Văn nghệ trong nước
Tiếng thơ của niềm cô đơn kiêu hãnh
09:25 | 11/11/2010
Không biết từ bao giờ thơ Olga Berggoltz (1910-1975) đã được truyền tụng và yêu mến trong những người yêu thích văn học Nga.
Tiếng thơ của niềm cô đơn kiêu hãnh
Chân dung nhà thơ Olga Berggoltz
Những câu thơ da diết buồn thương, lấp lánh nỗi cô đơn sang trọng, thanh cao của một phụ nữ Nga, một tâm hồn Nga đã đến với bạn đọc Việt Nam qua những lời thơ dịch giàu cảm xúc nhạc điệu của nhà thơ Bằng Việt để ngân vang sâu lắng và đọng lại bền bỉ trong lòng, qua năm tháng, qua cuộc đời.

Ấn tượng tình cảm của thơ Berggoltz ở nước ta mạnh đến nỗi những bài thơ dịch của bà chỉ mới được in rải rác, vậy mà được nhớ, được nhắc đến trong nhiều trường hợp và xui nên một nỗi đợi chờ thơ bà được dịch ra tiếng Việt in hẳn một tập để đọc cho thỏa lòng yêu mến và đồng cảm, để được sống trọn vẹn trong thế giới con người và thơ ca của bà.

Nỗi đợi chờ đó sau khá nhiều thời gian nay đã được đáp ứng bằng tập thơ Olga Berggoltz do nhà thơ, dịch giả Thụy Anh thực hiện. Một tập thơ trang trọng xứng đáng với nhà thơ.

Thụy Anh có nhiều năm học ở Nga, biết tiếng Nga sâu sắc, nhưng điều chủ yếu là chị đã từ cảm đến hiểu rồi đến yêu con người và thơ Berggoltz không chỉ trên câu chữ, nhịp điệu, hình ảnh, không chỉ dừng ở văn bạn mà còn lặn vào số phận vinh quang và cay đắng của một con người, một nhà thơ đã chia sẻ và chịu đựng chung với dân tộc mình cả một thế kỷ hào hùng và bi thương.

“Olga Berggoltz của tôi”, Thụy Anh đã nói vậy và chị nói được vậy trong bài tiểu luận dài đầy tâm huyết, tình yêu của chị dành cho nữ thi sĩ Nga, cho văn hóa - văn học Nga, cho nước Nga.

Tập thơ, ra mắt độc giả Việt Nam tháng 11-2010, là món quà Thụy Anh dâng lên nhà thơ của mình nhân kỷ niệm 100 năm sinh Berggoltz. Và chúng ta, những người đọc Việt Nam hôm nay, cảm ơn công việc sáng tạo của chị qua bản dịch và trong việc dịch để đến được với nhà thơ yêu mến lâu nay. Cảm ơn Olga Berggoltz.

Cây ngải đắng

Rồi tôi vẫn nghiến răng bướng bỉnh
Ngẩng cao đầu khép chặt lòng đau
Hoa ơi hoa, hoa nở vì đâu
Hoa ngải đắng của tình tôi yêu dấu?

Hai ta cùng giấu giếm lẫn nhau
Cố nuốt ngược vào tim lời từ giã
Cầm chiếc khăn hoa của tôi, vội vã
Anh xé mẩu khăn, nào biết có ý gì!

Làm gì nữa, anh ơi, chút tình si
Mẩu khăn ấy tả tơi anh còn giữ?
Làm gì nữa, tôi ơi, lòng đã lỡ
Đường trần đi tim hằn dấu những bước chân

Chẳng làm gì nữa đâu lời âu yếm vô ngần
Của người dưng hay người tôi thương mến
Muôn nẻo quanh tôi loài cỏ hoa quyến luyến
Ngải đắng ơi, hoa ngải đắng tình tôi!

