Văn nghệ trong nước
Hà Nội ngày sau
08:44 | 29/09/2010
Thích nghi với nước dâng: đê điều. Tránh nước dâng: đi lên vùng cao. Quá khứ hay tương lai đều phải làm như vậy, nhân loại chưa có cách khác.
Hà Nội ngày sau
Một đoạn đê Hà Nội - Ảnh: D.Đ.Minh
Những biến đổi của thiên nhiên là khôn lường, con người dự đoán mưa bão trong 24 giờ thôi đã chưa chắc chính xác, huống hồ chuyện trăm năm, chuyện ngàn năm. Chỉ hơn 4.000 năm, biển đã một lần tiến đột biến và một lần lùi đột biến. Trong 500 năm tới, trong 1.000 năm tới, biển sẽ có tiến thoái đột biến hay buồn tình đứng yên không ai có thể biết trước được.

Nếu quá trình biển tiến vẫn giữ tốc độ đều đều triền miên như 2.300 năm qua (bình quân mỗi năm dâng thêm 2,6 mm), theo tính toán của TS Hoàng Ngọc Kỷ, thì sau 500 năm nữa mực nước biển sẽ cao thêm 1,3m, khi đó diện tích đồng bằng Việt Nam sẽ thu hẹp lại chỉ còn 1/2 diện tích đồng bằng hiện nay.

Cũng với tốc độ này, 1.500 năm sau mực nước biển sẽ dâng thêm 3,9m, khi đó diện tích đồng bằng chỉ còn bằng 1/10 diện tích hiện nay, riêng đồng bằng Bắc bộ sẽ còn bằng xấp xỉ diện tích thời kỳ Hùng Vương.

Cần chú ý, trong loạt bài Dựng nước sau trận đại hồng thủy chúng tôi đã đề cập: vào thời Hùng Vương, mực nước biển cao hơn hiện nay 3,5m, diện tích đồng bằng khi ấy chỉ bằng 1/10 diện tích bây giờ. Nay ước tính khi biển dâng thêm 3,9m mà diện tích cũng còn bằng xấp xỉ 1/10, đó là ước tính thêm cả phần trầm tích do các dòng sông tạo ra trong quá trình biển dâng.

Do vậy, nếu tính luôn cả phần trầm tích thì sau 1.000 năm nữa, khi mực nước biển dâng thêm 2,6m, diện tích đồng bằng Việt Nam cũng sẽ còn rất bé, nếu không có những giải pháp đối phó. 1.000 năm qua, tiền nhân đã đối phó bằng hệ thống đê bao và nâng cao mặt bằng. Nhưng trong tương lai, hệ thống đê bao không còn đủ nữa, chưa nói nó đang ẩn chứa những hiểm họa khôn lường.

Thế giới cũng có nhiều bài học quý giá, như Amsterdam của Hà Lan. Khu vực này trước đây đất thấp lũ lụt triền miên người ta đã đắp một con đê ngăn lũ, sau đó xây dựng thành phố mang luôn tên con đê đó. Amsterdam ngày nay là một thành phố hiện đại nằm dưới mực nước biển tới 1m. Hiện một nửa diện tích nước Hà Lan được bảo vệ bởi hệ thống đê, đập. Việc ngăn biển, lấn biển của Hà Lan đã trở thành một công nghệ được cả thế giới ngưỡng mộ. Nhiều nước và vùng lãnh thổ khác cũng có kinh nghiệm quý báu không những ngăn biển mà còn mở rộng diện tích ra biển như Nhật, Hàn Quốc, Macao, Singapore... Nhưng các thành phố của Hà Lan sẽ phải đối phó như thế nào khi 1.000 năm sau khi mực nước biển sẽ tăng thêm mấy mét nữa, đó vẫn còn là một thách thức.

Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội giữa lúc các cơ quan T.Ư và Hà Nội bàn các phương án quy hoạch thủ đô trong tương lai sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết mở rộng Hà Nội. Đã và đang có rất nhiều ý kiến khác nhau giữa các nhà khoa học và các nhà quản lý xung quanh chuyện đại sự này.

