Thời gian gần đây, đã có rất nhiều tin đồn thất thiệt về việc nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng dự đoán về nhiều cây cầu lớn của Việt Nam như: Cầu Bãi Cháy, Thăng Long, Long Biên sẽ sập; rồi thì chị bị công an bắt: “Công an bắt Bích Hằng lên xe "xít-đờ-ca" rồi chở đi. Những tin đồn này xuất hiện trên các trang mạng xã hội, các blog cá nhân và cứ thế lan truyền với tốc độ chóng mặt, gây hoang mang trong dư luận. Chúng tôi gặp Phan Thị Bích Hằng tại buổi giao lưu - tôn vinh “65 năm – bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh với 1000 năm Thăng Long – Hà Nội” tổ chức tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội. Chị đến với vai trò khách mời danh dự của buổi giao lưu với các cựu chiến binh Việt Nam. Sự xuất hiện của chị là một bằng chứng rõ ràng nhất cho việc chứng minh những tin đồn trên chỉ là ác ý. PV Laodong.vn đã có một cuộc phỏng vấn ngắn với nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng: Sau những bài báo cải chính tin đồn ác ý về những dự báo “ảo” của chị, cuộc sống của chị hiện giờ thế nào? - Tôi vẫn sống và làm việc rất bình thường. Không có gì thay đổi cả! Chị có còn bị làm phiền bởi những câu hỏi về tin đồn? - Tất nhiên là vẫn còn chứ. Sau khi những bài báo đăng thông tin về lời cải chính của tôi thì cũng có người hiểu và không còn gọi nữa. Nhưng những người chưa đọc báo hoặc chưa tiếp xúc với những lời giải thích của tôi thì vẫn gọi. Trung bình một ngày tôi vẫn “bị” hơn 100 cuộc điện thoại hỏi về tin đồn. Nội dung của những cuộc gọi đó như thế nào? - Vẫn là những câu hỏi cũ. Họ hỏi là có phải tôi dự đoán về sập cầu Bãi Cháy và Long Biên không, có phải tôi bị công an bắt không… Và tôi lại giải thích cho họ hiểu rằng tôi không hề dự đoán như thế, và tôi cũng không bị ai bắt cả, tôi vẫn đang sống rất yên ổn. Vậy chị có thể chốt lại một lời cuối cùng về những lời đồn về dự báo của chị trong thời gian gần đây là…? - Vâng, tất cả chỉ là bịa đặt và nhảm nhí!
Vừa rồi chị đã khóc khi chứng kiến các cựu chiến binh lên nhận huân chương của Nhà nước, chị đã rất xúc động? - Đúng thế. Tôi đã rất xúc động. Tôi nhớ lại những lần đi tìm mộ liệt sĩ trước đây. Tôi xúc động khi nhớ lại một câu nói tôi đã từng nghe: Người ra đi thì xanh cỏ, người ở lại thì “đỏ” ngực. Những người ở lại phải sống sao cho xứng đáng với những người đã xanh cỏ, xứng đáng với những chiếc huy hiệu mình đang mang trên ngực. Tôi rất khâm phục những chiến sĩ, những người đã làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Có những người chiến sĩ lái xe tăng rất anh hùng trong kháng chiến, nay trở về làm một anh đánh dậm, một người cắt tóc rất bình dị… Tôi thấy xót xa vì lớp con cháu chưa đền đáp được công ơn cha anh đã hi sinh ở chiến trường, để cho họ vẫn phải nhọc nhằn và vất vả mưu sinh trong cuộc sống hàng ngày. Chị có thể cho biết những đóng góp của chị trong công tác tìm kiếm mộ liệt sĩ? - Tôi cũng không thể nhớ hết số lượng và có một con số chính xác. Tôi chỉ nhớ rằng từ trước đến nay, tôi đã từng tìm được khoảng 10 000 phần mộ liệt sĩ. Chị có thể chia sẻ về ý nghĩa của những việc làm đó của chị? - Tôi nghĩ rằng đó chỉ là một chút đóng góp và lòng biết ơn của tôi đối với những thế hệ cha anh đi trước, những người đã đóng góp công sức và cả xương máu cho sự bình yên của đất nước. Xin cám ơn chị về buổi trò chuyện này! Theo Thu Hương - LĐ |