Có lẽ đây là một trong những gia đình văn hóa, trí thức trung lưu đặc trưng, nảy mực cho Hà Nội trước những năm 1970 chăng? Nhỏ nhẹ, lịch sự, tinh tế, trung dung không thái quá, không “xuất chúng” hay hăng hái “cầm cờ tiên phong”. Con cái vẫn còn cái vẻ êm đềm “trướng rủ màn che” xưa cũ, nhưng cũng có háo hức sự mới mẻ mà từ tốn, khoan thai và giỏi thích ứng với hoàn cảnh biến thiên. Đủ nghị lực để nhẹ nhàng, mềm mỏng ứng thế. Có khát khao hướng thượng nhưng không ồn ã xô bồ. Không hiểu sao, có quá gán ghép không khi tôi cảm thấy tranh của Trịnh Thị Nhã rất “giống” phố Quán Thánh ngày xưa và những người “tiểu tư sản” của phố thị này. Vẻ nền nã, nhu mì của những bông hoa, cánh hoa, nhụy hoa, mẹt hoa, bình hoa... là thành thật chứ không làm cảnh hay đóng vai. Vẻ đài các nơi các đại sứ nhỏ xinh ấy của thiên nhiên le lói trong tranh cũng là tâm tính hằng ngày của người đi về trên hè phố mà thôi. Tôi thích những bức tĩnh vật không có bình lọ, bàn ghế, phông sau nền trước hơn. Hoa không ở đâu cụ thể cả, vì hương hoa lan tỏa âm thầm và số phận hoa cũng nổi trôi như bèo trên sóng cả. Những trái cây nhân hậu. Đúng là nhân hậu là tính của trái cây. Đó là bất ngờ nữ họa sĩ mang lại cho ta qua những quả na, quả vú sữa... quả Bắc, quả Nam, quả thời trân 4 mùa ngoài chợ và trong nhà. Trẻ sẽ chân sáo nhảy vui khi được cho quà. Già sẽ mát lòng thấy cháu con hiếu thảo. Chồng sẽ cảm động, ngảnh đi mà chẳng nói gì. Bạn bè, hàng xóm sẽ từ tốn nhâm nhi đôi lời tâm sự chẳng có gì là quan trọng to tát. Có cái gì rất êm đềm, mộc mạc một cách tế nhị, có khi diêm dúa (ai cấm!) nữa trong tranh. Trịnh Thị Nhã vẽ để tâm tình và đấy cũng là một trong những sứ mạng bất biến của hội họa, dù nó có hiện đại, hậu hiện đại hay “tối tân” đến đâu. Theo Nguyễn Quân - LĐ |