Văn nghệ trong nước
Xây dựng Công nghiệp điện ảnh VN: Không cần tiền, chỉ cần cơ chế
09:48 | 21/10/2010
Bàn về các giải pháp thu hút các nhà làm phim nước ngoài đến VN và bàn về chiến lược xây dựng nền công nghiệp điện ảnh VN, nhưng hầu hết các nghệ sĩ, nhà sản xuất, các nhà quản lý và các chuyên gia đều nhấn mạnh đến yếu tố tiên quyết: con người.
Xây dựng Công nghiệp điện ảnh VN: Không cần tiền, chỉ cần cơ chế

Liên tiếp hai cuộc hội thảo chiều 19 và 20-10 của Liên hoan phim (LHP) quốc tế VN (VNIFF) đều nhấn mạnh yếu tố con người: đào tạo nhân tài và tiến tới xây dựng nguyên tắc hành xử chuyên nghiệp giữa Nhà nước với nhà sản xuất, nghệ sĩ.

Đầu tư chất xám

Trước thông tin của cục phó Cục Điện ảnh Lê Ngọc Minh và giám đốc LHP quốc tế Busan Kim Ji Seok về việc Hàn Quốc và Thái Lan từng gửi cùng lúc 300 sinh viên sang Mỹ du học ngành điện ảnh để trở về “vực dậy nền điện ảnh trong nước”, các nghệ sĩ và nhà sản xuất đều tỏ ra sốt ruột vì thực trạng của nhân lực điện ảnh nước nhà.

NSND Thế Anh - nghệ sĩ tên tuổi từ những năm 1960 và hiện tại vẫn đang tràn trề sức sáng tạo với nhiều vai diễn trong các phim hợp tác nước ngoài bởi khả năng diễn xuất chuyên nghiệp và vốn ngoại ngữ khá vững chắc, nhận xét: “Tôi phấn khởi nhìn thấy trên thảm đỏ các diễn viên, nghệ sĩ của chúng ta đẹp quá, ăn mặc sang trọng quá. Nhưng tôi ngạc nhiên là sao nghệ sĩ VN, các nhà sản xuất phim nhà nước cứ co cụm lại với nhau. Chúng ta co cụm lại vì ngại ngùng, vì không đủ thông tin, vì có vấn đề trong văn hóa giao tiếp, vì không biết ngoại ngữ?...”.


Công chiếu Cánh đồng bất tận

Các buổi công chiếu lần đầu là sự kiện nổi bật ở một LHP quốc tế. Tác phẩm được chọn cho thấy ưu thế của một đất nước tại LHP đó. VNIFF chưa được ưu ái dành tặng những tác phẩm lần đầu công chiếu, Cánh đồng bất tận của nước chủ nhà là phim duy nhất nằm trong hoạt động công chiếu lần đầu.

Lần đầu tiên ra mắt tại quê nhà, chương trình chiếu phim tối 19-10 giới hạn 200 vị khách mời, khoảng 20 phóng viên báo, đài.

Bên cạnh đoàn làm phim, buổi chiếu còn có sự có mặt của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Bộ phim kéo dài hai giờ được chiếu tại rạp mới khai trương Platinum Cineplex.


Và ông đề nghị: “Chúng ta đầu tư quá nhiều vào những chuyện đâu đâu, trong khi vấn đề ngay trước mắt là sự sa sút, thưa vắng của đội ngũ: từ đạo diễn, quay phim, diễn viên, biên kịch, âm thanh, ánh sáng... thì không thấy ai lo lắng một cách cụ thể, cứ kêu ca chung chung. Phải cấp tốc tuyển chọn những người trẻ có năng khiếu, giỏi ngoại ngữ gửi đi đào tạo nước ngoài ngay từ đầu năm 2011. Phải có văn hóa, có ngoại ngữ, có hiểu biết về phim ảnh hiện đại thì mới làm phim cho khán giả hiện đại xem được chứ”.

Cùng chung ý kiến, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - giám đốc Hãng phim Hội Điện ảnh - cho biết: “Từ 15 năm nay, không có một chính sách nào của Nhà nước về việc cử người đi học nước ngoài chính quy, dài hạn được đề ra và thực hiện. Tất cả các khâu nhân sự của điện ảnh đều không được bổ sung nguồn nhân lực mới được đào tạo từ nước ngoài như trước kia (chủ yếu là Liên Xô và Đông Đức), chỉ có những khóa đào tạo ngắn hạn từ 1-3 tháng do các quỹ phi chính phủ đài thọ, hoặc một số rất ít cá nhân có mối quan hệ tự tìm học bổng, mà cũng chỉ là ngắn hạn”.

