Văn nghệ trong nước
Đại hội VI Hội sử học Việt Nam: Sẽ thay Chủ tịch và Tổng thư ký vào giữa nhiệm kỳ
14:45 | 12/11/2010
Đó là thông tin đáng chú ý nhất tại Đại hội VI Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (diễn ra tại Hà Nội vào hôm qua, 11/11). Theo đó, GS Phan Huy Lê và nhà sử học Dương Trung Quốc - những gương mặt tiếp tục được bầu chọn vào các chức danh Chủ tịch và Tổng thư ký Hội - sẽ chỉ đảm đương công việc tới giữa nhiệm kỳ VI (nhiệm kỳ kết thúc vào 2015). Bù lại, Đại hội đã bầu ra tới 7 Phó chủ tịch và 2 Phó Tổng thư ký (so với 3 PCT và 3 PTTK của nhiệm kỳ trước).
Đại hội VI Hội sử học Việt Nam: Sẽ thay Chủ tịch và Tổng thư ký vào giữa nhiệm kỳ
GS Vũ Khiêu tặng câu đối cho BCH Hội Sử học VN. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
“Bộ khung của Hội Sử học trong 5 nhiệm kỳ qua rất ổn định nhưng quả thật là cũng quá cũ. Vì được Hội yêu cầu, GS Phan Huy Lê đồng ý tiếp tục nhận vai trò Chủ tịch Hội với điều kiện chỉ làm nửa nhiệm kỳ (2 năm) rồi sẽ chuyển giao cho người khác. Về phần tôi cũng vậy, 4 nhiệm kỳ liên tiếp đảm nhiệm vai trò Tổng thư ký Hội là quá nhiều” - Tổng thư ký Dương Trung Quốc trao đổi với TT&VH - “Sau nửa nhiệm kỳ, các vị trí Chủ tịch và Tổng Thư ký sẽ được chuyển giao lại cho những gương mặt trẻ hơn, để có thể tiếp tục công việc về lâu dài”.

Nhận xét về nhiệm kỳ V (2005- 2010), ông Quốc cho biết: Đây là một giai đoạn mà ngành sử học được xã hội biết đến và thừa nhận nhiều hơn, thay cho giai đoạn chỉ quan tâm tới lịch sử cách mạng, lịch sử chiến tranh như trước đó. Sự thay đổi này xuất phát từ nhu cầu mới của xã hội hiện đại, đồng thời cũng khiến ngành sử học nhận ra những điều còn hạn chế về kiến thức hoặc phương pháp luận. Do đó, 5 năm tới sẽ là quãng thời gian mà ngành sử học phải tiếp tục hoàn thiện để có thể tự khẳng định chỗ đứng trong xã hội.

Ở góc độ cá nhân, ông Quốc cho rằng 2 vấn đề thời sự đang đặt ra cho ngành sử học là việc truyền bá kiến thức sử học cho giới trẻ và bảo vệ các di tích, di sản văn hóa. “Vấn đề thứ nhất là khó khăn mang tính toàn cầu trong xã hội hiện đại chứ không chỉ ở Việt Nam. Còn vấn đề thứ hai là một quá trình tương tác 2 chiều, vừa đòi hỏi về dân trí, vừa đòi hỏi giới bảo tồn phải tìm được tiếng nói chung về thẩm mỹ với đại chúng” - ông Quốc nói.

Sau khi kết thúc Đại hội, Hội Sử học sẽ có chuyến thăm và dâng hương tại Đền Hùng vào hôm nay, 12/11.

Theo Cúc Đường - TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng