Phim "Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long" (19 tập) của Cty CP truyền thông Trường Thành, dự kiến sẽ phát sóng trên truyền hình tháng 9.2010, là tác phẩm mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với kinh phí gần 100 tỉ đồng. Xung quanh bộ phim này hiện có dư luận phản ứng trên các diễn đàn mạng. Một vài tờ báo đã đưa thông tin "hoãn phát sóng bộ phim" vì Hội đồng duyệt quốc gia đề nghị phải lược những bối cảnh mang đậm chất Trung Hoa... Được biết, bộ phim “Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long” có sự tham gia khá đông đảo, hùng hậu của các nghệ sĩ Trung Quốc. Kịch bản do ông Trịnh Văn Sơn - GĐ Cty Trường Thành - viết và Kha Trung Hòa biên tập. Đạo diễn phim là Cận Đức Mậu (đạo diễn của phim truyền hình “Tuổi trẻ Bao Thanh Thiên”), quay phim người Trung Quốc. Và gần 700 bộ trang phục cổ trang được may từ TQ, thuê trường quay Hoành Điếm (TQ) và phim có sự tham gia của hàng trăm diễn viên quần chúng TQ. Vì thế, màu sắc TQ tràn ngập cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, ông Sơn vẫn khẳng định đây là phim thuần Việt và là tác phẩm đặc sắc mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng thực tế bộ phim sẽ không thể quảng bá hiệu quả văn hóa Việt. Phóng viên Báo Lao Động đã phỏng vấn một số vị có liên quan. Ông Trần Đăng Tuấn - Phó Tổng GĐ Đài Truyền hình VN: Thông tin “hoãn phát sóng” là không chính xác. Đây không phải là phim của Đài THVN đặt hàng, mà là của một Cty tư nhân làm và bán bản quyền. Đài THVN xem xét và nếu thấy phù hợp thì mua bản quyền. Hội đồng duyệt phim của Đài THVN cũng chưa kịp xem hết nên cũng chưa có bình luận gì. Vì lúc đó có chỉ thị của Ban Tuyên giáo T.Ư và Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói rõ bộ phim này cần thành lập một hội đồng thẩm định phim quốc gia do Bộ VHTTDL cử ra, nên Đài THVN chuyển bản phim đó cho Hội đồng thẩm định quốc gia. Và cho đến nay, tôi cũng chưa nhận được ý kiến đánh giá chính thức của hội đồng này. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên - thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia: Đây hoàn toàn là phim TQ. Từ đạo diễn, quay phim, bối cảnh đều của TQ, chỉ có rất ít một số cảnh quay tự nhiên ở VN và sự tham gia của một số diễn viên VN. Tôi tiếc là, một số ngôi chùa có thể quay ở VN thì trong phim cũng lại là chùa TQ. Các thành viên trong Hội đồng duyệt phim quốc gia đều thống nhất yếu tố văn hóa TQ trong phim là quá đậm đặc. Họa sĩ Phan Cẩm Thượng: Tôi cũng hơi buồn, vì tôi cũng tham gia. Khen cũng không được, chê cũng không tiện. Trước đó, họa sĩ Phan Cẩm Thượng trong trả lời phỏng vấn Tạp chí Hồn Việt, chia sẻ: “Phim do hãng tư nhân đầu tư nên trang phục nào cần thì may, còn không thì thuê, vì nếu tất cả trang phục đều phải may thì kinh phí rất lớn”. Trong phim, được biết một bộ áo giáp giá 5.000 ND tệ (khoảng 15 triệu đồng) mà mỗi tướng lĩnh ra trận cần từ 3 đến 4 bộ giáp, nên tiền đầu tư sẽ lớn. Dĩ nhiên thuê là giải pháp khả thi nhất, nên khi thuê thì trang phục giống TQ! Phản ứng của cư dân mạng còn dữ dội hơn là khi xem đoạn trailer của phim trên Youtube. Và số đông coi đây là phim dã sử Trung Hoa, chứ không còn là phim Việt nữa. Xin trích đăng một số ý kiến bình luận trên các blog: GS Nguyễn Đăng Hưng: Từ trang phục cho đến cảnh quan, từ áo mão cho đến búi tóc, hình ảnh toát ra cho ta thấy: Đây là một phim TQ; chẳng khác gì những phim lịch sử TQ khác mà đông đảo người VN quen xem. Lời bình nhắc nhở diễn viên là người VN, nhưng bất cứ ai chưa thấy họ trên phim VN, đều nghĩ ngay họ là người Tàu, chỉ trừ cô gái và chiếc áo tứ thân. Chi tiết nhỏ này không thể cứu vãn được tính bao trùm của bản sắc TQ! Trên nhiều blog cũng trích đăng ý kiến của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: “Nếu tôi là bộ trưởng Bộ VHTTDL, tôi sẽ cấm chiếu bộ phim này trên toàn cõi VN, bất kể trên truyền hình hay rạp”. Hầu hết các ý kiến khác cũng đều cho đây là một phim lai căng và không thể chiếu trong dịp đại lễ. Theo Việt Văn - LĐ |