Văn nghệ trong nước
Dòng chảy riêng trong đời sống giải trí
09:35 | 18/11/2010
Bên cạnh rạp chiếu phim, sân khấu nhạc, kịch phổ biến, gần đây giới trẻ Sài Gòn có xu hướng tìm đến những địa chỉ giải trí, thưởng thức nghệ thuật với các mô hình mới. Xu hướng này tuy còn nhỏ hẹp nhưng vẫn phát triển như một dòng chảy riêng…
Dòng chảy riêng trong đời sống giải trí
Xem kịch ở Càphê Bệt. Ảnh: Nguyễn Trâm Anh

Càphê không của đám đông

Khi quán càphê đầu tiên ở châu Âu ra đời tại Venice vào thế kỷ 17, giới nghệ sĩ đã xem đây là nơi sinh hoạt không chính thức của mình. Sự tồn tại của văn hoá giao lưu tại quán càphê trải qua bao đời, từ Tây sang Đông càng lúc càng gần với trải nghiệm lý thú của nhà văn Áo Alfred Polgar “Quán càphê là nơi người ta đến để thưởng thức cảm giác cô đơn nhưng lại mong muốn có bầu bạn để cùng chia sẻ cảm giác đó”.

Mô hình Càphê Thứ Bảy do nhạc sĩ Dương Thụ điều hành, hoạt động hơn một năm nay chính là đang đi theo xu hướng càphê văn hoá mang tính giao lưu tưởng chừng như có thời gian biến mất khỏi Sài Gòn. Cứ mỗi sáng thứ bảy tại đây đều có một buổi giao lưu, sinh hoạt mang tính học thuật. Các chủ đề khá đa dạng: từ triết học, hội hoạ, nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, điện ảnh đến giới thiệu những tài năng, những gương mặt độc đáo trên mọi lĩnh vực. Khán phòng giao lưu của quán chỉ đủ cho 30, 40 người, khách đến đa phần đều có nhu cầu thực sự về sẻ chia kiến thức và thông tin. Nhà văn Linda Lê, các gương mặt đạo diễn phim Mỹ gần đây khi sang Việt Nam, bên cạnh các buổi giao lưu chính thức đều có những chương trình gặp gỡ thân mật tại đây. Các chủ đề gần nhất như giới thiệu tác giả Nobel Văn học 2010, giao lưu với các nhà làm phim trẻ… đều đáp ứng khá sát sườn nhu cầu giới trí thức trẻ.

Địa chỉ của công chúng điện ảnh

Cộng đồng mê phim tại Việt Nam thời gian qua đã rỉ tai nhau về chuỗi bốn quán càphê Bobby Brewers tại quận 1 và quận 3. Nhìn bề ngoài, Bobby Brewers cũng giống các quán càphê khác nhưng đây là địa chỉ mà mọi người có thể xem được những bộ phim hay và hiếm. Có một website với lịch chiếu phim cập nhật rõ ràng, chi tiết đến từng thông tin về phụ đề, thuyết minh… Bobby Brewers đã tồn tại âm thầm trong thời gian qua.

Cũng là hình thức giải trí, xem phim nhưng Future Short lại mang tính lưu động. Vào thứ bảy đầu tiên mỗi tháng, khán giả cập nhật chương trình xem phim của Future Short tại website và các địa chỉ trên mạng xã hội Facebook, Twitter. Chương trình có thể diễn ra tại quán bar, càphê, trường học, thậm chí là một nhà kho. Future Short như là một mô hình liên hoan phim thu nhỏ, diễn ra cùng thời điểm từ New York (Mỹ) đến Sydney (Úc), từ Hà Nội, Sài Gòn đến Berlin (Đức)… với các bộ phim tham dự trình chiếu đến từ khắp nơi trên thế giới và cả phim của nhà làm phim địa phương.

Nơi phát hiện gương mặt mới

Không thể không nhắc đến hình thức càphê kịch đang khá đình đám trong dòng chảy ngầm. Mở màn là Bệt với dàn diễn viên là sinh viên cao đẳng Sân khấu điện ảnh, diễn viên chuyên nghiệp tại sân khấu Hoàng Thái Thanh. Sân khấu nhỏ gọn vài mét vuông, trang trí đơn giản, âm thanh mộc, khán giả ngồi bệt khi xem, tính tương tác giữa diễn viên và khán giả cao, Bệt đã trở thành một “món lạ”. Chính tại Bệt, khán giả đã đem lòng yêu mến Lương Duyên, Thế Sơn, Quốc Thịnh, Tuyết Mai, Thanh Tuấn, Nguyễn Long…, những diễn viên kịch mà tại sân khấu 5B hay Hoàng Thái Thanh, họ thường chỉ được sắm những vai phụ. Vở Ngao sò ốc hến của Bệt đã diễn được hơn 20 suất mà suất nào cũng kín khán giả. Chị Bùi Hoàng Phượng, giáo viên, cho biết là chị đã xem vở này tại Bệt đến năm lần, bởi “Cái cảm giác được nhìn và nghe diễn viên diễn chỉ cách mình một, hai mét nó lạ và thú vị lắm”.

Nhiều mô hình tương tự Bệt ra đời tại quận Gò Vấp, quận 5, quận Phú Nhuận… nhưng dần biến mất bởi khó khăn trăm bề từ kịch bản, đội ngũ diễn viên đến dàn dựng… Càphê Lít tại quận Phú Nhuận là một trong những quán đã ổn định với nhóm diễn viên Đời, sau khi nhóm NNCK (Những người cùng khổ) tan tác.

Càphê nhạc với các ca sĩ hát mộc, những giọng ca không chuyên chiếm nhiều hơn trong số những quán càphê dạng này. The Journey, Princess And The Pea, Vừng Ơi Mở Ra, Cooku’s Nest Café, Yên… là những địa chỉ thường xuyên của giới trẻ thích sự độc đáo trong thưởng thức. “Các sân khấu ca nhạc tạp kỹ thì nhiều khi bát nháo; các phòng trà thì không phải lúc nào mình cũng đủ tiền để đến xem nên các quán càphê nhạc gần gũi dạng này phù hợp với mình nhất. Đặc biệt, mình thích sự trong trẻo trong xử lý âm nhạc và trình diễn của các ca sĩ không chuyên”, Nhã Đoan, một khách hàng quen thuộc của quán The Journey cho biết. Cũng chính tại những mô hình nhỏ gọn, ấm cúng này, khán giả biết đến Lê Cát Trọng Lý trước khi Lý thành công tại Bài hát Việt. “Chàng ca sĩ xứ sương mù hát tình ca” Lee Kirby, “hoạ mi Lenka Việt Nam” Thái Trinh… cũng nổi lên từ những địa chỉ này.

Gần gũi với một bộ phận giới trẻ muốn tìm kiếm cho mình hình thức thưởng thức nghệ thuật độc đáo, từng ngày, những địa chỉ giải trí này dần thể hiện một sức sống âm thầm mà rộn rã trong đời sống giới trẻ Sài Gòn.

                                                                                                          Theo SGTT.VN









Các bài mới
Các bài đã đăng