Văn nghệ trong nước
Tràn lan tranh chép
10:11 | 07/10/2010
Hơn 10 năm trở lại đây, cùng với thị trường tranh nghệ thuật, việc tranh chép ngày càng phát triển. Các phòng tranh chép mọc lên ồ ạt và ăn nên làm ra bởi nhu cầu chọn tác phẩm mỹ thuật, mua tranh để trang trí nhà riêng, văn phòng, khách sạn được người dân ưa chuộng...
Tràn lan tranh chép
Một phòng tranh trên đường Trần Phú - quận 5. Ảnh: An Dung
Tranh chép - cỡ nào cũng có

Nếu bạn thần tượng các họa sĩ nổi tiếng trong bộ tứ huyền thoại Việt Nam Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn… chỉ cần vài trăm ngàn đồng là bạn đã có thể sở hữu được một bức tranh của họ. Dĩ nhiên, tất cả đều là tranh chép!

Khoảng những năm 1990, nghề chép tranh đã xuất hiện tại TPHCM, tuy nhiên nghề này phát triển mạnh nhất khoảng 10 năm trở lại đây. Dạo qua một vài phố tranh ở TPHCM như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Đề Thám, Bùi Viện, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trần Phú là đã có thể đếm được hàng trăm phòng tranh chép với đội ngũ thợ chép tranh có đến cả ngàn người. Trong số họ, có người là sinh viên mỹ thuật tìm việc để có thêm thu nhập, nhưng cũng có không ít những họa sĩ tay ngang, học từ kinh nghiệm của bạn bè mà làm nghề.

 Nguyễn Quỳnh, quê Ninh Thuận, một thợ chép tranh trên đường Trần Phú (quận 5) cho biết, nhà nghèo quá, học hết lớp 11 thì nghỉ học vào Sài Gòn kiếm sống. Vốn mê vẽ từ nhỏ, được bạn bè chỉ dẫn, Quỳnh tự tìm đến các phòng tranh học nghề gần 2 năm sau đó làm thợ cho một tiệm tranh ở đây.

Cách đó không xa là phòng tranh C.L với gần chục thợ chép tranh đang làm việc khá nhộn nhịp. Ông chủ phòng tranh này không ngần ngại cho hay, để đáp ứng nhu cầu của khách, phòng tranh của ông thường xuyên có trên chục thợ cộng tác tích cực. Thợ chép của phòng tranh này cũng rất phong phú, có người học ngữ văn, người học kỹ thuật, cũng có người từng xuất thân là… thợ hồ.

Mỗi bức tranh chép, tùy độ phức tạp hay đơn giản và thời gian thực hiện mà thợ chép được trả công từ 150.000 đồng đến 400.000 đồng, mỗi bức tranh chép trung bình mất 3-4 ngày, những bức khó có khi phải mất trên 1 tuần. Một thợ chép tranh bình quân hàng tháng có thể kiếm được 2-3 triệu đồng, những người tay nghề cao có khi lên đến 5-6 triệu đồng. Nhận tấm ảnh trắng đen đã ngả màu và đặt vẽ khổ 60cm x 80cm, một thợ chép ở phòng tranh N.V. (Trần Phú, quận 5) ra giá 700.000 đồng và “nếu anh chị cần, em sẽ phối chuyển sang màu luôn, giá chỉ nhích thêm chút thôi”. Trong khi đó, bức tranh chép tương tự tại một phòng tranh trên đường Đồng Khởi (quận 1) có giá 1 triệu đồng.

Cần sớm chấn chỉnh

Có ý kiến cho rằng, công nghệ chép tranh tại TPHCM đạt đến độ “siêu lừa” quả không quá lời. Từ những bức đơn giản giá vài trăm ngàn đồng như phong cảnh đồng quê, tĩnh vật, hoa cỏ, đến tranh chân dung, tác phẩm của những họa sĩ nổi tiếng như Thiếu nữ bên hoa huệ (của họa sĩ Tô Ngọc Vân), Em Thúy (Trần Văn Cẩn), Nàng Mona Lisa (Leonardo da Vinci)… có giá hàng triệu đồng đều có thể được sao chép hàng loạt. Thực tế, dòng tranh sao chép đã trở thành phổ biến tràn lan.

Trong khi dòng tranh nghệ thuật đích thực khá chật vật tìm chỗ đứng thì dòng tranh thị trường kiểu sao chép vô tội vạ này ngày càng bung mạnh! Thực tế khiến không ít người phải băn khoăn. “Để có thể phát triển và nâng cao vị thế thị trường tranh Việt Nam với quốc tế, hệ thống gallery ở TPHCM đang đối mặt với những vấn đề không đơn giản. Sau nhiều sự việc không hay, uy tín của thị trường tranh VN ít nhiều bị tổn hại.

Ngoài ra, nhiều chủ phòng tranh vì lợi nhuận sẵn sàng sao chép tác phẩm của những tác giả đương thời, đánh lừa khán giả và các nhà sưu tập trong nước và nước ngoài, vi phạm bản quyền tác phẩm, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường mỹ thuật đích thực”, họa sĩ Trần Thị Huỳnh Nga bức xúc. Nhiều họa sĩ của Hội Mỹ thuật TPHCM cũng cho rằng, Hội Mỹ thuật, Sở VH-TT-DL sớm phối hợp với các ban ngành chức năng chấn chỉnh hoạt động của các phòng tranh tại TPHCM.

Theo Minh An - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng