Câu hỏi này đúng ra đã được nêu lên từ khá lâu, từ khi những dòng nhạc trẻ Hàn, Nhật, Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam qua những sáng tác mới, nổi lên như cơn bão và giờ đang xẹp dần bởi dòng nhạc teen đang bắt đầu lấn dậy. Nhưng vẫn chưa thấy những câu trả lời rõ ràng. Âm nhạc luôn có đối tượng của mình, những dòng nhạc sinh ra và sống được nhờ thời đại mình nhưng ít khi nào âm nhạc phổ thông Việt gặp nhiều trúc trắc như hiện nay. Ít phong cách, ít sáng tạo, pha tạp nhiều lối, không nhiều dấu ấn. Và thực tế cho thấy rằng nhạc xưa vẫn có đất sống, không chỉ cho người đã đi qua thời tuổi trẻ mà cả những người đang bước vào tuổi đẹp nhất của đời mình.
Xưa vẫn có đất sống
Có 2 sự kiện gần đây ít nhiều gây được sự chú ý của công chúng: đêm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy (Mơ giấc mộng dài) và live show của ca sĩ hải ngoại Lưu Bích (Hương thời gian). Cả 2 đêm ở nhà hát Hòa Bình hơn 2 nghìn chỗ đều được lấp kín khán giả. Cả hai nhân vật, một người ít nhất hơn 4 thập niên lăn lộn trong làng nhạc, người còn lại 2 thập niên khá nổi ở hải ngoại, vẫn được đón chào nồng nhiệt như thuở ban đầu.
Không dưới 4 lần trong đêm nhạc Phạm Duy, ca sĩ hát sai lời, cũng khoảng vài lần Lưu Bích ngân giọng không đúng tông nhưng những điều ấy không át nổi tiếng vỗ tay mà công chúng đã dành cho họ. Năm 2008, khi nhạc sĩ Từ Công Phụng về trình diễn tại phòng trà Văn Nghệ, tối hôm biểu diễn điện mấy lần tắt ngúm nhưng đáp lại là những tràng pháo tay liên tục và đặc biệt, những người tham dự đêm hôm ấy lại toàn là người trẻ.
Vài năm trước đã từng có những dự đoán rằng sự trở về của dòng nhạc cũ hay sự xuất hiện trở lại của những gương mặt hải ngoại, sau một thời gian gây tò mò nơi công chúng sẽ bị chìm khuất bởi những gương mặt mới. Nhưng thời gian vẫn đang chỉ ra rằng, nhận định ấy vẫn chưa đến đúng thời điểm. Dòng nhạc cũ vẫn đang được đón chào, những gương mặt quen thuộc dù đã khá lâu mới trở về nhưng vẫn hút khách.
Sự trở lại của Ý Lan trong đêm Phạm Duy (sau đó diễn thêm ở phòng trà WE) hay việc xuất hiện của danh ca Tuấn Vũ mới đây (làm khá nhiều đêm ở Hà Nội lẫn TP.HCM) cho thấy công chúng đi thưởng thức âm nhạc không phải chỉ bởi tò mò mà họ đang cần nghe những thể loại âm nhạc có chất lượng dù chất lượng ấy… không còn mới. Thực tế đó có thể đối chứng từ những phong trào live show của những ca sĩ trẻ hiện nay khi họ tiếp tục chần chừ tổ chức vì sợ lỗ và cũng vì sợ không đem lại được điều gì mới mẻ cho công chúng.
Những bài hát Lưu Bích trình diễn trong đêm của mình đa phần đã đi qua một thời tuổi trẻ và ít ai nghĩ rằng dòng chảy âm nhạc của cô vẫn còn được yêu mến đến vậy tại Việt Nam. Những người đi xem đa phần lại thuộc về giới trẻ và họ thuộc lòng từng bài ca cô thể hiện. Điều ấy chỉ ra rằng, nhạc cũ vẫn luôn tìm được thế hệ người nghe mới.
Muốn an toàn hãy quay về nhạc xưa?
Diện mạo mới của nhạc thị trường thay đổi theo từng năm nhưng sự bứt phá không còn ăn khách như xưa. Bế tắc sáng tác, bế tắc phong cách biểu diễn.
Các live show liên tục thua lỗ, sự trào dâng của rock vẫn mới dừng ở mức độ manh nha. Không khó để nhận thấy các ông bầu, các ca sĩ vẫn loay hoay tìm cho mình một hiệu quả mới. Và trong sự bế tắc ấy, cách tốt nhất vẫn là quay về với những dòng nhạc xưa cũ.
Sau một loạt những Đàm Vĩnh Hưng (Thương hoài ngàn năm); Kasim Hoàng Vũ trở về với nhạc Phú Quang; Cao Thái Sơn, Song Giang, Khánh Ngọc, Thanh Thúy cũng tìm lại cho mình nét xưa cũ thì dạo gần đây lại thêm một loạt các ca sĩ trẻ ra những album xưa. Mỹ Lệ, Quang Minh, Xuân Khôi, Xuân Phú, Quang Hà, Lệ Quyên, Mỹ Tâm cũng ra một loạt album nhạc xưa. Sắp tới có thêm Tùng Dương, Hiền Thục cũng có album trình làng.
Có một thực tế thấy rằng việc quay về nhạc xưa có độ an toàn cao khi những ca khúc ăn vào lòng người bao thập niên nay giờ được chơi lại với bản phối mới vẫn dễ dàng đi vào thị trường hơn là những ca khúc mới không có nhiều đột phá.
Chưa bao giờ có sự trở về quy mô nhiều như vậy. Nhạc trẻ Việt sau một thời gian dài phát triển đã bắt đầu chững và rơi vào vòng luẩn quẩn cũ - mới. Những giá trị cũ được tôn xưng và người ta không đoán được dòng chảy mới này sẽ xuất hiện được bao lâu. Một nền tân nhạc nếu cứ đánh trống quay về là một nền tân nhạc đứng yên tại chỗ, những giá trị mới không lấp ló và điều ấy không tốt cho thị trường nhạc phổ thông Việt.
Bế tắc sáng tác thì trở về. Nêu cao giá trị mới bằng những bài teen mang âm hưởng nước ngoài, dường như năm 2010 làng nhạc trẻ Việt vẫn chưa có được những tín hiệu đáng mừng. Những giọng ca đã định hình dường như vẫn chưa thấy động đậy, những kế hoạch live show cũng chưa thấy rập rình. Có những phân khúc mới đang lộ diện nhưng vẫn cần thời gian để chứng minh. Nhạc Việt 2010 cần hơn nữa một sự cách tân cần thiết.
Sự nhập nhằng chuyển hóa cũ - mới cũng tạo nên một thị trường công chúng cũng nhập nhằng chẳng kém và sự phân khúc lúc thì chuyên biệt lúc lại gần như bị trộn đều nên rất khó bắt mạch được sự chuyển động của làng nhạc Việt thời gian gần đây. Nói nhẹ nhàng hơn thì nhìn vào thực tế, sự chuyển hướng của công chúng khi quay về những dòng nhạc xưa cũ luôn là một điều tốt nhưng nó cũng luôn là một tín hiệu cho thấy những điều mới mẻ chưa xuất hiện. Một nền âm nhạc phổ thông nếu chỉ quay về những giá trị cũ thì khó mà phát triển tốt. Chỉ có điều bây giờ chuyện ấy không ai xem là quan trọng và cũng ít ai đề ra được hướng đi của dòng nhạc Việt phổ thông là gì.
Theo TT&VH Cuối tuần
|