Văn nghệ trong nước
Văn học thiếu nhi Việt Nam nhìn từ tư duy “ngoại”
14:41 | 26/11/2010
Một nhược điểm cố hữu của những người làm sách thiếu nhi ở Việt Nam chính là lối tư duy mơ hồ, bó hẹp, định hình diễn biến, quá tập trung vào một góc nhìn.
Văn học thiếu nhi Việt Nam nhìn từ tư duy “ngoại”

"Một câu chuyện cho thiếu nhi cũng giống như một bộ phim. Bạn hãy hình dung nó như khi đón nhận một bộ phim. Tư duy một bộ phim, hẳn chúng ta không còn xa lạ. Tại sao lại không thể tạo sức hấp dẫn cho truyện như phim" - nhà văn Sally Altschuler, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Đan Mạch, người có mối duyên bền chặt với VN đã gợi dẫn như vậy tại hội thảo về sáng tác truyện và tranh truyện giữa các nhà văn, họa sĩ VN và Đan Mạch do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức từ ngày 16/11. Ông cũng đã từng có một nhận xét khiến những người làm sách văn học thiếu nhi phải giật mình khi nói rằng truyện giả tưởng nổi tiếng thế giới đang bành trướng các nhà sách VN, trong khi đó truyện giả tưởng nội địa hoàn toàn vắng bóng.

Thực tế là sách thiếu nhi VN lép vế so với sách thiếu nhi dịch từ nước ngoài. Nguyên nhân do tư duy sáng tác của nhà văn VN quá cũ, cần phải đổi mới toàn diện. Cách mà nhà văn nhanh nhạy và hài hước này liên tưởng giữa một bộ phim với một câu chuyện dành cho thiếu nhi là xuất phát từ mong muốn thay đổi tư duy sáng tác cũ kỹ, mòn sáo, thiếu hấp dẫn của những người sáng tác văn học thiếu nhi VN.

Điểm khác biệt mà chúng ta dễ nhận thấy giữa một câu chuyện cho thiếu nhi của nước ngoài với một câu chuyện thiếu nhi của VN, đó là câu chuyện của nước ngoài luôn có cốt truyện đơn giản, cách dẫn chuyện khách quan hơn, nhưng bao giờ cũng khiến trẻ cảm thấy thú vị và muốn hóa thân thành nhân vật của truyện hơn. Chúng ta cũng không phủ nhận sức hấp dẫn của nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi VN, tuy nhiên không vì thế mà quên mất một điều rằng để đạt tầm kinh điển, văn học thiếu nhi VN còn cả một chặng đường dài phía trước với những đòi hỏi phải được đổi mới về tư duy một cách đồng bộ, hệ thống, cốt lõi.

Một nhược điểm cố hữu của những người làm sách thiếu nhi ở VN chính là lối tư duy mơ hồ, bó hẹp, định hình diễn biến, quá tập trung vào một góc nhìn. Chính tư duy này đã kìm lại sức bay bổng, phá vỡ sự hồn nhiên của câu chuyện. Các tác giả không để cho trí tưởng tượng phóng túng dẫn dắt câu chuyện theo những lộ trình bất ngờ, sinh động, mà thường đặt câu chuyện trên một đường ray mòn sáo và lộ liễu, nặng những ý tưởng đạo đức chính trị theo kiểu ngụ ngôn. Và thế là những câu chuyện trở nên gò bó, khiên cưỡng và giả tạo, không gây được sự hứng thú cho trẻ nhỏ.

Thông qua việc diễn giải những tác phẩm văn học thiếu nhi nước ngoài được trẻ em ưa chuộng, những nhà văn nước ngoài viết cho thiếu nhi đã giúp cho những người tham dự hội thảo thấy được sự cần thiết phải đổi mới cách kể chuyện để tác phẩm dễ bắt nhịp với lối suy nghĩ của trẻ nhỏ. Thay đổi tư duy sáng tạo trước hết là thực hiện những thao tác chính ấy. Có thể coi đó chính là chìa khóa mở cánh cửa dẫn đến những câu chuyện dành cho thiếu nhi thật nhẹ nhõm và thú vị.

Văn học thiếu nhi của VN vẫn đang trên hành trình tìm kiếm một lối tư duy sáng tạo có thể dẫn tới một con đường sáng, gần gũi, thấu hiểu trẻ nhỏ hơn. Các nhà văn nước ngoài tham gia hội thảo đã gợi ra những cách phát triển một câu chuyện dành cho thiếu nhi đã được coi là thành công để các nhà văn VN tham khảo. Đó là cách tạo ra sự phát triển xung đột, đẩy mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm và cuối cùng là giải quyết mâu thuẫn đi tới một kết thúc gợi mở có tính định hướng. Thiết nghĩ, đó là một gợi mở cần thiết trong tình hình của văn học thiếu nhi VN hiện nay.

                                                                                                                    Theo SKĐS













Các bài mới
Các bài đã đăng