó khăn”. Tôi ưa thích những tác giả mà người ta cho là tuyệt vọng. Sự đen tối của họ mang lại cho tôi nhiều hứng khởi tốt lành, và họ cung cấp cho tôi năng lượng hàng ngày, ngay khi tôi không đọc tác phẩm của họ. Có khi đang đi ngoài đường tôi nhìn và nghĩ một người đi bộ nào đó có thể là nhân vật của Dostoievski... Tôi có cảm tưởng văn học giúp tôi tạo ra những mối liên hệ với đồng loại. Tôi từng là người rất rụt rè. Nhờ sách, tôi mới cởi mở với thế giới bên ngoài hơn một chút.
Cô đã sống tuổi thơ của mình ở Việt Nam. Lúc đó văn học là gì đối với cô?
Bao giờ tôi cũng cảm thấy mình rất xa lạ đối với Việt Nam, vì tôi học bằng tiếng Pháp, vì thái độ khá rụt rè của tôi. Chị em tôi không giống những đứa trẻ xung quanh. Tôi sớm dùng sách để chạy trốn cảm giác cực kỳ cô đơn đó. Ngay từ thời thơ ấu, tôi đã hướng về những gì thật xa lạ với tôi, những gì có vẻ khổng lồ, quá mức.
Cô viết văn để phá vỡ sự căng thẳng hay để nuôi dưỡng nó? Tôi nuôi dưỡng nó. Khi viết, tôi luôn luôn thích tâm trạng như đứng trên một sợi dây căng trên không. Nếu có lúc tôi thấy không hài lòng và tu chỉnh lại một vài cuốn sách của mình, đó chính là lúc tôi không cảm nhận trạng thái căng thẳng đó.
Sự căng thẳng đó từ đâu ra?
Tôi luôn có cảm tưởng tiếng Pháp quá khó nếu tôi không thử tìm cho mình lối viết riêng. Vì vậy, viết văn thường là một cuộc thử thách. Đôi khi tôi ngồi hàng giờ, vì có một chữ không hợp… Đến khi tôi bỏ đi dạo, tự rủa mình, và cuối cùng tôi cũng tìm ra được đúng chữ. Tôi nhận thấy chính trong lúc đi dạo, chuyển động, tôi đã tìm ra những ý tưởng hay nhất. Trong khi cứ cố ngồi bàn nặn óc, thì không nghĩ ra được. Tôi cần phải bước những bước dài, không nhìn thấy gì cả, toàn tâm với những suy nghĩ của mình…
Những câu viết trong tiểu thuyết của cô có âm vang lạ lùng. Cô thích những từ ngữ ít dùng, những cách ghép bất thường…
Tôi luôn tự nhủ rằng một đoạn văn cần phải “phát lân quang”. Đây là một từ mà tôi thích. Tôi luôn cố hướng về điều này, nhưng không cần nỗ lực như một bài tập rèn luyện. Tôi muốn các từ ngữ phải nóng sáng lên, sách phải là những lò cháy rực. Tôi đã viết tiểu thuyết Lettre morte hầu như trong tình trạng cháy bùng.
Quyển sách mới của cô, Cronos, mô tả một bộ máy chuyên chính tàn bạo. Đó là quyển tiểu thuyết dữ dội nhất của cô…
Lạ thay, một số sách rất dữ dội đối với tôi lúc viết, nhưng cuốn này thì không. Tôi đã dệt nên nó với lòng kiên nhẫn của nàng Pénélope, bình thản, hết ngày này qua ngày kia, cảm thấy mình sáng suốt hơn bình thường. Điều khiến tôi bất ngờ, là tôi đã thay đổi lối dùng từ ngữ, với những nhân vật sử dụng vốn từ rất suồng sã, gần như tục tĩu. Tôi đã rất thích thú khi làm cho bộ trưởng Nội vụ nói chuyện, tìm những lời lẽ thể hiện toàn bộ tính dung tục của nhân vật, mà không phải mô tả tính cách đó.