Bà Ngát cũng thúc giục: “Đây chính là thời điểm cần đặt vấn đề nghiêm túc và thực hiện ngay”.

Phải thoát khỏi công trường thủ công

Không như rất nhiều LHP trước, các ý kiến trên diễn đàn VNIFF đều tập trung vào việc tìm cách tháo gỡ cơ chế cho sản xuất và phát hành phim.

Ông Hà Phạm Phú - nguyên giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn phân tích: một nền công nghiệp điện ảnh cần có ba yếu tố: hệ thống hạ tầng cơ sở đủ đảm bảo sản xuất phim, hệ thống rạp chiếu phim phủ kín toàn quốc, có thị trường điện ảnh thật sự; một nền tài chính lành mạnh đầu tư vào sản xuất phim như một ngành công nghiệp thu lợi nhuận, và nghệ sĩ phải được tự do sáng tạo.

Ông nói: “Chúng ta xưa nay “sáng tạo” khuôn sáo và khô cứng. Nên chúng ta tuyên truyền đủ mọi điều tốt đẹp trong phim nhưng người xem không vào rạp hoặc vào rồi không ngồi lại trong rạp vì phim không hấp dẫn. Vậy chúng ta tuyên truyền cho ai?

Cho nên, để đảm bảo ba điều kiện tiền đề xây dựng nền công nghiệp điện ảnh, ngoài việc đầu tư hạ tầng, theo tôi, việc trước mắt có thể làm mà chưa cần đến tiền là cho nghệ sĩ tự do sáng tạo thật sự, và tạo điều kiện tốt nhất để hợp tác làm phim với nước ngoài. Gửi người đi học nước ngoài cũng tốt, nhưng không trường học nào tốt bằng quá trình làm phim thực tế với các nhà làm phim nước ngoài khác nhau”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát nói thêm: “Chính sách của chúng ta hiện nay chưa khiến các nhà sản xuất nước ngoài mặn mà vào VN làm phim, dù rõ ràng chúng ta rất nhiều ưu thế: cảnh đẹp, thời tiết tốt, thị trường rộng, nhân công rẻ...”.

Một vấn đề cơ bản nhất nữa của công nghiệp điện ảnh cũng khá nhiều người bức xúc, đó là trường quay.

Ông Nguyễn Văn Nhiêm - giám đốc trường quay Cổ Loa, trường quay nội địa khởi công 30 năm mà chưa hoàn thành - và ông Nguyễn Xuân Hưng - giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn - cùng nêu những kiến nghị để xây dựng một trường quay có lãi.

Ông Hưng cung cấp kinh nghiệm của các trường quay bên Trung Quốc (Hoành Điếm, Đại Lý...): “Có nhiều nguồn thu từ trường quay. Nhà nước nên bỏ tiền đầu tư ban đầu, xây dựng trường quay. Sau đó thu về từ việc cho các đoàn làm phim thuê và nguồn thu lớn hơn từ việc bán vé cho khách du lịch. Nếu không đầu tư trường quay cho bài bản và quy mô, điện ảnh VN sẽ mãi mãi chỉ là làm phim trên công trường thủ công mà thôi”.


“Cháy” vé xem phim VNIFF

Trong ba ngày hoạt động, tại ba rạp phục vụ VNIFF Platinum Cineplex, Trung tâm Chiếu phim quốc gia và Megastar, trừ phim tài liệu và hoạt hình, các bộ phim nhựa đều trong tình trạng “cháy” vé.

Với giá vé khá rẻ, từ 20.000-40.000 đồng, thích hợp với thu nhập của nhiều đối tượng nên người xem rất đông. Nhiều tác phẩm VN: Long thành cầm giả ca, Huyền thoại bất tử, Dòng máu anh hùng, Trung úy, Sống trong sợ hãi, Văn Miếu Quốc Tử Giám... nằm trong tốp phim bán chạy.

Phim có lượng khán giả xem đông nhất là những phim có giao lưu với nghệ sĩ: Dòng máu anh hùng, Chơi vơi.

Bà Nguyễn Thị Bích Phượng - phụ trách công tác chiếu phim của VNIFF - thông báo các điểm chiếu đều dành riêng ba phòng chiếu liên tục 4 suất/ngày cho các phim trong khuôn khổ LHP, và tất cả vé của các buổi chiếu đều đã được bán sạch đến 21-10.

