Chiếc la bàn có màu vàng, hình tròn, bằng ngà voi theo thiết diện ngang, được tạo tác bằng phương pháp thủ công, có đường kính 10 cm, dày 1,5 cm, thành đứng ngoài mài tạo dáng hình lòng máng. Mặt chính của la bàn có 8 vòng tròn tính từ tâm ra biên, trong các vòng tròn đó khắc các ký tự bằng chữ Hán. Vòng 1 (vòng trong cùng) có 8 ký tự, được hiểu cho 8 cung của bát quái; vòng 2 có 24 ký tự; vòng 3 có 60 ký tự; vòng 4 có 48 ký tự; vòng 5 có 48 ký tự; vòng 6 có 24 ký tự; vòng 7 có 48 ký tự; vòng 8 có 48 ký tự. Chính giữa tâm có một lỗ hình tròn đường kính 2,5 cm. Nguyên gốc mặt trên vòng tâm la bàn gắn kính, trong có hạt thủy ngân, phương vị, trục và kim la bàn, nhưng đã bị vỡ. Các nhà nghiên cứu cho biết, chiếc la bàn trên gọi là la bàn phong thủy mà các thầy địa lý thời xưa gọi bằng thuật ngữ “địa bàn” (dùng để xem hướng đất, mạch đất...), niên đại của nó khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Thông thường, các la bàn phong thủy trước đây đều làm bằng gỗ, chiếc la bàn làm bằng ngà voi được tìm thấy trên là la bàn phong thủy hiếm. Theo Trương Hoa - TN |