Văn nghệ trong nước
Liên hoan Múa rối quốc tế lần II: Cuộc hội ngộ những anh tài
08:06 | 07/09/2010
Với 20 chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ múa rối đến từ 13 quốc gia trên thế giới, Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ II do Bộ VH-TT-DL tổ chức, từ ngày 4 đến 11-9 tại Hà Nội, được coi là cuộc hội ngộ của các anh tài.
Liên hoan Múa rối quốc tế lần II: Cuộc hội ngộ những anh tài
Chương trình biểu diễn khai mạc Liên hoan Múa rối quốc tế của Nhà hát Múa rối Trung ương
Hấp dẫn đa bản sắc văn hóa

Sau lễ khai mạc ấn tượng được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, 20 chương trình biểu diễn đặc biệt của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế đang lần lượt ra mắt khán giả thủ đô. So với lần thứ nhất, liên hoan lần này có số lượng quốc gia, thể loại, tiết mục nhiều và phong phú hơn. Các tiết mục rối tham gia đều là những tiết mục xuất sắc nhất, có bản sắc riêng của từng quốc gia.

Bên cạnh những tên tuổi của các đoàn nghệ thuật đã quen thuộc với khán giả như rối que của Đoàn Nghệ thuật múa rối Quảng Tây (Trung Quốc), rối mặt nạ của Đoàn múa rối Aswara (Malaysia), rối bóng của Đoàn rối đến từ Campuchia… thì liên hoan cũng lần đầu tiên ghi nhận sự tham gia của Nhà hát Múa rối Cairo (Ai Cập) biểu diễn rối que; Nhà hát Train (Israel) và Đoàn Múa rối Cuba cùng biểu diễn rối kết hợp.

Việt Nam có 5 đoàn tham dự liên hoan. Nhà hát Múa rối Trung ương dự thi các tiết mục, trò diễn là “Dã tràng”, “Andersen”… Nhà hát Múa rối Thăng Long dự thi tiết mục “Câu chuyện tình người” và rối nước chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đoàn Nghệ thuật múa rối Hải Phòng dự vở “Cô gái tóc vàng”; Đoàn Nghệ thuật múa rối Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh Đắc Lắc mang tới vở diễn “Ngày hội buôn làng” đậm chất Tây Nguyên, Đoàn nghệ thuật Múa rối TPHCM trổ tài với vở “Lý Thông - Thạch Sanh”.

Theo ông Vương Duy Biên, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nghệ thuật biểu diễn: Liên hoan Múa rối quốc tế lần II là sân chơi cho những nghệ sĩ múa rối hiện đại. Các tác phẩm tham dự phong phú về đề tài, đa dạng về thể loại rối, nhiều thử nghiệm sáng tạo mới lạ trên sân khấu rối. Các tác phẩm đều mang màu sắc mới, đề tài rõ ràng và múa rối hiện đại không phủ nhận nét truyền thống, mà vẫn gìn giữ bản sắc của nghệ thuật rối.

Ban giám khảo liên hoan gồm 5 người, 3 thành viên người nước ngoài và 2 thành viên người Việt Nam, là những nhà hoạt động trong ngành múa rối có uy tín của quốc tế và trong nước. Trong khi các đơn vị nghệ thuật quốc tế tham dự liên hoan chủ đạo bằng các thể loại rối cạn như: rối que, rối bóng, rối mặt nạ, rối lùn, rối tay... thì chương trình tham dự của múa rối Việt Nam được đánh giá là có nhiều đầu tư công phu.

Rối nước xuất hiện nhiều tích trò mới

Được coi là “độc diễn” trên sân khấu rối nước, song các đoàn nghệ thuật rối của Việt Nam đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho các chương trình tham gia vào Liên hoan Múa rối quốc tế năm nay. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Tuấn, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, cho biết tại liên hoan, chương trình rối nước hoàn toàn mới và lấy cảm hứng từ vốn cổ dân tộc, không dựa trên một tích cổ hoặc trò rối của phường rối dân gian nào, sẽ chính thức ra mắt.

Với 10 trò rối nước mới để thay thế cho chương trình rối nước truyền thống, các nghệ sĩ đã đưa đến cho người xem những trò diễn miêu tả cuộc sống lao động hàng ngày của người dân, những phong tục tập quán, lễ hội văn hóa dân gian như Rước Thành hoàng làng, Ngửa váy hứng dừa, Chọi trâu lúc nông nhàn, xem các con rối liền anh liền chị hát đối giao duyên mời nhau miếng trầu...

Nói về phần biểu diễn được coi là rất công phu này, đạo diễn Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết, mặc dầu vẫn bám sát đặc trưng của nghệ thuật rối nước truyền thống nhưng đã có sự đầu tư tập trung đặc biệt nhằm khắc họa tính cách nhân vật khi chế tạo con rối. Kỹ thuật biểu diễn, tạo hình con rối được nghiên cứu kỹ lưỡng tới từng động tác mới để con rối cử động ngày càng chi tiết và tinh tế hơn. Để đạt được như mong muốn, các nghệ sĩ đã phải bỏ ra nhiều tháng ngày mày mò, sáng tạo và thử nghiệm.

Theo đạo diễn Hoàng Tuấn, riêng chi phí dành cho việc tạo hình bộ rối nước tham gia chương trình mới đã lên tới 200 triệu đồng. Cùng tham gia biểu diễn trên sân khấu rối nước, Nhà hát Múa rối Trung ương cũng đem tới liên hoan những kịch bản được viết phỏng theo truyện kể của Andersen. Việc đưa kịch bản văn học nước ngoài lên sân khấu rối nước không chỉ tạo cho người xem nhiều cảm xúc mới lạ mà còn chứng tỏ khả năng linh hoạt và rất biểu cảm vượt qua vẻ thô mộc vốn có của rối nước truyền thống. Chương trình đã tạo dấu ấn tốt với người xem và cả bạn bè quốc tế.

Liên hoan Múa rối quốc tế lần II sẽ khép lại với lễ trao giải, tôn vinh những tiết mục xuất sắc nhất vào ngày 9-9 tới. Không chỉ dừng lại với giải thưởng, Liên hoan Múa rối quốc tế lần thứ II còn là dịp quan trọng để các nghệ sĩ múa rối giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quá trình sáng tạo nghệ thuật.

Theo Vĩnh Xuân - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng