Văn nghệ trong nước
Live Show cải lương 1,5 triệu đồng/vé: Tiếc tiền!
15:35 | 20/12/2010
Lại thêm một năm vui ít buồn nhiều của sân khấu cải lương (và năm sau có vẻ… tệ hơn năm trước) nên việc nghệ sĩ Vũ Luân tổ chức live show Tằm mãi vương tơ tại Nhà hát TP.HCM vào tối 18/12 được trông chờ sẽ khuấy động không khí sàn diễn cải lương dịp giáp Tết, hay chí ít cũng là một cú đột phá của riêng Vũ Luân về nghề.
Live Show cải lương 1,5 triệu đồng/vé: Tiếc tiền!
Vũ Luân trong trích đoạn "Châu Du đại chiến ngũ hổ tướng"
1. Thế nhưng những gì đọng lại sau đêm diễn có lẽ là những sự cố đáng tiếc cùng cái giá... trên trời của một chương trình cải lương: 1,5 triệu đồng/ vé VIP, còn lại các vé giá 1 triệu, 800 ngàn và 500 ngàn đồng, vé trên lầu 300 ngàn và 200 ngàn đồng (trước đó live show của nghệ sĩ Kim Tử Long bị phàn nàn là giá vé quá cao cũng chỉ dừng lại ở 500.000 đồng/vé VIP). Nghệ sĩ Vũ Luân cho biết: “Tôi muốn làm một chương trình kỷ niệm với nghề cũng là nhân sinh nhật thật đàng hoàng. Bình thường làm một album cũng đã 300 triệu đồng rồi, vậy thì đầu tư thêm tổ chức live show biểu diễn vừa thu đĩa phát hành sẽ tiện hơn”.

Việc đầu tư khá “nặng tay” cùng với chọn điểm diễn sang trọng là Nhà hát TP.HCM với giá thuê khá cao mà số ghế lại hạn chế (chỉ khoảng 450 ghế) nên giá vé cũng tăng vọt. Vũ Luân cho biết 5 hàng ghế VIP đầu (khoảng hơn 100 ghế) được bán hết rất nhanh nhờ bạn bè ủng hộ, có “đại gia” bỏ cả chục triệu mua vé nhưng không đi xem được vì “kẹt” trận bán kết lượt về AFF Cup Việt Nam - Malaysia (!).

Mặc dù giá vé “chóng mặt”, nhất là với khán giả cải lương, nhưng khán phòng Nhà hát TP.HCM đêm 18/12 đã đầy người chứng tỏ được sức hút bền bỉ của Vũ Luân trên sân khấu cải lương hơn 10 năm nay.

Khoảng 9h15 chương trình mới được mở màn, trễ hơn 45 phút so với dự kiến, vì trục trặc kỹ thuật. Màn hình LED nhằm tạo dựng bối cảnh, tạo hiệu ứng cho sân khấu bị... sọc dưa. Bộ phận kỹ thuật phải loay hoay mãi màn hình mới hoạt động được hết phần 1 của chương trình. Sang phần 2, lại tiếp tục gặp trục trặc và đành phải tắt luôn màn hình LED mặc dù Vũ Luân đã bỏ nhiều công sức đầu tư cho phần hiệu ứng hình ảnh sẽ chiếu trên màn hình LED (bỏ tiền lên tận Đà Lạt, đến mộ Hàn Mặc Tử để quay clip cho trích đoạn này). Hỏi ra thì được biết ê-kíp làm chương trình chưa kịp chạy thử màn hình LED vì không có thời gian. Đến tận sáng 18/12, Nhà hát TP.HCM mới cho phép mọi người vận chuyển thiết bị, đạo cụ, cảnh trí... vào chuẩn bị cho chương trình. Bộ phận kỹ thuật đã chạy hết công suất đến tận 7h tối, màn hình LED mới được lắp ghép xong về cơ bản.  

2. Sự cố này không làm giảm nhiệt tình của người hâm mộ dành cho chương trình nhưng có vẻ đã ảnh hưởng đến tâm lý của nhân vật chính của chương trình là nghệ sĩ Vũ Luân khi anh có phần bị phân tâm trong các tiết mục biểu diễn. Và những sự cố nho nhỏ khác lại tiếp tục xuất hiện: lông trĩ bị gãy, đầu thụ bị vướng, quên tuồng...

Xét cả tổng thể chương trình thì có thể nói đây là một bước lùi so với những live show trước đây của chính Vũ Luân. Có lẽ quá nghiêng về một chương trình kỷ niệm cho mình nên Vũ Luân hình như chủ yếu làm những gì mình thích chứ không chú trọng đáp ứng điều khán giả cần khi phần đầu chương trình anh chỉ toàn hát tân nhạc. Rất nhiều khán giả đã tỏ ra khó chịu và phàn nàn về phần 1 chương trình vì họ đến đây để xem cải lương chứ không phải nghe ca nhạc.

Điểm sáng duy nhất của chương trình là trích đoạn Châu Du đại chiến ngũ hổ tướng với sự tham gia biểu diễn của nhiều thành viên trong “gia đình tuồng cổ” Minh Tơ: nghệ sĩ Trường Sơn, Thanh Sơn, Chí Bảo, Tú Sương... Vốn quen thuộc với hình tượng kép văn hào hoa phong nhã, trước đây, Vũ Luân đã tự làm mới mình với nhân vật võ tướng Từ Hải Thọ. Lần này cũng vậy, Châu Du thật sự là một thử thách cho Vũ Luân với vũ đạo rất dày và nặng. Vũ Luân đã luyện tập rất nhiều để có thể vào vai Châu Du chỉ tiếc là do đuối sức nên phần vũ đạo của anh không được như mong muốn. Và có lẽ đây là tiết mục duy nhất trong chương trình khán giả có thể thưởng thức trọn vẹn giọng hát của Vũ Luân và các nghệ sĩ (!?).

Nếu đánh giá về chương trình có thể gói gọn trong một chữ “tiếc” - tiếc cho một live show có thể sẽ hay hơn rất nhiều nếu làm đúng cách và dĩ nhiên là tiếc... tiền nữa.

Theo Ninh Lộc - TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng