Từ dâng riêng… Phát hành một album tập hợp các bài hát hay, kinh điển về Hà Nội không phải là mốt và chưa bao giờ là chuyện lạ. Cách đây khoảng 10 năm, Hồng Nhung đã từng ghi dấu ấn trong lòng công chúng mộ điệu bằng album Đoản khúc thu Hà Nội. CD bán khá chạy, từng đoạt giải Đĩa hát vàng năm 1997 do Cục tổ chức biểu diễn và Quỹ văn hóa Hà Nội trao tặng. Cho đến giờ Đoản khúc thu Hà Nội vẫn là một trong số ít những album nhạc được tái bản liên tục, bán rất chạy trên thị trường băng đĩa. Một vài nhạc sĩ, ca sĩ khác như Phú Quang, Ngọc Tân… cũng phát hành tuyển tập những bài hát hay về Hà Nội gây được sự chú ý của khán giả. Nhưng đó là chuyện của nhiều năm trước, khá lâu trước Đại lễ ngàn năm. Ở thời điểm hiện tại có thể xem Ngọc Khuê là người nổ “phát pháo” đầu tiên cho mùa album dâng Đại lễ ngàn năm có một này bằng 365.hanoi.nk (phát hành 2009) với các sáng tác mới lẫn cũ của Ngọc Đại, Nguyễn Vĩnh Tiến, Lê Minh Sơn… Sau đó đến lượt Quang Hà với Hà Nội trong tôi (tháng 4/2010), gây được nhiều thiện cảm trong lòng công chúng. Nối sau đó, anh cũng vừa thực hiện live show cùng tên tại nhà hát Thành phố đầu tháng Mười vừa qua và cũng hứa hẹn mang Hà Nội trong tôi ra trình diễn tại Thủ đô. Nối tiếp nhau, một số ca sĩ đủ mọi thành phần cũng theo nhau trình làng các album riêng mừng Đại lễ như: Romance (Quỳnh Hoa), Hà nội ơi! Thầm hát (Quốc Hưng), Mong về Hà Nội (Trọng Tấn), Nơi tôi sinh - Hà Nội (Minh Quân), Hà Nội - Tình khúc Phú Quang (Tấn Minh), Trang Nhung và ca khúc Quỳnh Hợp - Mùa thu níu bước em về… Trong đó đáng chú ý nhất là bộ đôi album của Tấn Minh và Minh Quân, cả 2 CD đều được đầu tư khá công phu từ phần biên tập bài hát, hòa âm phối khí, ảnh bìa… Đặc biệt là album Nơi tôi sinh - Hà Nội trước mỗi bài hát đều có phần dẫn chuyện do chính Minh Quân diễn đọc. Ca sĩ này cho rằng làm album về Hà Nội hoàn toàn không dễ, phải thực sự hiểu được văn hóa xứ sở, phải biết tư duy, xử lý bài hát sao cho thể hiện được điều tác giả gửi gắm. Sắp tới chàng ca sĩ quán quân Sao mai Điểm hẹn 2006 - Hoàng Hải cũng sẽ phát hành single Hồ Gươm sáng sớm. Ngoài ca khúc chủ đề do Lưu Thiên Hương sáng tác thì trong CD sẽ kèm thêm 2 bài hát về Hà Nội của nhạc sĩ trẻ Nguyễn Đức Cường. Điều đáng chú ý ở đây là Hồ Gươm sáng sớm là một trong số những ca khúc mới của một tác giả trẻ viết về Hà Nội được trình làng trong mùa Đại lễ này. Hồ Gươm sáng sớm được đầu tư quay video clip với trị giá bạc tỷ (theo lời chủ nhân) với sự góp mặt của hơn 100 diễn viên quần chúng tham gia. Tạm thời chưa bàn đến chất lượng của những album chưa trình làng hay những dự án đang được tuyên bố thì có thể thấy thị trường âm nhạc Việt năm nay cũng rất “thính” với những ngày lễ lớn. Trước đây một vài năm, khi làng điện ảnh bắt đầu chạy đua nước rút cho những bộ phim mừng Đại lễ thì người ta sợ rằng làng nhạc chạy không kịp, bởi nếu có sẽ vẫn chỉ là những mâm cúng cũ, đầy đủ vật lễ nhưng không mới. Nhưng nay khi Đại lễ đã đến thì tình hình dường như trái ngược hẳn, điện ảnh hụt hơi và làng nhạc lấn sân với rất nhiều vật phẩm mới, lạ và trong đó cũng có những thứ rất đáng nghe. … Đến dâng chung Các hãng băng đĩa vừa đua nhau tung ra thị trường hàng loạt những album như: Tình khúc Phú Quang (Tuấn Trinh), Hoa sữa đầu mùa, Tứ quý Hà Nội (Hãng phim Trẻ), Hà Nội ngày trở về (Saigon Vafaco)… với các giọng ca quen thuộc: Quang Lý, Hồng Nhung, Thanh Lam, Đoan Trang, Hồ Trung Dũng… Khá lạ tai trong chùm album này có lẽ là Tình khúc Phú Quang của các giọng hát tại các phòng trà Đà Nẵng, vẫn là những bài hát cũ nhưng các giọng ca Ẩn Lan, Tuyết Thanh, Xuân Huyền… đã thể hiện dạt dào cảm xúc. Bên cạnh đó, còn có Hà Nội mới toanh của 6 gã đàn ông: Ngô Tự Lập, Ngô Hồng Quang, Nguyễn Lê Tâm, Nguyễn Thắng, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Tuấn. Hà Nội M6 phố ra đời cũng là một nét khá lạ lẫn đáng yêu của những tay ngang nhưng làm được nhiều điều. Sáu tác giả mỗi người một phong cách, nhưng nhất quán về cảm hứng sáng tạo và tình yêu Hà Nội. Album này quyến rũ người nghe bằng thứ âm nhạc tươi mới, gần gũi với đời sống nhưng vẫn hào hoa, lịch lãm, rất đặc trưng cho phong cách người Hà Nội. Cần phải thấy rằng đây là một dịp hiếm hoi mà các hãng băng đĩa tự bỏ vốn sản xuất và phát hành album dạng tổng hợp. Vào thời kỳ vàng son của nhạc Việt (1998-2003) thì dạng album gồm nhiều ca sĩ tham gia được bán rất chạy nhưng trong những năm cuối thập niên đầu thế kỷ thì bị khựng lại do nhạc online tràn lan, công chúng không mặn mà gì việc mua CD nữa. Chính vì thế, việc cố gắng phát hành album tổng hợp về Hà Nội nhân dịp này của các hãng băng đĩa là một điều rất đáng khích lệ. Tuy nhiên có thể nhìn thấy rõ mặt bằng chung của các album này là do kinh phí đầu tư thấp nên hòa âm bài hát đơn điệu, bìa CD cũng được thiết kế tối giản đến mức thấp nhất, thậm chí một số album còn lấy lại những bản thu âm đã cũ của các ca sĩ ở thập niên 1990, ca sĩ thu âm vội vã, ít đầu tư bài vở. Mùa Đại lễ đã đến, mọi người ai cũng thích hội hè, mọi nơi ai cũng thích được tham gia vào dịp Đại lễ cúng tổ, làng nhạc vì thế cũng không là ngoại lệ. Ở những cuộc vui ấy vừa dễ có lộc lại được tiếng thơm.
Theo Khánh Thư - TT&VH |