Cô vừa giành được học bổng Cioran cho một dự án sách về những người vô tổ quốc…
Tôi chỉ vừa mới bắt đầu viết. Đây sẽ là một sự suy nghĩ về tính khác biệt, về những gì còn lại của chủ nghĩa nhân văn. Tôi muốn nhắc lại vài nhân vật mà tôi yêu quý, như Marina Tsvetaïeva, và nói về những nhà văn ít được biết đến hơn, như nhà thơ Rumani – Benjamin Fondane, đã viết rất nhiều bằng tiếng Pháp. Cả hai đã là nạn nhân của chế độ cực quyền. Sau khi lưu vong, cả hai đã chết bi thảm. Tsvetaïeva đã tự tử sau khi về lại Liên Xô, sau mười bốn năm lưu vong ở Pháp, còn Benjamin Fondane thì chết ở trại Auschwitz… Trong quyển sách này, tôi sẽ còn nói đến một số nhà văn đã di cư từ bên trong. Các tiểu thuyết gia như Thomas Bernhard đã tố cáo các khuyết điểm của chính nước mình, đã không tìm được tiếng nói chung với chính đồng bào mình. Trong quyển sách này, tôi tỏ lòng kính trọng những ai lấy lời của Armand Robin, nhà thơ của vùng Bretagne, làm của mình: “Trên mỗi vùng đất, tôi sẽ là một người lạ thường”. Đây là những lời lẽ đầy nghị lực đã luôn đi theo tôi.
Cô cảm thấy thế nào ở nước Pháp của thời nay?
Tôi hầu như luôn cảm thấy mình đang lưu vong. Cho dù đã sống từ lâu ở Pháp, tôi không bao giờ tự nhủ đây là quê hương mình. Nhưng tôi cũng không tự nhủ Việt Nam là quê hương tôi. Tôi có một tình yêu sâu sắc đối với Pháp ngữ. Đó là bến đậu duy nhất của tôi trong một thực tại mà tôi vẫn thấy rất dữ dội. Tôi thật lo lắng khi thấy rằng chủ nghĩa dân tộc kịch phát trỗi dậy ở châu Âu. Tôi cảm thấy châu Âu càng ngày càng dè chừng, lạnh nhạt, và càng ngày càng ít dung thứ hơn. Có thể ta đang sống trong một thời kỳ hoà bình bề ngoài, nhưng có những xung đột ngấm ngầm, và tôi sống trong nỗi sợ một sự bùng nổ to lớn.
Trong quyển Cronos, cô kêu gọi phản kháng. Theo cô, ngày nay cuộc phản kháng này có thể có hình thức gì?
Tôi luôn có cảm giác rã rời và nổi loạn khi theo dõi thời sự. Đôi lúc tôi gần như cảm thấy ngã ngửa vì giật mình, đến mức tôi không đọc báo nữa, không nghe đài nữa. Giống nữ nhân vật chính của Cronos, đôi lúc tôi cứ muốn cự tuyệt. Giống như cô ấy, tôi tự nhủ mình là kẻ viết lách. Tôi chỉ biết đấu tranh bằng ngòi bút. Có thể một ngày nào đó thời thế sẽ buộc tôi hành động khác đi. Nhưng ngay bây giờ, trong xã hội nơi tôi sống, vũ khí duy nhất của tôi vẫn là ngòi viết.
Tôi chỉ biết đấu tranh bằng ngòi bút. Có thể một ngày nào đó thời thế sẽ buộc tôi hành động khác đi. Nhưng ngay bây giờ, trong xã hội nơi tôi sống, vũ khí duy nhất của tôi vẫn là ngòi viết.
Với nguy cơ không được nghe thấy?
Tôi luôn viết với cảm giác mình có thể nói mà chẳng ai nghe. Nhưng điều này không làm tôi nản lòng. Trái lại. Theo một cách nhìn nào đó, có thể như vậy hay hơn. Không nên có cảm giác mình luôn được tán thành. Nếu không, ta sẽ dễ cảm thấy yên tâm yên phận. Nhất định không được từ bỏ chính mình, cũng như không được oán hận. Cảm giác yên tâm yên phận và oán hận là hai hòn đá ngầm to, và tôi cố chèo lái giữa chúng.
