Thiếu mà vẫn thừa
Những tên tuổi producer Việt Nam có uy tín trên thị trường âm nhạc trong vài năm gần đây không nhiều. Ngoài Hà Nội có Quốc Trung, Thanh Phương, Anh Quân – Huy Tuấn, Hồ Hoài Anh, Lê Minh Sơn - Trần Mạnh Hùng, Đỗ Bảo. Trong TP.HCM thì có Đức Trí, Quốc Bảo, Võ Thiện Thanh, Hoài Sa… Tốc độ sản xuất của các producer này tương đối dề dà trong khi lực lượng ca sỹ được đào tạo chuyên nghiệp lẫn “lấn sân” thì ngày càng hùng hậu. Thế nhưng nhạc sỹ Hồ Hoài Anh cho rằng: “Không thể nhìn vào đội ngũ ca sỹ để nói producer nhiều hay ít, phải so sánh với nhu cầu thưởng thức nhạc Việt của công chúng hiện nay để thấy công việc này tạm thời đang bão hoà, chính xác là đang bội thực”.
Sự bội thực này có thể thấy rõ khi mỗi tháng có tới hàng chục album được ra lò nhưng nhận lại là sự hờ hững của khán giả. Không kể đến vấn nạn băng đĩa lậu chưa có thuốc đặc trị và thói quen nghe nhạc online của công chúng Việt thì chất lượng album là điều cần phải bàn tới. Khán giả của chương trình Album vàng trên Đài HTV trong thời gian dài không thể tìm được một album đáng nhớ dù mỗi tháng những người thực hiện chương trình vẫn cố gắng “so bó đũa” để lọc ra 5 sản phẩm âm nhạc khả dĩ hơn cả giới thiệu tới người nghe.
Ngay cả những ca sỹ đầu tư mạnh cho phần nhìn - ngoại hình bắt mắt, vũ đạo bốc lửa – cũng không thể tiêu thụ được lượng album như mong muốn cũng như sự quan tâm cần thiết của công chúng mạng nếu album đó không có gì mới lạ. Giới trẻ online ngày càng sành sỏi và bị thu hút nhiều hơn bởi showbiz Hàn Quốc, Nhật Bản hay các bảng xếp hạng âm nhạc tại Mỹ.
Dĩ nhiên, không thể đổ lỗi cho khả năng của ca sỹ đối với các sản phẩm âm nhạc thiếu tính hấp dẫn. Bởi nhà sản xuất mới là người định dạng phong cách, cá tính âm nhạc cho ca sỹ và đưa ra xu hướng cho người nghe. Song với một môi trường âm nhạc còn nhiều hạn chế như Việt Nam thì không ít các nhà sản xuất mới chỉ hoàn thành công việc của một biên tập âm nhạc. Họ bị chi phối bởi các yếu tố của thị trường, thị hiếu đám đông mà ức chế các ý tưởng mới, khả năng sáng tạo cần có. Thị hiếu đám đông thay đổi từng giờ trong khi công việc sản xuất thì phải có thời gian, “tâm lý chạy theo” sẽ dẫn đến sự kết quả tất yếu là sự lạc hậu của sản phẩm với chính xu thế âm nhạc trong nước. Điều này cũng dễ hiểu bởi hầu hết producer của Việt Nam không được đào tạo bài bản mà chủ yếu tự học hỏi, mày mò. Những producer thực sự chuyên nghiệp, thực sự hiểu về công việc của mình thì đếm được trên đầu ngón tay như đã kể ra ở trên.
