Hoạt động cầm chừng Giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2002, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông chủ trương đầu tư xây dựng các điểm bưu điện văn hoá xã (BĐVHX) trong toàn quốc, với mục đích nâng cao đời sống tinh thần cho người dân ở cơ sở. Qua cập nhật các thông tin tại các điểm BĐVHX giúp người dân làm quen với các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, góp phần xoá đói, giảm nghèo. Ban đầu, mỗi điểm BĐVHX được xây dựng với kinh phí khoảng 55 triệu đồng và 1,2 triệu đồng tiền trang bị sách báo. Doanh thu ban đầu của các điểm BĐVHX có lãi, giải quyết tốt việc làm và nâng cao thu nhập cho NLĐ. Tuy nhiên, qua kết quả khảo sát mới nhất của ngành bưu chính tỉnh Kon Tum cho thấy, toàn tỉnh có đến 65/70 điểm BĐVHX - chiếm tỉ lệ trên 90% hoạt động cầm chừng. Qua gần 10 năm đưa vào sử dụng, hầu hết các điểm BĐVHX này xuống cấp, nhưng ngành chức năng không có nguồn kinh phí sửa chữa. Chủng loại sách, báo tại các điểm BĐVHX cũ kỹ và không theo kịp với xu thế phát triển, nguồn kinh phí đầu tư mua sách báo hằng năm ở mỗi điểm BĐVHX chỉ vẻn vẹn 500.000 đồng. Kinh doanh không có lãi nên đời sống của NLĐ gặp khó khăn; bình quân mức thu nhập hằng tháng của mỗi nhân viên BĐVHX khoảng 650.000 đồng. Để bảo đảm cuộc sống, nhiều người phải chạy đôn chạy đáo phát bưu phẩm, bán card điện thoại di động, cho thuê bao Internet...., nhưng thu nhập hằng tháng cũng chỉ trên 700.000 đồng. Chị Lê Thị Huyền - nhân viên điểm BĐVHX Ngọc Réo, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum - than vãn: “Mức thu nhập hiện nay của nhân viên quá thấp. Thu nhập không đủ để nuôi sống bản thân, không giúp gì được cho gia đình, nhiều lúc muốn buông xuôi”. Giải thích về tình cảnh bi đát này, chị Huyền cho biết: “Từ năm 2006 đến nay, mạng lưới ĐTDĐ phát triển mạnh nên không còn người sử dụng dịch vụ viễn thông. Do vậy, hoạt động của điểm BĐVHX chẳng còn gì cả, ngoài việc đưa thư báo cho các cơ quan, công sở”. Cần tiếp sức Ngành bưu chính viễn thông đang loay hoay tìm giải pháp kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực như bán bảo hiểm, bán các sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân vùng xa; song giải pháp này chỉ là bài toán tạm thời, vì kinh doanh các mặt hàng thiết yếu tại các điểm BĐVHX sẽ không đạt được lợi thế so với các cửa hàng thương mại. Ông Nguyễn Hữu Đông - Giám đốc Bưu điện tỉnh Kon Tum - cho rằng: “Các điểm BĐVHX đã được xây dựng gần 10 năm nay, hầu hết đã xuống cấp nhưng không có kinh phí để sửa chữa. Mạng lưới viễn thông đã phủ sóng đến tận vùng sâu, nên người dân không đến sử dụng dịch vụ điện thoại tại điểm BĐVHX, dẫn đến đời sống nhân viên gặp khó khăn. Sách báo tại các điểm này người dân cũng không đến đọc, dẫn đến hư hỏng”. Ông Nguyễn Hữu Đông đề nghị: “Nhằm góp phần nâng cao đời sống cho nhân viên làm việc tại các điểm BĐVHX, đề nghị các ngành chức năng hỗ trợ một phần kinh phí hoặc đưa điểm BĐVHX vào phục vụ chương trình 134; tạo điều kiện thuận lợi cho các điểm BĐVHX hoạt động như một thiết chế văn hoá ở cơ sở để phát huy hiệu quả hoạt động, tránh lãng phí”. Trên địa bàn tỉnh Kon Tum thiếu các điểm sinh hoạt văn hóa, nhiều nơi người dân sử dụng nhà rông, lớp mẫu giáo... dùng để hội họp; trong khi đó, BĐVHX phát huy hiệu quả sử dụng kém. Do vậy, các ngành chức năng nên tận dụng các điểm BĐVHX làm nơi sinh hoạt cộng đồng, đưa các nơi này trở thành nơi cung cấp thông tin qua mạng Internet, tài liệu hướng dẫn các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người dân chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi cây trồng... Khi nào BĐVHX góp phần tích cực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng sâu, vùng xa thì lúc đó nó mới tồn tại đúng nghĩa. Theo M.Toàn - LĐ |