Chủ đề hai mặt cũng luôn ám ảnh trong tác phẩm của cô…
Phải, tôi cảm thấy mình có tính hai mặt rất mạnh, thậm chí đa mặt, và phần lớn thời gian như bị nhập bởi những hồn ma. Dần dần khi hoàn tất những quyển sách, tôi cảm thấy mình phong phú hơn khi nghĩ đến các nhân vật đã phần nào bước ra khỏi bóng tối, nhờ những gì tôi viết. Trước tiên là ba tôi, người tôi luôn muốn tỏ lòng kính trọng. Ba tôi từng muốn làm hoạ sĩ, và ông đã từ bỏ tham vọng của mình khi có gia đình. Ba tôi từng là mẫu người lý tưởng của tôi, và các chị em tôi luôn nói đùa tôi là đệ tử của ông. Lúc tôi đến Pháp, và viết thư cho ba khi ấy vẫn còn ở Việt Nam, ba tôi hồi âm rằng ông rất tin tôi, rằng ông không biết tôi sẽ làm được những gì, nhưng tôi phải thử làm gì đó gây bất ngờ cho ông. Chính ba khích lệ tôi trở thành nhà văn.
Khi nữ nhân vật chính của Cronos nói về sự suy sút của cha mình, cô ấy bảo: “Xưa kia, chính ông ấy nắm giữ chìa khoá kiến thức, từ nay chính tôi có trách nhiệm tinh thần”. Chính cô cũng có cảm giác mình có trách nhiệm tinh thần?
Có thể hơi tự phụ, nhưng tôi thấy mình có nhiệm vụ đón nhận những mảnh đời đã bị chìm đắm, cho dù con thuyền của tôi không phải lúc nào cũng vững chắc. Tôi luôn hy vọng làm sống lại những người tôi từng gặp trên đường đời, và đã có ảnh hưởng đối với tôi. Làm tác giả, chính là làm phát ngôn viên cho những người đã mất. Tôi có nghĩa vụ tinh thần là tỏ lòng tôn kính những ai đã ủng hộ mình trong suốt cuộc đời mình. Từ những tác giả mà tôi đã đọc cho đến những người bạn thân nhất. Chẳng hạn, trong tiểu luận mới nhất của mình, Au fond de l’inconnu pour trouver du nouveau (Đến tận cùng cái chưa biết để tìm sự mới mẻ), tôi đã nhất thiết phải có một lời với Christian Bourgois – người xuất bản các tác phẩm của tôi. Ông như là cha đỡ đầu của tôi. Từ khi ông mất, mỗi lần đến nhà xuất bản Bourgois, tôi luôn có giây phút tưởng niệm ông mãnh liệt. Tôi xác định ngày tôi ra đời về mặt văn chương chính là lúc tôi gặp ông. Ông đã làm tôi sinh ra từ chính mình. Ông còn che chở cho tôi nữa.
Che chở để chống lại nguy hiểm nào?
Chống lại chính tôi! Ông đã biết kiên nhẫn chờ đợi tôi trong thời gian lý trí tôi lung lay, hoặc những lúc tôi khó nắm bắt thực tại. Cả ông và Dominique, vợ ông, đều ủng hộ tôi rất nhiều.
Giai đoạn “lý trí lung lay” này để lại dấu vết gì nơi cô?
Lúc rơi xuống cái giếng không đáy là một thời điểm đoạn sinh – không đẻ ra được gì ngoài sự hoài nghi về thế gian, khiến ta không thể hành động cũng như suy nghĩ một cách ung dung. Tôi đã trải qua những thời kỳ này, khi tôi rất yếu ớt, giống như mất hết ý niệm về cuộc sống thực tại. Điều này có mang lại gì cho tôi không? Tôi nghĩ không. Nó đã xảy ra mà tôi không hề hay biết, và tôi đã không thể viết được bất cứ gì. Có thể đôi lúc cần phải biết rõ vực thẳm thì mới tìm ra được chút ít ánh sáng… Chỉ khi lý trí chiến thắng, tôi mới viết lại được. Sự đau đớn này có thể liên quan đến tình trạng căng thẳng quá mạnh. Lúc ấy trong tôi là tình trạng hứng khởi một cách bệnh hoạn. Tôi luôn e sợ những giai đoạn này tái xuất hiện, bởi đó là lúc tôi không còn làm chủ chính mình. Mà tôi nghĩ điều cốt yếu của tôi là làm chủ bản thân, và luôn viết một cách sáng sủa, chắc chắn về những gì mình đưa ra...
Lược trích từ bài phỏng vấn của Marine Landrot (đăng trên Télérama số 3162 ra ngày 14.8.2010)
Theo SGTT.VN
|