Thêm người mới, không thêm cạnh tranh
Gần đây, làng âm nhạc xuất hiện thêm nhiều cái tên mới khá nổi bật trong vai trò nhà sản xuất như Nguyễn Hải Phong với sản phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao là Giác quan thứ 6 làm cho Thu Minh; như Dương Khắc Linh - một nhạc sỹ Việt kiều - với The New me đầy mới lạ làm cho Thảo Trang Idol… Cặp đôi Việt kiều Dương Khắc Linh – Thanh Bùi cũng thường xuyên được nhắc đến như một mối “đe doạ” đối với các nhà sản xuất trong nước. Ông chủ của Music Faces - nhạc sỹ Đức Trí – cũng cảnh báo: nếu các nhà sản xuất trong nước không năng động thì rất dễ để thị trường âm nhạc cho các nhà sản xuất Việt kiều chiếm lĩnh như họ đang làm với điện ảnh Việt.
Nói thế, nhưng xem chừng các nhà sản xuất tên tuổi trong nước vẫn… dửng dưng. Hồ Hoài Anh mạnh dạn tuyên bố: “Tôi không thấy có sự cạnh tranh. Môi trường âm nhạc hiện nay chưa tạo ra được sự cạnh tranh. Mỗi nhạc sỹ, mỗi nhà sản xuất đều có ngón nghề riêng, chất riêng của mình và hầu như họ đều kiên định giữ cái phong cách đó nên không ai đụng ai. Với việc có thêm nhiều cái tên Việt kiều mới tham gia sản xuất âm nhạc, tôi nhìn nhận ở khía cạnh tích cực là mang đến sự mới mẻ, tươi sáng giúp thị trường âm nhạc có chút khác biệt và rất nên có”.
Quả thực, các nhà sản xuất âm nhạc Việt Nam thành công hiện nay đều khá bảo thủ trong cá tính âm nhạc của mình và mỗi người có một con đường riêng. Các ca sỹ thích phong cách nào thì cứ việc tìm đến.Vì không “đụng hàng” nên tính cạnh tranh dĩ nhiên rất thấp. Hơn nữa, mỗi sản phẩm âm nhạc được ra đời thì người được lợi nhiều nhất là ca sỹ chứ không phải nhà sản xuất. Dù album bán được hay không bán được, tên tuổi của ca sỹ cũng lan toả rộng hơn giúp họ đắt show hơn, nhờ thế kiếm được nhiều tiền hơn. Trong trường hợp sản phẩm được công chúng chấp nhận, thì mối lợi lại rơi vào tay các đầu nậu băng đĩa hay các nhà phân phối nhạc mạng. Bởi thế, các nhà sản xuất chẳng cạnh tranh với nhau để làm gì.
Chính vì không cạnh tranh, không chịu sức ép nào từ thị trường âm nhạc, nên các nhà sản xuất chuyên nghiệp chẳng mấy hào hứng và nhiệt tình đi tìm những ca sỹ trẻ, mới, có tài năng. Họ thường có ca sỹ ruột của mình và tập trung sản xuất cho ca sỹ đó với lý do “không dễ tìm được tiếng nói chung với ca sỹ”. Gần đây đã có vài sự chuyển dịch nho nhỏ mang tính tích cực của các nhà sản xuất như Hồng Kiên (vốn quen thuộc với các CD pop ballad cho Hồng Nhung, Mỹ Linh) đã làm album phong cách bán cổ điển cho Đức Tuấn; Huy Tuấn làm album aucostic cho Mỹ Linh, Đức Trí làm album rap cho Suboi… Tuy nhiên, sự chuyển dịch này phần lớn là do nhu cầu và đề nghị của ca sỹ chứ không phải các nhà sản xuất thay đổi mình để tăng độ cạnh tranh trong thị trường.
Các nhà sản xuất chuyên nghiệp càng đủng đỉnh, thị trường càng bội thực những sản phẩm âm nhạc kém chất lượng. Và khi thấy thị trường âm nhạc đang bội thực, họ lại càng đủng đỉnh. Lối thoát cho sản xuất âm nhạc Việt Nam chỉ có khi các nhà sản xuất thực thụ nhận được lợi ích xứng đáng với tâm huyết lao động mà họ đã bỏ ra.
Theo Toquoc
|