Tháng 6-1928


Chẳng bao giờ mẹ chấp nhận nổi đâu

Không, chẳng bao giờ mẹ chấp nhận nổi đâu
rằng con đã qua đời, hãy tin mẹ nhé
Ranh giới giữa sáng tâm và loạn trí
mẹ bây giờ thường nhìn thấu được ra

Càng ngày mẹ càng thấy quen hơn
quen cảm giác đứng một mình bên rìa sự sống
nơi có tấm bia con hình ngôi sao tang tóc
giống hệt như cột mốc biên thùy

Tiếng xào xạc lá cây của tháng năm cũ qua đi
Mẹ nhìn lại và biết rằng mình đang đến
gần với cái lằn ranh vô hình vô bờ bến
Con tim hãi sợ hơn và phóng khoáng hơn nhiều

Chỉ một tích tắc nữa thôi mẹ sẽ hiểu rõ mọi điều
không chỉ cái chết của con, mà cả
những vô bổ, những điều qua đi vô giá
và dòng trôi không cưỡng nổi của đời.

Từ cái mốc này bao sức lực nổ tung trời
của cơn giận bỗng gạt qua một chỗ
và chỉ có trên mến thương ngôi mộ
những đóa hoa khô run rẩy dịu dàng

1937-1938



Tôi cũng cả ngày...

Cả ngày trong cuộc họp tôi ngồi
Rồi biểu quyết, rồi nói điều giả dối
Lời hổ thẹn sao chưa làm tôi chết nổi?
Nỗi chán chường không khiến bạc đầu thêm?

Bước ra đường, tôi ngồi xuống bậc thềm
Nơi tôi được là mình, ngồi thật lâu không nhúc nhích
Qua khe cổng cùng người coi sân chia điếu thuốc
Vào quán chiều chiêu vài ngụm vốt-ka
Nơi tủi cực này có nhiều uất ức được nói ra
Trong câu chuyện của hai phế binh héo hắt
(Năm bốn ba từng là hai chàng trai anh dũng nhất
Chiếm lấy Krasnyi Bor - rừng thông đỏ máu rực trời)

Thức tỉnh trong tôi hoài niệm chói ngời
Dĩ vãng hào hùng rũ tro tàn đứng dậy:
Những phạm binh đây như lại đang băng qua
bãi mìn bỏng rẫy

Những trinh sát viên quả cảm phi thường
Ai đó được tung hô sau khốc liệt chiến trường
Số còn lại nằm lặng thầm mãi mãi
Máu đổ xuống đất lành không mưu toan lời lãi
Có hay đâu để chuộc mọi lỗi lầm
Chưa bao giờ phạm phải với lương tâm!

Khó nhọc thu trí tàn trong cơn giận tím bầm
Qua cơn say tôi kêu lên đau khổ:
“Lũ ngoan đạo kia, ta chán các người đến tận cổ
Và yêu sao ôi bao kẻ tội đồ!”

1948-1949


Lời đáp

Tôi xin nói với các người rằng không có
những tháng năm tôi vô nghĩa sống trên đời
những con đường tôi đi qua vô ích,
những áng tin vô bổ tôi nghe.

Không có những cõi đời tôi không cảm nhận
không có những món quà như bánh vẽ trao đi
tình yêu nữa, không có tình uổng phí
dẫu đớn đau và chịu đựng dối lừa -
ánh sáng tình yêu vẫn trong vắt muôn đời
luôn trong tôi, cùng tôi mãi mãi
Và chẳng bao giờ là muộn mằn đâu khi lại
bắt đầu thêm lần nữa cả cuộc đời,
dấn bước đi con đường cũ từ đầu
làm sao để không gì trong quá khứ -
những lời nói ra và tiếng lòng rên đau đớn
không hề bị tẩy xóa một câu.

1952-1962

Thơ OLGA BERGGOLTZ (THỤY ANH dịch)



                                                                                                              Theo TTCT












Các bài mới
Các bài đã đăng