Để phục vụ lượng khách không mua được vé, ban tổ chức đã chủ động kê thêm từ 40-70 ghế phụ cho mỗi suất chiếu tùy số lượng người xem mà vẫn không đủ phục vụ nhu cầu.

____________

Phó tổng thư ký LHP Cannes Christian Jeune - Ảnh: Nga Linh


Khách mời VNIFF: Christian Jeune - Phó tổng thư ký LHP Cannes:

“Tôi tìm kiếm dấu ấn cá nhân”

Với LHP quốc tế VN (VNIFF) lần thứ nhất, sự xuất hiện của ông Christian Jeune đồng nghĩa với việc ban tổ chức LHP Cannes tiếp tục chú ý hơn với điện ảnh VN.

Phụ trách hạng mục phim tranh giải chính thức, Un certain regard (phim không nằm trong nhóm phim tranh giải chính thức), Cinefondation (tổ chức khám phá và phát huy tài năng mới trong điện ảnh) và phim ngắn dự thi của LHP Cannes, Christian Jeune cũng từng là giám khảo của hạng mục New currents (Xu hướng mới) tại LHP quốc tế Busan - nơi Cánh đồng bất tận vừa tham gia tranh tài.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông nói: “Vào năm 2008, tôi được mời làm giám khảo hạng mục tranh giải Á - Phi tại LHP Dubai. Năm ấy diễn viên Hồng Ánh trong Trăng nơi đáy giếng đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất. Khi ấy tôi đã nghĩ: có một điều gì đó rất khả quan đang diễn ra trong nền điện ảnh của các bạn.

Đây là lần đầu tiên các bạn tổ chức VNIFF, cũng là lần đầu tiên tôi đến VN. Bằng một tâm trạng háo hức, tôi đã xem hết những bộ phim VN được chiếu tại VNIFF. Trong năm 2010, Bi, đừng sợ đã có mặt ở Cannes , Cánh đồng bất tận có mặt tại Busan. Như vậy, phim VN đang bắt đầu chạm cửa ngõ thế giới. Tôi kỳ vọng VNIFF làm được hai việc: quảng bá phim Việt với khách quốc tế, đồng thời kéo người dân bản địa đến rạp xem phim, trong đó có phim nội”.

* Ông đánh giá thế nào về tính hiệu quả của sự kiện VNIFF?

- Tôi chưa từng biết đến một LHP nào trên thế giới tổ chức hoàn hảo ngay từ lần đầu. Cá nhân tôi không có nhiệm vụ cố vấn cho LHP, tôi tới vì một lý do đơn giản: xem phim. Phim hay tôi sẽ chọn, phim còn yếu không có cơ hội.

Sau khi xem Long thành cầm giả ca, tôi nghĩ, các bạn đã tìm ra được rất nhiều chi tiết hay từ lịch sử. Nhưng cách kể chuyện cũng rất quan trọng. Ngay cả với những cốt truyện xưa cũ, nếu cách làm mới sẽ lấy được cảm xúc khán giả.

Khi tuyển phim cho Cannes , chúng tôi không quan niệm bộ phim đó đến từ đâu. Cơ hội cho mọi quốc gia là như nhau. Chúng tôi quan tâm đến cá nhân người đạo diễn và cách làm phim của anh ta, anh ta có thật sự hứa hẹn là một tài năng mới hay không.

Sáu năm trước, Thái Lan là một nền điện ảnh không được biết đến ở Cannes , còn giờ thì bạn thấy rồi đó. Vì thế tôi xem phim Việt với một tâm trạng: tìm thấy dấu ấn cá nhân từ đạo diễn VN.


Nữ diễn viên Anna Mouglalis - Ảnh: N.Linh


Nữ diễn viên người Pháp Anna Mouglalis (đóng vai Coco Chanel trong Coco Chanel và Igor Stravinsky):

Tôi muốn biết ai đó ngoài Trần Anh Hùng

“Cách đây vài năm trong LHP ba châu lục (Festival de 3 continents) tại Pháp, tôi đã có dịp xem chùm phim của đạo diễn Trần Anh Hùng: Xích lô, Mùa hè chiều thẳng đứng, Mùi đu đủ xanh. Nhưng ở Pháp, chúng tôi chỉ biết đến những tác phẩm điện ảnh của người Việt gốc Pháp, êkip làm phim của Pháp. Tôi đến đây tò mò muốn được xem một bộ phim do êkip VN thực hiện”.


                                                                           Theo Việt Hoài- Nga Linh Báo Tuổi Trẻ


















Các bài mới
Các bài đã đăng