Văn nghệ trong nước
Nhân vật Từ Hải trong mắt học giả Nhật Bản
14:27 | 30/11/2010
“Từ Hải và Benkei đều đón nhận một kết cục bi thảm cho cuộc đời, nhưng có một điều mà tôi nhìn thấy trong cái chết của họ là cả hai người đều chết vì sự trung thành với những người họ yêu thương, và họ có thể chết trong tự hào”.
Nhân vật Từ Hải trong mắt học giả Nhật Bản

Kayoko Sato, một giảng viên người Nhật của ĐH California, thành phố Berkeley (Mĩ) đã có sự so sánh thú vị về hai nhân vật văn học của Việt Nam và Nhật Bản. Đó là Từ Hải trong tác phẩm Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du và Musashibo Benkei (thường gọi là Benkei), một nhân vật huyền thoại trong nhiều câu chuyện dân gian của Nhật Bản.

Theo Kayoko Sato, cả Từ Hải và Benkei, dù được đặt trong những bối cảnh văn học khác nhau và có thân phận khác nhau, nhưng đều là những người chiến binh đáng khâm phục và cùng phải đón nhận một kết cục bi thương cho cuộc đời mình, đó là “cái chết đứng”.

Đối với người Việt Nam, Từ Hải là một nhân vật văn học rất thân quen. Hình tượng Từ Hải để lại trong lòng người ấn tượng của một bậc trượng phu khác người, với diện mạo “râu hùm, hàm én, mày ngài, vai năm tấc rộng thân mười thước cao”, thể hiện một con người có sức mạnh vô song và tính cách phóng khoáng, ngang tàng, “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”.

Không chịu luồn cúi triều đình phong kiến, Từ Hải đã dấy binh khởi nghĩa và lập nên một vương quốc bằng tài thao lược “gươm đàn nửa gánh non sông một chèo”. Không thể đánh bại Từ Hải bằng sức mạnh quân sự, Hồ Tôn Hiến, tay sai của triều đình phong kiến chính thống đã dụ dỗ Thúy Kiều, lúc này là vợ Từ Hải, truyết phục ông quy hàng để được triều đình ban thưởng chức tước.

Cái chết đứng của Từ Hải.


Nghe lời Kiều, Từ Hải đã quy hàng. Nhưng tráo trở thay, triều đình nhân cơ hội này đã ra tay giết Từ Hải. Người anh hùng đã chết oan ức trong thế đứng “Trơ như đá, vững như đồng. Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời”. Từ hình ảnh chết đứng của Từ Hải như vậy, trong tiếng Việt xuất hiện thành ngữ “chết đứng như Từ Hải”.

Còn Benkei là một võ sĩ đạo làm việc dưới trướng của nhà quý tộc Minamoto Yoshitsune. Là một nhân vật nổi tiếng trong các câu chuyện dân gian Nhật Bản, ông thường được miêu tả là một người vô cùng mạnh mẽ và dũng cảm, với vóc dáng cao hơn 2m khi ông 17 tuổi.

Benkei để lại danh tiếng của mình ở cầu Gojo thuộc Kyoto, nơi ông hạ gục tất cả các kiếm sĩ muốn đi qua và thu được 999 thanh kiếm. Vào trận chiến thứ 1000, ông đã bị Yoshitsune, con trai của lãnh chúa Minamoto Yoshimoto đánh bại. Từ đây, Benkei trở thành người trung thành với Yoshitsune và ghi được rất nhiều chiến công hiển hách cho chủ của mình.

Trải qua nhiều biến cố, trong một trận chiến với dòng họ kẻ thù, quân đội của Yoshitsune bị bao vây ở lâu đài Koromogawa. Không có cơ hội thắng, Yoshitsune rút về bên trong pháo đài và mổ bụng tự sát. Trong khi đó, Benkei vẫn ngoan cườngchiến đấu trên cây cầu ở trước cổng chính lâu đài để bảo vệ cho Yoshitsune thực hiện nghi thức của mình.

Cái chết đứng của Benkei trong bích họa cổ của Nhật Bản.


Nhiều chiến binh đối phương cố gắng qua cầu đều gục chết trước bàn tay khổng lồ của Benkei. Sau đó, họ sợ và không dám tiến công nữa. Benkei đứng bất động trên cầu, cơ thể đẫm máu và cắm đầy mũi tên. Khi những người lính có đủ can đảm để đến gần, họ nhận ra ông đã chết trong tư thế đứng vững chãi. Cái chết của ông được dân gian gọi là “Cái chết đứng của Benkei”.

Như vậy, có thể thấy giữa Benkei và Từ Hải có rất nhiếu điểm chung, như đều là những chiến binh có vóc dáng cao lớn, khí phách ngang tàng, và đặc biệt là họ đều chết đứng, với cái chết đã trở thành huyền thoại, ghi dấu trong lòng người.

“Cả Benkei và Từ Hải đều đón nhận một kết cục bi thảm cho cuộc đời, nhưng có một điều mà tôi nhìn thấy trong cái chết của họ là cả hai người đều chết vì sự trung thành với những người họ yêu thương, và họ có thể chết trong tự hào”, Kayoko Sato nhận xét.


Dù phải lùi thời gian do lũ lụt ở Hà Tĩnh, các hoạt động kỷ niệm 245 năm sinh (1765-2010) và 190 năm mất (1820-2010) đại thi hào Nguyễn Du đã chính thức diễn ra vào cuối tháng 11/2010, dưới sự tổ chức Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Một buổi lễ kỷ niệm đã diễn ra trong không khí lặng lẽ và đầm ấm tại khu di tích Nguyễn Du ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Tại Nhà lưu niệm Nguyễn Du ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức trao giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Du lần thứ V và vinh danh các nghệ nhân dân gian. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã làm lễ động thổ công trình tu bổ nâng cấp nhà thờ Nguyễn Du, khai trương phòng trưng bày “Những hiện vật, ấn phẩm tiêu biểu về Nguyễn Du và vùng đất Nghi Xuân”…



                                                                                                                         Theo ĐV














Các bài mới
Các bài đã đăng