Văn nghệ trong nước
Người thầy tận tụy
13:19 | 06/11/2010
Thoáng chốc đã mười một năm trôi qua kể từ ngày hoạ sĩ Nguyễn Trọng Hợp từ giã chúng ta về nơi vĩnh hằng.
Người thầy tận tụy
“Hai cô gái Thái xe sợi bông” - tranh của Nguyễn Trọng Hợp
Ông sinh năm 1918, tốt nghiệp Trường  Mỹ thuật Đông Dương năm 1944. Hoạ sĩ Nguyễn Trọng Hợp đã dành gần như toàn vẹn cuộc đời mình cống hiến cho việc đào tạo ra những gương mặt hoạ sĩ VN đương đại kể từ 1956-1981.

Ban đầu, người Pháp khi thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương chỉ có ý định đào tạo một số hoạ sĩ bản địa từ thợ thủ công mỹ nghệ; nhưng họ đã sớm phát hiện ra những phẩm chất nghệ thuật tạo hình nổi trội của các sinh viên ngay từ những khóa đầu tiên. Những ông thầy Pháp đã dùng kiến thức hàn lâm chính thống lúc bấy giờ của Châu Âu là hội hoạ hậu ấn tượng để truyền dạy cho sinh viên của mình. Hoạ sĩ Nguyễn Trọng Hợp may mắn có mặt trong những lớp sinh viên xuất sắc ấy. Và những hoạ sĩ VN được đào tạo sau hòa bình tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật VN lại may mắn được chính những người thầy như hoạ sĩ Nguyễn Trọng Hợp dạy dỗ.

Hoạ sĩ Nguyễn Trọng Hợp trước hết là một người thầy tận tụy. Ông không có tác phong của một người thầy uyên áo lý thuyết phô phang. Những kiến thức thầy truyền dạy cho học sinh trực tiếp bằng thị phạm như chính thầy lúc còn đi học đã từng được người Pháp dạy như thế. Đó là con đường ngắn nhất đưa học sinh của mình tiếp cận với nghề. Để làm được việc ấy không dễ. Nó đòi hỏi tay nghề của một thầy giáo phải ở mức độ thuần thục, có thể biến hóa ứng xử tùy theo khả năng của học trò.

Nhiều năm đã trôi qua, lứa học sinh năm 1975 của chúng tôi vẫn không thể nào quên được hình ảnh một người thầy sát sao cẩn trọng đến từng nét bút. Lúc nào thầy dẫn học sinh đi vẽ dã ngoại cũng mang theo một cuốn sổ và cây bút chì cùng vẽ với học sinh. Điều làm học sinh hết sức ngạc nhiên là họ chỉ vẽ trong vòng ba ngày tưởng như đã không còn gì để vẽ. Thầy Hợp vẫn cặm cụi ghi chép từng chi tiết nhỏ trên những tấm bia tiến sĩ với một nụ cười đôn hậu. Công việc ấy thầy đã từng làm đều đặn trong gần ba mươi năm với lớp lớp học sinh của mình. Và có lẽ chính vì sự hy sinh thầm lặng ấy mà khoảng thời gian còn lại thầy dành cho sáng tác của riêng mình không nhiều.

Hoạ sĩ Nguyễn Trọng Hợp cũng như các hoạ sĩ cùng thời trải qua hai cuộc chiến tranh với muôn vàn thiếu thốn gian khổ. Họ buộc phải vẽ bằng những vật liệu nghèo nàn, với sự dè sẻn chắt chiu đến mức không thể tưởng tượng. Vài tờ giấy dó nhọ nhem lem luốc, vài tấm ván khắc bào đi bào lại, một hai mét lụa còn quý hơn vàng và những tấm vóc mỏng tèo cho tranh sơn mài. Thế nhưng, tác phẩm mà họ để lại cho đến ngày nay đã là một giá trị kinh điển của nền nghệ thuật tạo hình non trẻ VN. Mùa thu năm nay, gia đình hoạ sĩ cùng với lứa học trò hơn ba mươi năm trước của hoạ sĩ Nguyễn Trọng Hợp tổ chức một cuộc trưng bày những tác phẩm còn lại trong di cảo của ông. Người xem sẽ được gặp lại những tác phẩm rất mực thước hiếm hoi của một cây bút lão luyện qua những chất liệu truyền thống như mực nho, màu nước, sơn khắc và đặc biệt là tranh khắc gỗ.

Có thể nói, cuộc đời của hoạ sĩ Nguyễn Trọng Hợp dành nhiều tâm huyết cho tranh khắc gỗ và cũng thành công nhất trong chất liệu này. Từ những bức “Phong cảnh bản Xín Chải-1963”, “Lớp học miền núi-1964” cho đến “Cô gái Tày Bắc Cạn-1966”, “Hai cô gái Thái xe sợi bông-1994”, người xem dễ dàng nhận thấy khuôn khổ của tranh rất nhỏ, nhưng sức chứa đựng thật lớn lao cả về tay nghề và tình cảm của hoạ sĩ. Với những ký hoạ mực nho “Bên cối nước-1964”, “Góc vườn”, ta lại bắt gặp một nét hàn lâm chững chạc của hội hoạ Châu Âu thời kỳ mới du nhập vào VN đầu thế kỷ trước. Những bức tranh sơn khắc khổ lớn (được hoạ sĩ Nguyễn Đức Hoà - con trai ông - thể hiện sau này theo đúng di huấn bằng phác thảo tỉ lệ 1/1) cho thấy một khát khao và chuẩn mực hướng về cội nguồn nghệ thuật dân tộc của ông là bất biến, dù trải qua rất nhiều thăng trầm.

Triển lãm mở cửa từ ngày 13.11.2010 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội.

Theo Đỗ Phấn - LĐ




Các bài mới
Các bài đã đăng