Người Hà Nội - chủ thể lễ hội của chính miền đất thủ đô phải “tiên trách kỷ” rút kinh nghiệm và “hậu trách nhân”, cần phải đối đầu với những vấn đề đặt ra từ lễ hội và phải giải quyết thật rốt ráo, để từ nay có được những lễ hội đích đáng. Vẫn là hội làng kiểu xưa Về căn bản, Hà Nội dù đã là đô thị của thế kỷ 21 tròn mười năm, nhưng sinh hoạt của nó vẫn cứ giữ nền nếp như một cái làng to, tất nhiên. Bởi chủ thể của nó, người Hà Nội vẫn giữ kín đáo và cả phô phang nữa, lối sống nông dân tiêu biểu và đặc trưng của cư dân nền văn minh lúa nước châu thổ sông Hồng. Trong lối sống ấy, có bao hàm niềm vui cộng đồng được thụ hưởng từ lễ hội nông nghiệp, mỗi năm hai mùa lúa xuân và lúa thu. Vì vậy, tính cộng đồng toàn dân của lễ hội vùng văn hoá châu thổ sông Hồng rất cao, bất kể đó là lễ hội không gian, vùng miền, hoặc lễ hội theo thời gian: Tết Nguyên đán, Tết Thượng nguyên rằm tháng giêng, rằm trung thu... thì toàn thể dân làng cũng nô nức đi trảy hội. Điều đó nói lên bản chất văn hoá nông nghiệp rất đẹp của lễ hội Việt và cũng có thể nói ngay rằng, bản chất ấy đã bị phai mờ ngay trong đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngay ở một chỗ trũng văn hoá đẹp nhất của châu thổ sông Hồng: Thủ đô Hà Nội “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”. Dung nhan Hà Nội tả tơi sau đại lễ Dù biết trước và dù đã chuyển vùng từ TPHCM, sau gần 10 năm cư trú và trước đó là 6 năm du học ở nước Nga, để trở về Hà Nội định cư, tôi cũng như nhiều cư dân cùng cảnh ngộ vẫn không thể hình dung 10 ngày đại lễ lại có thể diễn ra với nhiều khiếm khuyết như thế. Sau đại lễ, Hà Nội ngổn ngang rác. 10 năm chuẩn bị cho 10 ngày đại lễ, chỉ xét trên phương diện lễ hội, với những hoạt động văn hoá - văn nghệ đã được chuẩn bị ròng rã mười năm, mới thấy rằng là chưa xứng tầm một thành phố ngàn tuổi. Có lẽ, ai cũng biết Nhà nước đã tốn nhiều chi phí cho các hoạt động kỷ niệm. Từ phía người dân thụ hưởng lễ hội, có lẽ không ai thắc mắc việc chi tiền nhiều ít, mà chỉ tiếc tiền, nếu chi tiêu không đích đáng. Và sự thật là, có khá nhiều tác phẩm nghệ thuật, tiêu biểu là các tác phẩm phim truyện đã rơi rụng ngay vài năm trước đại lễ, như phim “Thái tổ Lý Công Uẩn”, và các phim truyện khác, số tỉ lệ đậu lại so với số có thể trình chiếu có hiệu quả là một tỉ lệ nghịch. Ngay cả tác phẩm sân khấu cũng rất ít tác phẩm có hiệu quả trong đại lễ, trong khi cuối thế kỷ trước, đầu thế kỷ này đã có khá nhiều tác phẩm nghệ thuật thành công về lịch sử ngàn năm Hà Nội, thí dụ: “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”, “Rừng trúc”, “Vũ Như Tô”. Trong khi đó, những vở phục vụ đại lễ như “Tình sử ngàn năm”, “Dời đô”,... trong đại lễ không có cách gì xem được, nếu đông đảo người yêu sân khấu muốn xem ở Nhà hát Lớn hoặc ở rạp mới Công Nhân. Tôi dẫn một đoàn cựu chiến binh Mỹ đi xem “Dời đô” của Nhà hát Kịch Quân đội, chịu cảnh đến muộn bẽ bàng vì không thể chen nổi từ nhà Bác cổ băng qua quảng trường ở Nhà hát Lớn đến rạp Công Nhân. Tuy nhiên, hai cựu chiến binh trẻ măng người Mỹ từ chiến trường Iraq trở về lại vô cùng thích thú khi được chen vai thích cánh với các nam thanh, nữ tú Hà Nội. Có lẽ, nếu lễ hội đại lễ này, nhìn từ phía hưởng thụ người dân, thì thấy người dân là mệt nhọc và thiệt thòi nhất, vì họ không thể chen chân vào bất cứ đâu và khó có thể tìm được chỗ trọ trong 10 ngày lễ lạt này. Đấy có lẽ là điều phản cảm nhất nếu cho rằng đại lễ là đại lễ của niềm vui, sự ngon mắt, ấm lòng và niềm hân hoan trảy hội. Cho nên, sau lễ hội, nếu còn lại nỗi buồn, sự không thoả lòng và không ưng ý, thì đó cũng là điều dễ hiểu. Xét trên tinh thần triết học khoẻ mạnh thì đó cũng là biểu hiện của tình yêu đối với Hà Nội. Tả tơi nhan sắc sau lễ hội đã đành, nhưng hoàn toàn có thể, điều chỉnh để nhan sắc Hà Nội trở lại hồng tươi, bắt đầu từ lễ kỷ niệm ngay sau năm nay, khi Hà Nội tròn 1.001 tuổi và đó là việc phải làm không chỉ của riêng người Hà Nội... Theo LĐ |