Dù đã 40 tuổi, Trần Văn Hải (sinh năm 1970) vẫn được coi là một họa sĩ trẻ, nhất là khi anh dấn thân vào trường phái tranh thủy mặc và trở thành Phó chủ nhiệm CLB Mỹ thuật người Hoa (Q.5, TP.HCM). Đây là nơi có các tên tuổi lớn như Trương Hán Minh, Lý Tùng Niên, Lý Khắc Nhu, Trương Lộ, Huỳnh Tuần Bá... với tuổi đời hầu hết đã bước vào ngưỡng "cổ lai hy", bởi vậy trong số ít ỏi họa sĩ trẻ theo nghề, Trần Văn Hải xứng đáng là "truyền nhân" của loại hình tranh thủy mặc. Hải tâm sự, thực ra anh không chủ đích chọn loại hình này, bởi trong 10 năm làm việc ở Công ty mỹ thuật TP.HCM (1987 - 1997), anh chuyên trách về mảng sơn truyền thống (sơn ta). Sau đó, anh còn có 2 năm cộng tác với họa sĩ Ngô Đồng, mà công việc chính là... chép tranh sơn dầu. Mãi đến năm 2000, anh mới "lân la" làm quen với kỹ thuật vẽ thủy mặc khi sinh hoạt trong CLB Mỹ thuật người Hoa và được các "cây tùng, cây bách" của hội họa gốc Hoa nhiệt tình hướng dẫn. Hải còn học hỏi từ các danh họa từ Trung Quốc, Đài Loan sang giao lưu. Họa sĩ Lý Tùng Niên nhận xét: "Từ nền tảng Tây họa vốn có, Hải đã phát triển một lối vẽ cho riêng mình trên nền tảng thủy mặc. Sau nhiều năm khổ luyện, giờ đây tranh thủy mặc của Hải đã đạt đến trình độ đáng khen...". Điểm nhấn trong triển lãm lần này chính là những tác phẩm được vẽ theo kiểu "phá cách" - không tuân theo lối vẽ thủy mặc truyền thống. Đó là kỹ thuật loang mực trên mặt giấy đã bị vò nhăn rồi vuốt phẳng lại, tạo cảm giác về sự nứt rạn (Tuổi thơ, Thời gian, Người đàn ông vùng cao...). Chưa hết, Hải còn áp dụng kỹ thuật in dập, tạo thành một bút pháp lạ mắt, rất mới trên cái cốt cách thủy mặc truyền thống (Xuôi dòng 1 & 2, Dòng chảy...). Giá trị nghệ thuật trong tranh thủy mặc của Trần Văn Hải đã được nhìn nhận bằng giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam (khu vực 6) liên tục 3 năm liền (2008, 2009, 2010) cho tác phẩm của anh, và cũng ngần ấy năm anh được Hội Mỹ thuật TP.HCM xét tặng giải đầu tư cho tác phẩm. Tranh của Hải cũng từng được Bảo tàng TP.HCM đưa vào bộ sưu tập của mình. Theo Hà Đình Nguyên - TN |