Cuốn sách được phát triển từ một bài khảo cứu ngắn của GS Đặng Phong đăng trên một tạp chí chuyên ngành từ năm 2002 [1]. Bài khảo cứu đó được ông lên ý tưởng vào khoảng năm 2001, nhân dịp tham dự buổi giới thiệu cuốn sách Histoire de Hanoi của nhà sử học Pháp Philippe Papin. Theo GS Đặng Phong, lịch sử Hà Nội là một vấn đề mênh mông, có bao nhiêu cuốn sách có lẽ cũng không nói hết được. Ông viết trong lời nói đầu cuốn Chuyện Thăng Long - Hà Nội qua một đường phố: “Không có thành phố nào không bắt đầu từ những đường phố. Không có đường phố nào không bắt đầu từ những ngôi nhà... Vậy thì trong cái mênh mông ấy, làm thế nào để hiểu được từng tế bào của nó?”. Cảm giác mông lung ấy đã khiến nhiều người cảm thấy càng nghiên cứu rộng thì có thể càng "xa" Hà Nội. Vậy, để khỏi chơi vơi giữa cái mênh mông ấy, nên chăng “zoom” vào từng đường phố, từng khu chợ, thậm chí một vài ngôi nhà?
Chính từ cái cảm quan ấy, giáo sư và vài người anh em có mặt trong buổi giới thiệu cuốn Histoire de Hanoi năm ấy đã bàn với nhau thử chọn một đường phố nào đó và nghiên cứu thật kỹ, đi men theo nó, không chỉ đi về mặt không gian mà cả về mặt thời gian. Sau đó, cả nhóm đi uống bia ở trước cửa ga Hàng Cỏ, rồi chợt nảy ra ý tưởng “Nếu ta chọn đường Lê Duẩn thì sao?”. Tất cả đều thấy có lý. Cuốn sách về con đường Lê Duẩn bắt đầu như thế. Cuốn sách hoàn thành đầu năm 2010 và được Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đưa vào danh mục ấn phẩm đặc biệt Đường mòn lịch sử và in bằng 2 thứ tiếng, tiếng Việt và tiếng Anh. Theo GS-TS Đỗ Hoài Nam, lúc đó, GS Đặng Phong từng bày tỏ ý định đưa cuốn sách trở thành một công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. “Ngày nay phố Lê Duẩn có một dáng vẻ hết sức bình thường. Con phố rất dài nhưng nó chẳng có những kiến trúc thanh lịch như Tràng Tiền hay cái sôi động buôn bán như Hàng Bạc. Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn, đặc biệt là từ góc độ giao thông đi lại, con phố mang đầy ý nghĩa lịch sử. Vì sao nó lại được đặt tên của nhà lãnh đạo cuộc chiến tranh thống nhất Việt Nam? Tại sao nó được gọi là đường Lê Duẩn mà không phải là phố Lê Duẩn, như tôi đã nói nhầm ở đoạn trên? Bởi, tôi cho rằng, có lẽ con phố này là chặng đường đầu tiên trên con đường lớn xuyên suốt Việt Nam”, PGS Andrew Hardy, trưởng đại diện Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội cho biết. Giáo sư Đặng Phong (1939-2010) là một nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam cận đại và lịch sử kinh tế Việt Nam. Ông qua đời ngày 20/8/2010 vì trọng bệnh. [1] Đặng Phong, ‘Đường Lê Duẩn’, Nghiên cứu Kinh tế, 2002, số 4, tr. 51 và số 5, tr. 34. Theo Hòa Ca - evan |