Mỗi năm, giải thưởng này được trao một lần, dành cho một nhà thơ nước ngoài trên thế giới. Được biết, theo thư thông báo của Viện Hàn lâm Rumania gửi tới nhà thơ Nguyễn Duy, thành phần sáng lập ra giải thưởng này có khá nhiều tên tuổi tiêu biểu của nền văn hóa Rumania, trong đó có 2 người từng đoạt giải Nobel. Vì sức khỏe kém và lý do gia đình, nhà thơ Nguyễn Duy đã không thể tới Rumania dự lễ trao giải vào ngày 8/10/2010. Bù lại, ông lại có dịp xuất hiện tại cuộc tọa đàm này, nhân dịp tập thơ Nguyễn Duy gồm 300 bài vừa được Công ty Nhã Nam cho ra mắt. Cuộc trao đổi diễn ra với không khí thân tình và cởi mở, trước bạn bè và khá đông độc giả yêu quý nhà thơ này. Một phần lớn thời gian, nhà thơ dành để đọc những sáng tác tiêu biểu của mình, chủ yếu là thơ lục bát. “Tôi lớn lên ở vùng quê nghèo đất Hà Trung, Thanh Hóa. Từ nhỏ, bà nội đã ru tôi bằng những điệu ru theo thể thơ lục bát dân gian. Bởi thế, khi cầm bút, tôi đến với lục bát một cách tự nhiên, chứ không mất nhiều thời gian để lựa chọn một lối đi hợp lý cho thơ mình” - nhà thơ Nguyễn Duy kể. Chẳng phải ngẫu nhiên, những bài thơ lục bát của Nguyễn Du có sức sống khá mạnh và có thể dễ dàng được truyền khẩu bởi độc giả của bất cứ tầng lớp xã hội nào. Như nhận xét từ nhà phê bình Chu Văn Sơn - khách mời của buổi tọa đàm: thơ Nguyễn Duy mang màu sắc và ngôn từ dân gian, luôn xuất phát từ những tình cảm chân thực, gần gũi với cuộc sống thường ngày, tuy giàu tính suy tưởng nhưng lại không hề xa lạ với người đọc. Trước cái tên “nhà thơ thảo dân” - nhà thơ của những người dân bình thường - mà Chu Văn Sơn đặt cho, Nguyễn Duy kể: năm 2002, khi làm triển lãm thơ ở Hà Nội, rất nhiều bà chủ quán cơm bình dân đã tới gặp ông. Họ nằng nặc xin nhà thơ chép tay lại bài lục bát Cơm bụi ca để... về treo tại cửa hàng. Sự yêu mến và gần gũi ấy, như lời nhà thơ, là kết quả của một quá trình lao động chữ nghĩa rất nghiêm túc và vất vả: “Nếu làm chơi, một ngày tôi có thể viết được dăm bảy bài lục bát. Nhưng để được một bài như ý, thông thường phải mất khá nhiều ngày...”. Theo Cúc Đường - TT&VH |