Văn nghệ trong nước
Đời có mảnh dài mảnh ngắn
15:06 | 15/11/2010
Từ 14 - 18/11, tại Việt Art Centre (42 Yết Kiêu, Hà Nội) sẽ diễn ra một triển lãm hội họa và sắp đặt với hình thức độc đáo của họa sĩ Nguyễn Hương Giang với 17 bức tranh khắc và tô màu trên những mảnh gỗ ghép lại, và một tác phẩm sắp đặt bằng sắt uốn. TT&VH xin giới thiệu bài viết của nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng về triển lãm này.
Đời có mảnh dài mảnh ngắn
Tác phẩm tranh khắc gỗ tô màu Trẻ ngủ
1. Ở nước ta cho đến hiện tại vẫn là không bình thường nếu một người phụ nữ định làm nghệ thuật mà không lập gia đình. Nhưng ở phương Tây và ngày nay ở Hàn Quốc hay Nhật Bản chuyện đó không hiếm. Người phụ nữ hiện đại muốn dành cuộc sống cho cá nhân mình, không nhất thiết phải là những người làm nghệ thuật. Trong xã hội phương Đông, phụ nữ luôn là người mang nhiều trách nhiệm với đời sống gia đình, nên một phần trong số họ muốn cởi bỏ cái trách nhiệm đó đi. Đó là câu chuyện mà người ta còn phải tranh luận.

Nguyễn Hương Giang có lẽ là một cô gái muốn sống như vậy. Cô cũng cần tình yêu, nhưng không quá quan trọng với nó, nếu có tốt nhất là một đứa con và vẽ tranh là đủ. Nhưng cái ước muốn bé nhỏ ấy hóa ra không dễ thực hiện. Và cho đến hiện tại thì Giang vẫn một mình với hội họa thôi.

Chân dung Nguyễn Hương Giang - Sinh năm 1974, tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Việt Nam năm 2003, đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của Nguyễn Hương Giang ở trong nước (trước đó chị đã có 2 triển lãm cá nhân tại Australia) với tên gọi Những mảnh ghép - lấy ý tưởng về thân phận một con người cũng được ghép lại từ những “mảnh đời” nối tiếp.


Câu chuyện của cô diễn ra đã hơn ba ngàn ngày, nó liên tục và rời rạc trong tâm trí cô, lúc thì chính cô là người đi lại trong câu chuyện ấy, lúc thì như người đứng bên ngoài nhìn vào. Giang gọi đó là những miếng ghép của cuộc sống riêng của mình, những miếng ghép trở thành một hàng rào, và cô tư lự đứng bên hàng rào ấy tìm tòi đứa con mà mình chưa bao giờ biết mặt. Câu chuyện này, các bậc phụ huynh không thông cảm nổi, bạn bè cũng vậy không hiểu nổi. Họa sĩ biến nó thành hình hài trong những tấm gỗ khắc tô màu. Chủ đề luôn là hai con người nhưng là hai hình bóng song song, không có gì gắn kết, những hài nhi phảng phất bóng hình, hoa cỏ, nước và đất vây quanh... câu chuyện được kể đi kể lại qua từng miếng ghép lớn nhỏ, mà đối với Giang không bao giờ kết thúc hay nhàm chán.

2. Những ai là nghệ sĩ hay có tâm hồn cô độc thì cảm nhận được những gì Giang làm. Có loại người truy đuổi trong tâm trí cả đời, còn bên ngoài với họ chỉ là ảo ảnh, vướng bận, phiền nhiễu, nếu chối bỏ không được thì thế nào cũng được. Cái tâm hồn ấy rất mong manh, vu vơ, vô định hình và đầy phiền muộn, rồi nó lại tự thích thú khi bị phiền muộn. Người ta không sống với thực tại mà sống với ảo ảnh, với ký ức, với cái mình tưởng là thế, và tưởng là thế thì tốt hơn nếu ai đem lại điều gì.

Ở góc độ nghệ thuật, họa sĩ chung với chúng bạn cùng lứa ở con mắt của lớp trẻ “hậu chiến”. Không băn khoăn về trường phái hay bút pháp, cũng không băn khoăn mình đang làm điêu khắc hay hội họa. Nghệ thuật là hành vi, vụng dại cũng cần như khéo léo, vì nó chính là mình đang như vậy. Nó cho họa sĩ nói chân thật về mình.

Theo Phan Cẩm Thượng - TT&VH





Các bài mới
Các bài đã đăng