Dưới góc độ địa chất học, TS Hoàng Ngọc Kỷ nhận xét: “Thủ đô Hà Nội mở rộng về phía tây bao gồm tỉnh Hà Tây và một phần tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phú vừa có đồng bằng thấp, đồng bằng cao, có núi, có đồi, là hoàn toàn đúng. Đây không những là thế địa hình chiến lược phòng thủ chống ngoại xâm nếu chiến tranh xuất hiện mà còn là thế phòng chống lụt bão, đối phó với hiện tượng mực nước biển đang tăng dần gây hiểm họa trong tương lai”. Tuy nhiên, cũng trên tinh thần đó, ông Kỷ cho rằng những đề án phát triển “đô thị ven sông Hồng” lấy kinh nghiệm từ “Đô thị ven sông Hàn” của Hàn Quốc cần phải xem xét lại, bởi cấu tạo trầm tích kỷ đệ tứ của hai khu vực ven sông Hồng và ven sông Hàn không giống nhau (xem thêm: Hoàng Ngọc Kỷ - Địa chất và môi trường địa lý Việt Nam, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2010 - chương 3: Biến đổi mực nước biển trên thế giới và Việt Nam kỷ đệ tứ, nguyên nhân và hệ quả, tr.150 - 184, trong đó có đối chiếu tài liệu về cổ địa chất của bán đảo Triều Tiên).

Từ những di sản và những vấn đề của tiền nhân để lại, chúng ta có thể tham khảo thêm những bài học quốc tế để tìm ra cách xử lý tối ưu cho Việt Nam. Đây là một bài toán có nhiều tham số và đa nghiệm, nhất thiết phải có những nghiên cứu đa ngành.

Kinh nghiệm quốc tế, nhất là kinh nghiệm của Hà Lan cho thấy việc xây dựng hệ thống đê điều mà cha ông chúng ta tiến hành suốt 1.000 năm qua là rất sáng suốt. Dù hệ thống đê điều của chúng ta hiện nay ẩn tàng nhiều nguy cơ, nhưng cho đến nay và cả trong tương lai xa nó vẫn là tuyến phòng vệ cốt yếu để đối phó với lũ lụt ở đồng bằng Bắc Bộ. Chúng ta có thể nối tiếp cha ông và tiếp thu kinh nghiệm của Hà Lan để từng bước hiện đại hóa hệ thống đê điều hiện có và mở thêm các tuyến đê ngăn biển nhằm ứng phó với mực nước biển dâng cao. Giải pháp này đủ để đối phó trong 1.000 năm nữa khi nước biển dâng thêm 2,6m mà chúng ta không mất quá nhiều đất đai. Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho đến cuối đời vẫn đau đáu với vấn đề biển dâng, ông luôn luôn nhắc đến kinh nghiệm Hà Lan và mong muốn Việt Nam sớm có một chiến lược đối phó khả thi nhất.

Ngày xưa cha ông chúng ta kết hợp giữa đắp đê và việc “tôn nền” đối phó với lũ lụt, đó là lý do khiến cho Hoàng thành bị chôn vùi. Sở dĩ phải làm như vậy là do ngày xưa đê thường hay bị vỡ, nếu muốn triệt để tránh lũ thì phải dời đô, mà dời đô thì vô cùng tốn kém nhân tài vật lực, làm khổ dân, làm cạn quốc khố.

Nếu hiện đại hóa hệ thống đê thì Hà Nội trong tương lai sẽ phát sinh vô số những vấn đề cần xử lý. Chẳng hạn như vấn đề thoát nước, cả nước thải và nước mưa. Chúng ta đều biết đường phố Hà Nội (và cả TP.HCM nữa) đều bị ngập mỗi khi mưa lớn, ngập mỗi lúc một thêm trầm trọng. Nguyên nhân một phần do hệ thống thoát nước có từ lâu đời nay đã xuống cấp, tình trạng bê tông hóa mặt bằng không theo một quy chuẩn nào làm cho diện tích rút nước tự nhiên xuống lòng đất bị thu hẹp, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là do đáy sông ngày càng cao làm cho việc thoát nước bị ách tắc. Thử tưởng tượng khi đáy sông Hồng cao hơn mặt bằng Hà Nội, với một hệ thống thoát nước như bây giờ thì điều gì sẽ xảy ra? Tất nhiên là cũng có giải pháp: Amsterdam nằm 1m dưới mực nước biển, thành phố vẫn thoát nước tốt.

“Càng dâng nước càng cao ngọn núi”, câu thơ đó của Tố Hữu là sự tổng kết sinh động kinh nghiệm của tiền nhân. Một nghìn năm sau chưa biết khoa học sẽ phát triển tới đâu, có thể có những phát minh mà chúng ta ngày nay không thể tưởng tượng được, biết đâu con người có thể ở được trên không gian hoặc sống được dưới biển và lúc đó mọi sự tính toán ngày nay đều bị đảo lộn cả, nhưng hãy nhớ rằng con người là một phần vô cùng nhỏ bé của thiên nhiên, chúng ta chỉ có thể cưỡng lại thiên nhiên một chút xíu thôi, về căn bản thì chỉ có thể khôn ngoan mà thích nghi, không chống được.


Theo Hoàng Hải Vân - TN



Các bài mới
Các bài đã đăng