Văn nghệ trong nước
Nửa đời ngơ ngác (*)Tình yêu và thù hận...
09:34 | 05/11/2010
Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh vừa ra mắt khán giả vở “Nửa đời ngơ ngác” (tác giả Trần Mỹ Trang, Hoàng Thái Thanh; đạo diễn NSƯT Thành Hội), dựa theo truyện ngắn “Chiều vắng” của nữ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Vở diễn đã thực sự mang lại cho khán giả nhiều cảm xúc…
Nửa đời ngơ ngác (*)Tình yêu và thù hận...
Nghệ sĩ Hồng Ánh (phải) vai Thu Lý trong vở “Nửa đời ngơ ngác”. Ảnh: PHƯỚC QUANG
1- Vậy là một lần nữa, chất Nam bộ trong tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được những người làm sân khấu thành phố đưa lên sàn diễn. Từ Cánh đồng bất tận, rồi Dòng nhớ, nay đến Chiều vắng đã tạo nên chuỗi hình ảnh thật và đẹp của làng quê Nam bộ, cùng nét đẹp của cốt cách người dân Nam bộ.

Từ cái chất rặt Nam bộ trong truyện ngắn Chiều vắng của Nguyễn Ngọc Tư đã tạo nên chất men kích thích cho tác giả Trần Mỹ Trang, Hoàng Thái Thanh và đạo diễn NSƯT Thành Hội xây dựng nên một Nửa đời ngơ ngác thật thú vị. Rõ ràng trong tình hình sân khấu khủng hoảng trầm trọng kịch bản hay, việc dựa vào tác phẩm văn học để có được tác phẩm sân khấu hay là rất cần thiết. Khi xem Nửa đời ngơ ngác, những người yêu thích văn học vẫn cảm nhận được đâu đó những lời văn giản dị, chất phác của Nguyễn Ngọc Tư. Mặc dù, trong Nửa đời ngơ ngác, cách kể chuyện của Trần Mỹ Trang, Hoàng Thái Thanh và đạo diễn NSƯT Thành Hội có những lý giải khác và thêm vài nhân vật, nhưng vẫn giữ được “cái hồn, cái tứ” của Chiều vắng.

2- Nửa đời ngơ ngác đã mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Trong đó có tình yêu, có thù hận, có thương, có ghét, rất nhiều màu sắc của cuộc sống để tạo nên sự đồng cảm và chia sẻ. Với những ai đã từng sống ở những làng quê Nam bộ, câu chuyện của Nửa đời ngơ ngác trở nên rất đỗi thân quen. Ở đó có đôi bạn trẻ yêu nhau, sẵn sàng vượt qua những rào cản, phân chia giàu – nghèo để được có nhau.

Thu Lê (Ngọc Lan) con của bà Hai (Ái Như), một bà chủ đồn điền giàu có, trót yêu Tư Nhớ (Trí Quang) – một chàng trai nghèo sống bằng nghề làm thuê, làm mướn và trót chạy theo tiếng gọi của tình yêu nên bụng mang dạ chửa… Những tưởng trong “túp lều tranh, hai quả tim vàng” được sống êm ấm, hạnh phúc. Nhưng, bỗng dưng bị cướp mất đứa con gái cưng của mình, bà Hai trở nên tức giận, tìm mọi cách để đưa con gái trở về nhà, gả chồng giàu sang. Thế là Tư Nhớ bị công an bắt vì tội buôn lậu (do bà Hai thưa), phải ngồi tù, mang đầy thù hận bà Hai. Thu Lê vì nghĩa vợ chồng, đã không ngần ngại chạy vạy khắp nơi cầu xin đến kiệt sức, sẩy thai… và rồi bị bà Hai bắt về gả chồng, đi xuất ngoại. Tưởng chừng, khi đạt được những sắp xếp của mình, bà Hai trở nên vui sướng hơn, thế nhưng tất cả lại mở ra những nỗi buồn sâu thẳm hơn. Sống xa con, đã là một nỗi buồn, nhưng lại càng buồn hơn khi biết tin con gái của mình không thể sinh nổi một đứa cháu ngoại để bà bồng bế.

Chưa hết, đứa con gái Út - Thu Lý (do Hồng Ánh đóng) của bà, vì hiểu rõ ngọn ngành trong câu chuyện Tư Nhớ - Thu Lê nên cảm thương hoàn cảnh mất vợ, mất con của Tư Nhớ và dành trọn tình yêu, tuổi xuân của mình cho… anh rể hụt Tư Nhớ. Suốt 15 năm, Thu Lý vẫn ngày ngày qua lại nhà Tư Nhớ để thăm nom, chăm sóc, như thể muốn tự mình “mắc đền” cho anh. Có những lúc, ngỡ như tình yêu của Thu Lý trở nên vô vọng, bởi lúc nào Tư Nhớ cũng nổi cáu, nói năng cộc lốc với cô. Thế nhưng, chính thời gian là liều thuốc thử cho một tình yêu cao đẹp của Thu Lý dành cho Tư Nhớ, để cuối cùng cô nhận được lời đáp hạnh phúc. Và thời gian cũng hóa giải hận thù giữa chàng trai nghèo Tư Nhớ với bà Hai, mẹ vợ! Có thể nói, câu chuyện này đã gợi cho người xem nhiều suy ngẫm về cuộc sống. Ở đời, trời không phụ lòng người, mà chỉ thử thách con người coi có đủ nghị lực, sự kiên nhẫn và vững tin để vượt qua khó khăn hay không mà thôi!

3- Khi xem Nửa đời ngơ ngác, khán giả được gặp lại Hồng Ánh sau 2 năm vắng bóng trên sàn diễn. Với những ai đã từng xem qua các vở kịch về đề tài tình yêu, gia đình như: Thử yêu lần nữa, Màu của tình yêu, Cảm ơn mình đã yêu em và đặc biệt là Ba người đàn ông họ Lôi, khi xem Nửa đời ngơ ngác, chắc chắn sẽ có chung cảm nhận, dường như vai Thu Lý được tác giả Trần Mỹ Trang và Hoàng Thái Thanh viết cho chính Hồng Ánh vậy! Với cách diễn chân phương nhưng giàu cảm xúc của mình, Hồng Ánh đã phả vào nhân vật Thu Lý một chút bương bướng, cáu kỉnh của một cô gái quê, nhưng giàu cá tính, tình cảm và nghị lực. Cho nên, sau lần trở lại này, chắc chắn nhiều người muốn xem Hồng Ánh diễn nhiều hơn nữa.

Bên cạnh một Hồng Ánh xuất sắc, sự góp mặt của kiều nữ Ngọc Lan trong vai Thu Lê, chị của Thu Lý, cũng mang lại sự tươi trẻ cho Nửa đời ngơ ngác. Còn Trí Quang, một diễn viên điện ảnh lấn sân sang kịch, cũng ngày càng chững chạc hơn. Riêng “bà bầu”, đạo diễn, tác giả kiêm diễn viên Ái Như, thể hiện nhân vật bà Hai trau chuốt, chăm chút trong từng động tác, ánh nhìn, đã mang lại những khoảnh khắc sâu đậm cho người xem. Trong Nửa đời ngơ ngác, NSƯT Thành Hội chấp nhận lui về hậu trường để trao cơ hội cho các diễn viên trẻ có dịp thử sức và tỏa sáng.

----------------------
(*) Sẽ tiếp diễn vào tối 7-11, tại sân khấu Hoàng Thái Thanh, số 36 Lê Quý Đôn, quận 3.


Theo Đỗ Hạnh - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng