Thời của phim ngắn!
Ba dự án online liên quan đến phim ngắn cùng chọn năm 2010 làm thời điểm khởi động. Đầu năm là “Hà Nội em yêu anh”, một dự án kêu gọi và tập hợp những ý tưởng làm phim về tình yêu và Hà Nội để thực hiện một chùm phim ngắn về chủ đề này. Tiếp nối, “Sài Gòn anh yêu em” cũng triển khai trên tinh thần tương tự với cảm hứng sáng tác là TP.HCM. Liên hoan phim trực tuyến Yxine Film Fest ra đời sau đó tiếp cận ở hướng ngược lại: Kêu gọi và tập hợp những bộ phim ngắn đã hoàn thành để chiếu online.
Thời gian này cũng là lúc có nhiều dự án điện ảnh hướng tới việc tìm kiếm và hỗ trợ những nhà làm phim trẻ. Có thể kể đến cuộc thi “Lần đầu làm phim - First time film maker” do kênh truyền hình Discovery và hãng Uproad châu Á tổ chức năm 2009 với ý định sản xuất và phát sóng các bộ phim tài liệu của Việt Nam trên kênh này. Hay cuộc thi VietDocs do Viện Geothe phát động mới đây với những phim tài liệu về chủ đề môi trường. Hoặc, dài hơi hơn như dự án điện ảnh Varan Workshop do Ateliers Varan – một tổ chức đào tạo điện ảnh nổi tiếng của Pháp duy trì thường niên từ 5-6 năm nay với việc mở các khóa học ngắn hạn về phim tài liệu.
Trong những năm qua, sự xuất hiện của dự án Đào tạo Biên kịch và Lý luận Phê bình Điện ảnh tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, dự án “10 tháng 10 phim ngắn” của Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Tài năng Điện ảnh TPD… đều dưới sự hỗ trợ của các quỹ Văn hóa nước ngoài góp phần không nhỏ trong việc phát hiện và hỗ trợ những gương mặt làm phim trẻ và thúc đẩy phong trào phim ngắn, vốn trước đó chủ yếu khoanh vùng trong phạm vi phim bài tập, phim tốt nghiệp của sinh viên điện ảnh.
Một số dự án làm phim cộng đồng như chương trình “Chúng ta làm phim” của TPD, cuộc thi “Làm phim 48h” của quốc tế mới đến Việt Nam năm nay, các cuộc thi như LHP ngắn toàn quốc (giải Cánh diều Vàng), LHP ngắn sinh viên (giải ong Vàng), hay cuộc thi “1 phút có trong sự thật” vừa phát động… cũng khiến không khí phim ngắn thêm phần sôi động.
Thời đại giao lưu văn hóa, cơ hội làm phim và giới thiệu phim mở rộng hơn. Những tổ chức văn hóa nước ngoài như Hội đồng Anh, L’Espace, Viện Geothe, Qũy Văn hóa Đan Mạch, Qũy Sida (Thụy Điển), Qũy Ford (Mỹ), Varan (Pháp) với các hoạt động phi lợi nhuận đem đến nhiều cơ may.
Thời đại của kỹ thuật số và internet, điều kiện làm phim và phổ biến phim cũng dễ dàng hơn, với ngay cả những người nghiệp dư. Nhiều bộ phim ngắn của giới trẻ học đường, được thực hiện chỉ bằng những thiết bị đơn giản khi đưa lên mạng đã tạo được sự quan tâm lớn của dư luận.
Thời của người làm phim ngắn?
So với 5 năm trước, phim ngắn từ chỗ xa lạ đã có một vị trí trong đời sống điện ảnh.
Cơ hội được thể hiện và được phát hiện cũng đến với một số người làm phim ngay từ phim ngắn – điều không có ở những thế hệ trước đó. Như đạo diễn Phan Đăng Di được nhìn nhận là tài năng mới (cùng với việc phim ngắn “Khi tôi 20” của anh được chọn tranh giải tại LHP Venice 2008) khi thậm chí còn chưa làm phim đầu tay.
Nhiều bạn trẻ cũng sớm có được tên tuổi và cả sự công nhận cũng như các cơ hội phát triển nghề nghiệp qua những bộ phim ngắn đoạt giải trong nước hay được chọn đi các LHP quốc tế. Như đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp (Mùa thứ 5), Nguyễn Thủy Giang (Bóng rối), Nguyễn Mỹ Dung (Khe hở)…
“Thời của phim ngắn”, theo một cách thú vị còn nhận diện một số gương mặt nhà làm phim hứa hẹn trong tương lai. Những sự xôn xao, trầm trồ đối với “Hộp quẹt bật lửa” của Nguyễn Nhật Duy khi 21 tuổi, những sự lên tiếng bảo vệ đối với “Tôi chỉ cần có thế” của Võ Thạch Thảo khi bị đánh trượt tốt nghiệp ở tuổi 22 và những sự tranh cãi lẫn khích lệ đối với những bộ phim của Chu Trần Minh Đức khi ở lứa tuổi 20… có thể sẽ là những giai thoại người ta nhắc lại khi những gương mặt này thành danh.
Nhưng, ngay trong sự tới thời của phim ngắn, cũng còn nhiều lấn cấn. Trong 3 dự án phim ngắn online nói tới ở trên, ngoài Yxine Film Fest sắp cán đích với lễ trao giải đầu tiên, 2 dự án còn lại dường như đều hoạt động cầm chừng và khó hiện thực hóa đúng dự định. Sự hào hứng và lạc quan của cả người tổ chức lẫn người tham gia thủa đầu khởi động vấp phải thực tế không lãng mạn như tên gọi hay ý tưởng các dự án. Không có tài trợ nên không có đủ tiềm lực để thực hiện kế hoạch, không có tiền hỗ trợ làm phim (hay rộng hơn là không có nhiều quyền lợi) cho những người tham gia thì việc tập hợp tác phẩm của họ trong một sân chơi chung vẫn mang tính chất cuộc chơi nghiệp dư hơn là một dự án chuyên nghiệp.
Việc làm phim (được nhìn nhận là nhà làm phim?) dễ dàng một mặt là cơ hội thuận lợi cho các bạn trẻ nhưng mặt khác cũng tạo ra những quan niệm đơn giản hóa khái niệm này. Cụm từ “nhà làm phim độc lập” được sử dụng hơi bị tràn lan, trong những bài báo hào phóng, trên những diễn đàn trên mạng, và ngay trong chính những thổ lộ của những đạo diễn chưa có phim (truyện dài). Trong khi, với cả những lớp người đã "trầy da tróc vảy" với bao phim, cũng chỉ vài ba cái tên xứng đáng đứng cùng cụm từ này (ở nghĩa đáng nói nhất: độc lập về tinh thần).
“Một cách thông thường thì chúng ta đều phải bắt đầu sự nghiệp làm phim bằng phim ngắn, vì nó vừa sức và không gây cho chúng ta áp lực quá lớn. Hơn nữa, đó là cách chúng ta có thể dễ dàng đi vào cuộc sống bằng những cái rất gần gũi. Cho đến khi làm phim dài thì vấn đề đã khác, căng thẳng về tài chính và rất nhiều thứ khác. Phim ngắn là sự chuẩn bị tâm thế tốt cho những người làm phim và tôi nghĩ là ai cũng bắt đầu bằng phim ngắn cả” – tâm sự của đạo diễn Phan Đăng Di vừa là lời chia sẻ vừa là lời phản tỉnh cho những tiềm năng - phim ngắn trước khát vọng tài năng - phim dài.
Theo VnMedia
|