Sau lễ khai mạc, Nhà hát múa rối Việt Nam biểu diễn dự thi hai tiết mục đặc sắc, để lại ấn tượng tốt với bạn bè quốc tế cũng như công chúng yêu mến nghệ thuật múa rối. Đó là trò diễn rối cạn “Hồn khí Thăng Long” thể hiện ý nghĩa lịch sử, văn hóa, thuần phong mỹ tục chốn kinh thành Thăng Long xưa. Trò diễn do tác giả, đạo diễn Lê Thị Mỹ Hà cùng các nghệ sỹ Nhà hát múa rối Viêt Nam dàn dựng trên cơ sở tâm linh của người Việt cổ về bốn vị Thánh và nguồn gốc hình thành Thăng Long xưa với hình tượng rồng, bốn thiếu nữ chơi bốn nhạc cụ dân tộc tượng trưng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Các nghệ sỹ Nhà hát múa rối Việt Nam còn mang tới dự tiết mục rối cạn “Vịt con xấu xí” dựa theo truyện cổ Andersen với sự kết hợp giữa người với rối que, rối tay, rối bong, rối dây, rối lùn…trên sân khấu mở rộng. Với tiết mục này, Nhà hát múa rối Việt Nam mong muốn mang câu chuyện cổ tích “Con vịt xấu xí” quen thuộc, tính nhân văn sâu sắc đến với khán giả trong một diện mạo mới, phong cách mới của nghệ thuật múa rối. Sau phần dự thi của đoàn Việt Nam là phần dự thi rối que của Nhà hát nghệ thuật múa rối Quảng Tây (Trung Quốc). Đây là lần thứ II, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Liên hoan múa rối quốc tế, tạo điều để các nghệ sỹ múa rối Việt Nam giao lưu, học hỏi bạn bè quốc tế trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, tiếp thu tinh hoa nghệ thuật múa rối các nước trên thế giới để xây dựng, phát triển nghệ thuật múa rối Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế… Việt Nam có 5 đoàn tham dự liên hoan. Ngoài hai tiết mục nêu trên, Nhà hát múa rối Việt Nam còn dự thi các tiết mục, trò diễn khác là “Dã tràng”, “Xuý Vân giả dại và phù thuỷ sợ ma”, “Trăng trẻ thơ”, “Andersen.” Nhà hát múa rối Thăng Long dự thi tiết mục “Câu chuyện tình người” và rối nước chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đoàn nghệ thuật múa rối Hải Phòng dự thi vở “Cô gái tóc vàng;” Đoàn nghệ thuật múa rối trung tâm văn hoá thông tin tỉnh Đắk Lắk dự thi vở “Ngày hội buôn làng;” Đoàn nghệ thuật múa rối Thành phố Hồ Chí Minh dự thi vở “Lý Thông- Thạch Sanh.” Liên hoan diễn ra từ 4-9/9, các buổi biểu diễn sẽ diễn ra tại các địa điểm là Nhà hát Múa rối Việt Nam ; Nhà hát Múa rối Thăng Long; Rạp Hồng Hà... Ban giám khảo gồm ba thành viên quốc tế và hai thành viên Việt Nam, là những người am hiểu và có uy tín trong hoạt động múa rối trong nước và quốc tế sẽ lựa chọn các tiết mục xuất sắc nhất để trao giải, tôn vinh. Số giải thưởng dự kiến chiếm 30% tiết mục dự thi gồm giải vàng, bạc, đồng, đạo diễn xuất sắc, họa sỹ xuất sắc, diễn viên xuất sắc... Dự kiến, giải vàng sẽ gồm cúp vàng và tiền thưởng trị giá 1.000 USD. Lễ bế mạc liên hoan và trao giải sẽ diễn ra vào tối 9/9 tại Hà Nội./. Theo Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+) |