Năm 1960, tôi đang học lớp 10 tại trường Phổ thông 3A (47 Lý Thường Kiệt) mà sau này đổi tên thành trường cấp 3 Việt - Đức. Vì có học nhạc từ nhỏ nên tôi được Ban giám hiệu nhà trường phân cho việc dàn dựng và chỉ huy dàn hợp xướng đến hơn trăm học sinh của trường. Dàn nhạc của chúng tôi cũng đông lắm, thôi thì đủ cả. Những bạn chơi nhạc như Phú Quang, Trần Đức Lợi, Vũ Thiện Cơ, Nguyễn Thiện Hà... đều là học sinh trường Âm nhạc Việt Nam vào các buổi chiều, còn buổi sáng học văn hóa ở trường Phổ thông 3A. Vào khoảng cuối tháng 8.1960, Ban giám hiệu yêu cầu tôi chọn một số bạn trong đội hợp xướng hát hay nhất để đi làm “nhiệm vụ đặc biệt”. Mấy ngày sau tôi mới được biết là phải tập hát trước bài Ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam, Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Lá cờ Tháng Tám... để cùng học sinh lớp 10, sinh viên của các trường khác và một số thanh niên tham gia dàn hợp xướng chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III tại vườn Bách thảo Hà Nội. Tối mùng 3 tháng 9 - trước ngày khai mạc đại hội 2 ngày (Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III họp từ ngày 5 đến 10 tháng 9 năm 1960), chúng tôi tập trung tại vườn bách thảo để tham dự buổi lễ của Hà Nội chào mừng Đại hội Đảng. Lên đến nơi, tôi trố mắt ngạc nhiên khi thấy bục đứng cho dàn hợp xướng lớn đến thế, dựng ngay trên sân cỏ trong vườn bách thảo. Có 8 bậc cả thảy, và một hàng nữ đứng dưới đất, tổng cộng là 9 hàng. 4 hàng trước là nữ, 5 hàng sau là nam. Tôi vốn nhỏ bé, lại thấp nên được xếp ở khoảng giữa, còn các bạn khác cao hơn đứng ở phía ngoài. Mỗi hàng ngang là 90 người, như vậy chỉ riêng dàn hợp xướng đã là khoảng hơn 800 người. Tính đến thời điểm đó, đây là đội đồng ca có quân số lớn chưa từng thấy ở Việt Nam. Phía trước chúng tôi là dàn nhạc giao hưởng với 114 nhạc công, mới được thành lập chưa đến 1 năm. Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu (một trong hai nhạc sĩ đầu tiên chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, ông cũng là một trong 3 người thầy dạy nhạc cho tôi từ những năm 1951 tại Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc), được vinh dự chỉ huy. Trước giờ biểu diễn, anh Phan Phúc - cây violon nổi tiếng, trưởng nhóm nhạc cụ, đứng lên điều khiển bộ dây so lại âm vực, lấy tiếng kèn hautbois làm chuẩn. Tôi nhớ, chúng tôi tập được với dàn nhạc vài lần bài Ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam, Ca ngợi Hồ Chủ tịch... thì bỗng nhiên tiếng vỗ tay rào rào vang lên xen lẫn tiếng reo: “Bác Hồ... Bác Hồ...”. Bác từ phía Phủ Chủ tịch tiến đến phía trước chúng tôi, theo sau là các vị khách quốc tế sang dự Đại hội Đảng. Mọi người reo hò, hoan hô ầm ĩ. Bác giơ hai tay lên cao rồi hạ xuống như để ra hiệu mọi người im lặng. Người mặc chiếc áo lụa màu vàng nhạt, chiếc quần lụa nâu thắt giải rút bình dị và chân đi đôi dép cao su đen quen thuộc. Bác ngồi phệt xuống bãi cỏ xem chúng tôi biểu diễn. Tôi không thể quên được hình ảnh các vị khách nước ngoài thấy Bác ngồi xuống để khỏi che lấp bà con đứng ở phía sau, nên họ cũng phải ngồi xuống theo, chỉ buồn cười cho mấy đại biểu nữ mặc váy bó cứ lúng ta lúng túng, nửa ngồi nửa quỳ... Nghe chúng tôi hát xong, Bác đứng dậy, nhận chiếc que chỉ huy từ tay nhạc trưởng Nguyễn Hữu Hiếu và quay lại phía dàn hợp xướng. Bác hỏi rất dõng dạc: “Bây giờ Bác sẽ chỉ huy để Bác cháu ta hát chung một bài nhé. Bài gì nào?”. Chúng tôi gân cổ gào thật to: “Bài Kết đoàn ạ!”. Mọi người hồ hởi hát theo. Số khách quốc tế thì vỗ tay theo nhịp bài hát. Tôi nhớ mãi chỉ được đoạn đầu Bác đánh đúng nhịp, đoạn sau Bác phấn khởi vung tay nhanh quá bị chệch nhịp của cả dàn giao hưởng và đồng ca. Thế là Bác, cháu và cả các vị khách quốc tế ồ lên vỗ tay cười vui vẻ... Ngay sau đó Bác và các đại biểu đi sang xem các khu vực khác. 50 năm đã trôi qua, nhưng kỷ niệm ấy cứ in đậm mãi trong lòng tôi. Ngày nay mỗi lần nhìn thấy tấm ảnh Bác chỉ huy dàn nhạc của cố nhiếp ảnh gia Lâm Hồng Long, tôi lại như thấy hình ảnh tuyệt vời của Bác hiện về. Một kỷ niệm không thể quên được, mặc dầu nhìn vào bức ảnh, những nhạc công ngồi phía trước như các anh Phan Phúc, Nguyễn Xuân Hòa, Nguyễn Sắc... là rõ mặt nhất, còn bọn chúng tôi đứng phía xa chỉ là những chấm đen mờ ảo... Theo Nhạc sĩ Lân Cường - TN |