Văn nghệ trong nước
Giữ gìn không gian văn hóa của cộng đồng
08:23 | 18/10/2010
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 chỉ rõ: Xã hội chúng ta xây dựng có đặc trưng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII lần đầu tiên khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.
Giữ gìn không gian văn hóa của cộng đồng
Cần phát triển và phổ biến các tác phẩm âm nhạc có bản sắc dân tộc. Ảnh: A.DUNG
Đại hội VIII (năm 1996) xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Và mốc đánh dấu sự đổi mới toàn diện trong tư duy về văn hóa của Đảng thể hiện ở Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là văn kiện mang tính cương lĩnh của Đảng về văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã nêu từng vấn đề cụ thể về chăm lo phát triển văn hóa, trong đó có phương hướng củng cố và tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng.

Thời gian qua, hoạt động văn hóa ngày càng mở rộng, từng bước được nâng chất, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân. Tuy nhiên, văn hóa phát triển chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế, một số lĩnh vực quản lý còn thiếu chặt chẽ; môi trường văn hóa còn bị ô nhiễm, các tệ nạn xã hội, tội phạm và sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa và dịch vụ văn hóa độc hại làm suy đồi đạo đức, nhất là trong thanh thiếu niên hiện nay khiến dư luận quan tâm, lo ngại. Công tác tuyên truyền, giáo dục và biện pháp giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc chưa thật sự đi vào chiều sâu; chưa phát huy tính chủ động, tích cực, tự giác của chủ thể văn hóa; thiếu những công trình văn hóa để lại dấu ấn lịch sử, thiếu sân chơi lành mạnh. Trong khi đó có nơi, có lúc văn hóa tiêu cực, tệ nạn xã hội… lấn át.

Từ thực tế đó, cần có những giải pháp hợp lý nhằm khắc phục những tồn tại nêu trên, tránh chạy theo hình thức; phát triển kinh tế và văn hóa gắn với môi trường tự nhiên và xã hội, nhất là giữ gìn không gian văn hóa của cộng đồng...

Chính vì vậy, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng là điều kiện để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho đời sống văn hóa tinh thần của người dân thêm phong phú, đủ sức đề kháng với sự du nhập của những sản phẩm văn hóa không tốt từ bên ngoài, tránh nguy cơ bị hòa tan trong quá trình hội nhập quốc tế, mặt khác, cũng tạo điều kiện để văn hóa dân tộc được giao lưu, hợp tác và phát triển. Trên cơ sở chủ trương xây dựng và tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa ở tất cả các cấp, đồng thời có kế hoạch cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới một số công trình văn hóa nghệ thuật, TDTT hiện đại. Tôi đề nghị đưa vào nghị quyết đại hội nội dung cụ thể về đầu tư xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm hiện đại, đạt tầm khu vực và thế giới. Trong đó, đầu tư cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, phát triển bảo tàng là một nhu cầu bức xúc, cần có quy hoạch phát triển lâu dài, sự quan tâm đầu tư đúng mức và cơ chế đặc thù cho thiết chế văn hóa quan trọng này.

Riêng với TPHCM, là một trong những trung tâm kinh tế và văn hóa lớn của cả nước, cũng là địa phương có hệ thống bảo tàng nhiều nhất. Thời gian qua, TP đã có sự đầu tư đáng kể nhiều công trình văn hóa - xã hội nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Vấn đề đặt ra là tiếp tục đầu tư, phát triển, hoàn thiện các thiết chế văn hóa với những công trình, dự án được triển khai thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có phân kỳ phù hợp.

Theo Phạm Dương Mỹ Thu Huyền (Giám đốc Bảo tàng TPHCM)- SGGP



Các bài mới
Các bài đã đăng