Văn nghệ trong nước
Đạo diễn Victor Vũ thừa nhận "Giao lộ định mệnh" giống "Shattered" đến... run người
09:22 | 21/10/2010
Trong lúc người hâm mộ điện ảnh đang xôn xao về việc phim Giao lộ định mệnh quá giống bộ phim Mỹ Shattered (Thanh Niên ngày 18.10 phản ảnh), đạo diễn Victor Vũ và nhà sản xuất Irene Trịnh đã có cuộc trả lời báo giới chiều qua tại TP.HCM.
Đạo diễn Victor Vũ thừa nhận
Victor Vũ (phải) chỉ đạo một cảnh quay trong Giao lộ định mệnh - Ảnh: MEGASTAR

Trả lời câu hỏi vì sao “im thin thít và lặn mất tăm” khi báo giới truy tìm để tìm hiểu sự việc, Victor Vũ nói: “Tôi đang bận làm phim mới nên không trả lời điện thoại được và còn phải tìm hiểu kỹ, xem xong phim Shattered rồi mới có thể trả lời chính thức”. Đạo diễn Việt kiều cho rằng: “Đồng ý là hai phim giống nhau đến bất ngờ, nhưng cũng có nhiều chỗ khác nhau. Tôi đã run người với những chi tiết nhỏ như cách đi đứng, cách mặc áo, cầm gậy, vết sẹo sau khi bị tai nạn của nhân vật Mạnh cũng giống hoàn toàn với nhân vật Dan Merrick trong Shattered”.

Phim Giao lộ định mệnh thu hút và chinh phục được khán giả đến mức ai nấy đều “xuýt xoa” khen hay ở cái kết bất ngờ, thì giờ đây đạo diễn của phim cũng... bất ngờ thừa nhận không chỉ cái kết này mà cách mở đầu phim với nhân vật Mạnh bị tai nạn cũng giống Shattered nốt!

“Chỉ là trùng hợp tình cờ”?

Victor Vũ nói: “Tôi viết đề cương kịch bản Giao lộ định mệnh từ thời còn học trường điện ảnh ở Mỹ năm 1996 và định làm phim ngắn để tốt nghiệp, nhưng rồi để dành lại đến bây giờ mới làm vì quá thích ý tưởng này. Nếu lúc đó tôi làm, bạn bè nói phim này giống với Shattered, thì tôi đã tránh ra, không làm Giao lộ định mệnh hoặc nếu có làm thì sẽ né hết những cái giống nhau, không làm giống như vậy. Tôi thực sự chưa từng biết đến phim Shattered và những cái giống nhau đó chỉ là trùng hợp tình cờ, ngoài tầm kiểm soát của tôi. Tôi từng nói rất nhiều lần là tôi làm phim theo phong cách Hollywood với sự ảnh hưởng những đặc trưng của đạo diễn Alfred Hitchcock; và theo đó phim thường phải theo một mô-típ khuôn mẫu. Ý tưởng, bản chất câu chuyện của Giao lộ định mệnh đã giống Shattered rồi, nên đường dây đóng khuôn theo mẫu Hollywood để phát triển nhân vật, phát triển nội dung, vì thế nói tránh giống nhau sẽ là rất khó. Tôi không copy và đây chỉ là sự tình cờ”.

Đáng ngạc nhiên là đến khi gặp gỡ phóng viên để làm rõ bản chất sự việc (sau 3 ngày kể từ lúc Giao lộ định mệnh bị phát hiện giống Shattered), đại diện nhà sản xuất (Saiga Films), bà Irene Trịnh lại bình thản trả lời: “Tôi chưa xem Shattered!” và khẳng định “việc phát hành ở nước ngoài vẫn nằm trong kế hoạch của chúng tôi”.
Khi các phóng viên đều không đồng tình, Victor Vũ cố thuyết phục thêm: “Thay vì cứ nhìn vào sự giống hay khác nhau ở những điểm nào giữa hai phim, nên nhìn vào kịch bản gốc và sự sáng tạo. Có thể mở đầu và sự bất ngờ của phim là giống nhau, nhưng kết thúc hoàn toàn khác (nếu ở Shattered kết phim cô vợ chết thì ở Giao lộ định mệnh anh chồng - người tình được phẫu thuật thành gương mặt người chồng chết - PV). Hoặc như ở các nhân vật, trong Giao lộ định mệnh còn có bà mẹ chồng, hay nhân vật ông trùm mafia, còn Shattered thì không”. Nhưng thực ra đây chỉ là những nhân vật phụ, không liên quan hay ảnh hưởng gì nhiều đến hành trình tìm lại quá khứ của nhân vật chính. Nếu đạo diễn không “sáng tạo” thêm những nhân vật này hay làm cho cái kết khác... người chết đi, thì còn gì để nói nữa!

“Cả âm nhạc, ánh sáng, góc quay...”

Không chỉ giống về ý tưởng, nội dung, mà cả âm nhạc của hai phim cũng tương tự ở nhiều đoạn trong phim và cả trailer. Đạo diễn giải thích: “Trailer của Shattered tôi chưa xem nên không để ý. Còn trong phim, tôi nghĩ đã cùng một thể loại, theo một khuôn mẫu thì âm nhạc cũng phải theo một mô-típ. Cả ánh sáng, góc quay hay diễn... cũng vậy”. (!)

Những lời giải thích và biện bạch trên hẳn sẽ khó thuyết phục được công chúng. Bởi phim sau có thể ảnh hưởng phong cách, giống nhau về nội dung, đường dây kịch bản của phim trước nhưng không thể trùng hợp đến mức bất ngờ như vậy. Có lẽ không ai muốn Giao lộ định mệnh, bộ phim từng được đánh giá là làm thay đổi diện mạo phim Việt trong mùa thu này là hàng “đạo”. Bởi như thế thì bẽ bàng quá! Bẽ bàng cho một niềm tin, một niềm hy vọng vừa nhen nhúm về một mùa phim mới với một thế hệ đạo diễn trẻ tài năng vừa xuất hiện. Khi sự sáng tạo bị thui chột bởi những cóp nhặt, sao chép một cách lộ liễu và việc thiếu trung thực, không mạnh dạn nhìn nhận sai lầm, cũng đồng nghĩa với việc chính nghệ sĩ đã tự ngáng chân mình để phải trượt một cú vấp khó phai trên con đường nghệ thuật còn rất dài phía trước.

                                                                                                                Theo TNO









Các bài mới
Các bài đã đăng