Văn nghệ trong nước
Đêm nhạc Dvorak
10:46 | 20/12/2010
Trong hai đêm 16 và 17.12, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra “Đêm nhạc Dvorak” do Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia VN thực hiện dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng Nhật Bản Honna Tetsuji.
Đêm nhạc Dvorak
Nhưng linh hồn của đêm nhạc lại là nghệ sĩ cello Ngô Hoàng Quân – GĐ dàn nhạc - với concerto viết cho cello và dàn nhạc của Dvorak (ảnh).

Dvorak (1841 – 1904) là nhà soạn nhạc người Czech thuộc trường phái lãng mạn, có năng khiếu và được học nhạc rất sớm. Ngoài 20 tuổi, Dvorak đã nổi tiếng là một nhà soạn nhạc nổi tiếng, khai thác thành công chất liệu dân ca Moravia và Bohemia. Dvorak có 3 năm (1892 – 1895) làm giám đốc Nhạc viện Quốc gia Mỹ tại New York. Bản concerto viết cho cello và dàn nhạc cung si thứ được Dvorak viết trong chính những năm tháng ly hương, cư trú tại New York. Tác phẩm ông viết dành tặng cho nghệ sĩ cello Hanus Wiham.

Ngô Hoàng Quân là một nghệ sĩ có tư chất đặc biệt với cây đàn cello. Anh là người kế vị xuất sắc người cha - nhạc sĩ Hoàng Dương và người thầy - nghệ sĩ ưu tú Bùi Gia Tường, trong lịch sử cello ở VN. Cùng sang học Nhạc viện Tchaikovsky với Đặng Thái Sơn, Ngô Hoàng Quân cũng nhận được sự hướng dẫn của GS S.Kalijanov (vốn là trợ lý của nghệ sĩ M.Rostropovitch huyền thoại). Về nước, Ngô Hoàng Quân trở thành nghệ sĩ độc tấu và bè trưởng bè cello của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia VN từ năm 1982. Ngô Hoàng Quân đã tham gia nhiều cuộc thi âm nhạc thế giới và nhiều cuộc trình diễn ở nước ngoài.

Ngay sau phần mở đầu của dàn nhạc, Ngô Hoàng Quân đã thu hút người nghe bằng tiếng cello mở ra một chiều sâu của anh. Âm nhạc Dvorak với cá tính mạnh mẽ, đậm chất Bohemia đã lập tức tràn đầy nỗi niềm phiêu du của những con người sinh ra là để ca hát và nhảy múa. Những giai điệu Dvorak quyến rũ, có lúc xao xuyến đến mê hồn đã được Ngô Hoàng Quân thể hiện trên những cung bậc lướt rộng theo cần đàn với những ngón kỹ thuật linh diệu như buộc người nghe phải rung động cùng.

Cảm xúc cứ dâng lên trong chương nối tiếp. Giữa tiếng sôi trào của dàn nhạc, tiếng cello luồn vào trong tâm tưởng ta những thổn thức dịu ngọt, êm ả được diễn tả qua điệu thức sol trưởng. Ở đây, kể cả khi độc tấu cũng như khi chơi cùng dàn nhạc, tác phẩm Dvorak đều dành cho cello một miền thể hiện mênh mang ngỡ không giới hạn.

Người mến mộ âm nhạc VN đều từng biết đến Dvorak qua giao hưởng “Thế giới mới” (New world) và nhiều tác phẩm quen thuộc khác, nhưng rất nhiều người lần đầu tiên mới được thưởng thức concerto viết cho cello và dàn nhạc cung si thứ trong “Đêm nhạc Dvorak” này. Nghệ sĩ – GĐ Ngô Hoàng Quân bằng tài năng của mình, đã truyền đến người nghe nỗi ly hương bập bùng ánh lửa.

“Đêm nhạc Dvorak” còn tiếp tục được vang lên bởi "Giao hưởng số 8 cung sol trưởng" của ông. Đây là một giao hưởng khá đặc biệt, chỉ được viết trong vòng hai tháng rưỡi vào cuối năm 1889. "Giao hưởng số 8" của Dvorak được đánh giá cùng tầm vóc như những giao hưởng của G.Maler. Cùng với bản giao hưởng cuối cùng, hai tác phẩm này được nhận định là đỉnh cao trong sự nghiệp viết giao hưởng của Dvorak và là hai trong số những tác phẩm giao hưởng hay nhất thế kỷ 19. Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia VN đã trình diễn tác phẩm thật tưng bừng. Càng về cuối, âm nhạc Dvorak càng rực sáng.

Theo Nguyễn Thụy Kha - LĐ




Các bài mới
Các bài đã đăng