Văn nghệ trong nước
Chọn Phú Yên làm điểm nhấn
09:36 | 13/12/2010
Nằm trong kế hoạch triển khai Năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ với chủ đề “Du lịch biển, đảo” (năm 2011), từ ngày 3 - 10.12.2010, Tổng cục Du lịch (TCDL) cùng các cơ quan báo chí thông tấn trong nước thực hiện chuyến khảo sát nhằm quảng bá, phát triển các giá trị văn hóa lịch sử tại nhiều tuyến – điểm du lịch của 6 tỉnh, thành phố từ Khánh Hòa đến Đà Nẵng.
Chọn Phú Yên làm điểm nhấn
Hải đăng mũi Đại Lãnh (Phú Yên). Ảnh: T.L
Có là "thiên đường" du lịch biển, đảo?

Với hơn 125 bãi biển lớn nhỏ và 20 bãi biển đạt tiêu chuẩn quốc tế, ngành du lịch biển đã và đang trở thành một chiến lược quan trọng trong việc phát triển kinh tế, tăng thu nhập cũng như giải quyết việc làm cho hàng triệu người dân VN. Trong đó, duyên hải Nam Trung Bộ có lợi thế “đắc địa”, hứa hẹn là một trong những điểm đến lý tưởng với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo.

Trên cung đường dài dày đặc di tích và thắng cảnh tuyệt đẹp, tuyến – điểm du lịch Nam Trung Bộ mang nhiều giá trị về mặt văn hóa, lịch sử, tâm linh và nghỉ dưỡng như: Suối bùn khoáng Tháp Bà (Nha Trang), tàu “không số” Vũng Rô (Phú Yên), Bảo tàng Quang Trung (Bình Định), bệnh xá Đặng Thùy Trâm (Quảng Ngãi), chùa Linh Ứng Bà Nà (Đà Nẵng) v.v... Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng với chất lượng dịch vụ cung ứng còn yếu, cách khai thác khách du lịch chưa thật sự linh hoạt, khiến cho 3 tỉnh Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi đi chậm một “nhịp” so với các vùng lân cận.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường (TCDL), việc lựa chọn Phú Yên làm điểm nhấn Năm du lịch quốc gia 2011 không chỉ nhằm quảng bá, tuyên truyền cho du lịch VN nói chung, mà còn giúp các vùng miền, địa phương nói riêng giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thúc đẩy lượng khách nội vùng và tạo cơ hội xúc tiến đầu tư. Mặc dù duyên hải Nam Trung Bộ hiện vẫn lưu giữ được nhiều bãi biển hoang sơ, môi trường trong lành, nhưng để xứng tầm của một “thiên đường” biển, đảo thì bên cạnh việc nâng cấp đầu tư cơ sở hạ tầng cũng cần phải khai thác thêm giá trị văn hóa bản địa, sinh thái cảnh quan của địa phương nhằm tạo sự khác biệt, nhưng rất tiếc các tỉnh, thành phố vẫn chưa chú tâm nhiều vào điều này.

Cũng thẳng thắn thừa nhận các công tác quảng bá thu hút khách du lịch trong những năm vừa qua ít nhiều hơi “đuối”, đặc biệt đối tượng khách của thị trường phía bắc vẫn còn bỏ “ngỏ”, ông Lê Kim Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - hy vọng thời gian tới Phú Yên sẽ cùng liên kết, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành trong việc đầu tư, bảo tồn và phát huy hiệu quả di sản văn hóa, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế bằng những sản phẩm du lịch biển đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống.

Nâng cao tính cạnh tranh

Việc liên kết vùng là một điều kiện tất yếu nâng cao tính cạnh tranh cũng như đẩy mạnh sự phát triển bền vững của ngành du lịch VN. Ông Trần Vĩnh Bình – Tổng GĐ khách sạn LongBeach - cho biết: Nếu nói đến du lịch biển, đảo thì một trong những phương tiện không nên thiếu là tàu biển. Điều này doanh nghiệp không thể làm được nếu không có những cơ chế, chính sách cụ thể của Nhà nước. Những chiếc tàu biển du lịch liên tuyến từ thành phố này sang thành phố khác, tỉnh này sang tỉnh khác, cũng là phương tiện vừa có giá thành rẻ vừa có thể bổ sung hỗ trợ hiệu quả cho tuyến đường bộ, tàu lửa và máy bay khi gặp khó khăn.

Cùng tiềm năng du lịch và việc liền kề về mặt địa lý, sự liên kết du lịch biển, đảo này sẽ giúp 6 tỉnh, thành phố (Nha Trang, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam và Đà Nẵng) tạo nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, lôi cuốn du khách. Có thể xây dựng một số tour “độc” như “Du khách cùng ngư dân làm ruộng, đánh bắt cá”, “Lắc thúng trai tham quan rừng dừa bảy mẫu Cẩm Thanh” do anh Trần Văn Khoa - GĐ Cty lữ hành Hội An Ecor – tour - nghĩ ý tưởng và thực hiện không chỉ gây thích thú, mà còn giúp du khách hiểu thêm về văn hóa đặc trưng của mỗi vùng miền VN. Ngoài việc nghĩ ra ý tưởng độc đáo, đa phần những người “kinh doanh” du lịch biển như anh Trần Văn Khoa phải đối mặt với việc “đạo” ý tưởng của các công ty cạnh tranh khác. Sự thiếu hiểu biết về Luật Sở hữu trí tuệ, không đăng ký bản quyền kịp thời dẫn đến các doanh nghiệp giẫm đạp chồng chéo hoặc bê nguyên xi ý tưởng trong phương thức tổ chức tour, tuyến du lịch biển.

Thêm một điều rất đáng lưu tâm nữa đó là chất lượng lao động trong lĩnh vực du lịch, trình độ thuyết minh viên còn thiếu và kém, hầu hết chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ. Công tác bảo vệ môi trường trong du lịch cũng như ý thức của người dân chưa cao...

Rõ ràng nếu muốn du lịch VN phát triển bền vững cần tập trung đầu tư, nghiên cứu và xây dựng các loại hình sản phẩm, dịch vụ phù hợp cũng như khai thác có hiệu quả kinh tế du lịch tại các vùng có nhiều di sản văn hóa. Theo đó, đào tạo đội ngũ cán bộ du lịch tinh thông và đặc biệt tăng cường tuyên truyền quảng bá để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Đây là những điều kiện tiên quyết giúp du lịch VN tăng trưởng.

Theo Mai Châu - LĐ






Các bài mới
Các bài đã đăng