Trong buổi ra mắt báo giới, nhà sản xuất – Công ty cổ phần Kỷ Nguyên Sáng, đã chiếu giới thiệu một số trích đoạn trong phim nhựa và một vài hình ảnh hậu trường của loạt 100 tập (10 phút/tập) Khát vọng Thăng Long ký sự. Dù chưa phải là bộ phim hoàn chỉnh, nhưng chỉ thông qua những hình ảnh chiếu giới thiệu, người xem đã cảm thấy hoàn toàn yên tâm về độ hấp dẫn của một bộ phim lịch sử, dù rằng trong phim không có những diễn viên tên tuổi (các diễn viên trong phim: Ngô Mỹ Uyên, Quách Ngọc Ngoan, Đình Toàn, Thạch Kim Long, Thu Trang, Leon Quang, Hương Giang…). Khát vọng Thăng Long kể về vua Lý Thái Tổ từ khi ông mới sinh ra, đến khi ông lên làm vua. Ngoài hai nhân vật có thật trong lịch sử là vua Lê Long Đĩnh và Lý Công Uẩn (tức vua Lý Thái Tổ), hầu như các nhân vật, tình tiết trong phim đều được hư cấu. Theo đạo diễn Lưu Trọng Ninh: “Vì tư liệu lịch sử về Lý Công Uẩn và triều đại hồi ấy rất ít, nên muốn làm một bộ phim về Lý Công Uẩn đầy đặn và có được độ hấp dẫn nhất định, buộc chúng tôi phải hư cấu. Tuy nhiên, sự hư cấu cũng dựa trên yếu tố lịch sử. Lịch sử có xa, nhưng phải kéo lại gần với chúng ta”. Khán giả sẽ nhận ra dáng vẻ cổ xưa ngay từ gam màu của phim – một màu nâu trầm, với những phiên chợ quê bình dị, yên lành; những cổng làng đơn sơ, mộc mạc; những hàng tre yên ả và đặc biệt là cảnh đám trẻ đuổi nhau trên lưng trâu vô cùng ngoạn mục… Đạo diễn cho biết, bối cảnh trong phim đa phần đều phải chắp vá. Có bối cảnh phải quay đến 5 tỉnh khác nhau, ở 5 vị trí khác nhau. Nhưng sự công phu ấy đã được đền bù xứng đáng, khi xem phim, khán giả hoàn toàn tin được rằng cảnh làng quê ấy, ngôi nhà ấy, hàng tre ấy đích thị là của Việt Nam. Cái lo lắng về một sự lai căng, học đòi làm phim lịch sử như của Trung Quốc sẽ không diễn ra. Trong phim, các nhân vật nữ mộc mạc trong trang phục áo yếm vải thô đặc trưng Việt Nam; trang phục quan lại trong triều cũng vừa phải, không lòe loẹt như một số phim sử đã từng làm trước đây. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh khẳng định, điều làm anh hài lòng và yên tâm nhất trong bộ phim này chính là phần trang phục và võ thuật. Trần Chi Bảo là người rất giỏi về thiết kế trang phục và cô đã từng nhận giải thưởng quốc tế cho lãnh vực này. Còn Johny Trí Nguyễn là đạo diễn võ thuật cho phim. Người xem sẽ thật mãn nhãn với các màn đánh võ, nhưng thú vị nhất là cảnh các em đánh và đuổi nhau trên lưng trâu. Johny Trí Nguyễn cho biết: “Việc tập cho các em cưỡi trâu rất công phu. Bản thân tôi bị trâu hất té ít nhất 10 lần”. Diễn viên Quách Ngọc Ngoan (vai Lý Công Uẩn) phải tập võ thuật ròng rã trong vòng 2 tháng với 5 lần té ngựa và 2 lần… ngất xỉu. “Vào vai một vị vua văn võ song toàn, lại xuất thân từ cửa Phật, là một áp lực rất lớn với tôi. Nhưng tôi thấy mình thật may mắn khi bên cạnh luôn có sự động viên của một ê-kíp sản xuất chuyên nghiệp, nhất là hai đạo diễn – Lưu Trọng Ninh và Johny Trí Nguyễn”, Ngọc Ngoan nói. Theo nhà sản xuất, việc chọn lựa kịch bản làm phim mất nhiều thời gian nhất. Đặt hàng nhiều người viết và cũng có tới 10 kịch bản, nhưng cuối cùng nhà sản xuất chọn được kịch bản của Charlie Nguyễn. Phần kỹ xảo cho phim do Công ty Kinomotive (Hàn Quốc) đảm nhận. Bằng sự đầu tư “khổng lồ”, với mong muốn phim đạt được chất lượng hình ảnh, kỹ thuật, âm thanh tốt nhất, nhà sản xuất không giấu tham vọng, sau khi công chiếu tại Việt Nam, Khát vọng Thăng Long sẽ tham dự các liên hoan phim quốc tế. Trong khi chờ Khát vọng Thăng Long bản phim nhựa (dài 110 phút) chính thức công chiếu, khán giả có thể xem loạt Khát vọng Thăng Long ký sự dài 100 tập (10 phút/tập), sẽ phát sóng trên HTV. Đây là loạt ký sự ghi lại hình ảnh hậu trường việc làm phim và công tác tuyển chọn diễn viên… Theo Như Hoa - SGGP |