Trở về từ Hàn Quốc, họa sĩ Nguyễn Thành Chương - Ủy viên BCH Hội Mỹ thuật VN, đơn vị phối hợp thực hiện triển lãm này, cho biết: - Thoạt đầu phía Hàn Quốc đặt vấn đề nhờ tôi tuyển chọn tranh, tôi không muốn làm đơn lẻ, bèn chuyển dự án sang Hội Mỹ thuật VN. Hội có bộ sưu tập, lại có nhân lực chuyên môn để phối hợp thực hiện. Tranh được mượn từ Bảo tàng Mỹ thuật VN (9 bức), Hội Mỹ thuật VN chọn 29 bức từ 500 tranh, còn lại là do phía bạn lựa chọn tác phẩm. * Được biết, triển lãm này là sự kiện lớn trong đời sống nghệ thuật Hàn Quốc. Tại sao, thưa ông? - Vì từ trước đến nay, chỉ các cá nhân họa sĩ sang triển lãm tại các phòng tranh, gallery. Đây là lần đầu tiên, hội họa VN được giới thiệu một cách hệ thống, bề thế tại bảo tàng quốc gia của nước bạn. Theo giám tuyển (curator) Kim Hee Rang: “Triển lãm này mang mục đích “khép lại quá khứ và hướng tới tương lai”. Những ám ảnh chiến tranh vẫn còn, chỉ sự sẻ chia qua nghệ thuật có thể kết nối mọi người gần nhau. Hàn Quốc là nhà đầu tư số 1 tại VN với trên 2.000 công ty và hiện có gần 35.000 gia đình chồng Hàn vợ Việt cùng 5 vạn lao động VN tại Hàn Quốc”. Trong khi đó, lại rất ít các triển lãm, phim âm nhạc VN tại đất nước con rồng châu Á này. Hy vọng sự kiện này mở ra thêm một hướng phát triển mới cho nghệ thuật VN, khi “xuất khẩu” quốc tế. * Danh sách 39 tác giả không thấy tên của các “tứ trụ” mỹ thuật Việt Nam. Ông có thể giới thiệu về triển lãm này? - Việc chọn tranh cho triển lãm theo các chủ đề. Thứ nhất là chủ đề Phong cảnh và truyền thống: chọn tác phẩm của 14 họa sĩ tiêu biểu của thời kỳ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương: Tạ Thúc Bình, Nguyễn Văn Tỵ, Ngô Mạnh Quỳnh, Ngô Minh Cầu, Thái Hà, tới Nguyễn Trịnh Thái, Trần Khánh Chương. Chủ đề Chiến tranh và đau thương: chọn tranh của 15 họa sĩ thời chống Mỹ của Lê Thanh Đức, Ái Thi, Phạm Mùi, Đoàn Hồng. Còn chủ đề Lớp kế cận hiện đại thì gồm tác phẩm của 11 họa sĩ: Đinh Quân, Đỗ Hoàng Tường, Lê Thánh Thư, Đỗ Thúy Hằng (vợ họa sĩ Đặng Xuân Hòa)... Không thể có tranh của các danh họa Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng... vì các kiệt tác này rất khó mượn đem ra khỏi VN bởi tiền bảo hiểm cực cao mà phía bạn khó “gánh” được, ấy là chưa kể độ an toàn trong bảo quản tranh khi triển lãm kéo dài gần 2 tháng. Riêng tôi, phía Hàn Quốc muốn có 2 tác phẩm do tôi chọn. Tôi đưa đi 2 bức sơn mài Đàn ông và đàn bà, Hạnh phúc tham gia chủ đề 3. Trên nguyên tắc việc “xuất khẩu” này chỉ về tinh thần, không được bán và không thể bán, dù có khách hàng trả giá cao đến mấy. * Cảm ơn ông. Theo Vi Li - TT&VH |