Đạo diễn Cổ Trường Sinh (bìa trái) và hai vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - Lê Giang (giữa) trên cầu Hiền Lương trong chuyến làm phim - Ảnh tư liệu của Lê Giang
|
Sau khi gấp lại trang cuối cùng của công trình biên soạn ngót 1.500 trang, nhà thơ Lê Giang không ngờ một trục trặc ở khâu xuất bản đã khiến bộ sách không ra mắt kịp vào năm 2008 như dự kiến, nhưng lại mở ra cho bà và người bạn đời - nhạc sĩ Lư Nhất Vũ một chương trình khác: đi suốt từ Nam chí Bắc để... làm phim.
Còn nhớ tôi sao?
Nhà thơ Lê Giang vừa lần giở các tập ảnh tư liệu hình thành sau chuyến đi làm phim, vừa kể. "Xúc động nhất là có những nhạc sĩ già, từ sau ngày giải phóng sống lặng lẽ nơi quê hương miền Trung, miền Bắc, khi gặp chúng tôi đến hỏi chuyện, quay phim, kể chuyện ngày xưa đi kháng chiến và sáng tác, nhiều người ngạc nhiên, cứ hỏi "Ủa, bao lâu nay mà mọi người vẫn nhớ tôi sao?" thật hết sức chí tình. Và đó cũng chính là "đường dây" để dẫn công chúng vào phim".
Mỗi ca khúc ra đời đều mang dấu ấn của bối cảnh thời cuộc, hoàn cảnh của tác giả... Ðối với những ca khúc vượt thời gian, gây tiếng vang và sống lừng lẫy qua một thời lửa đạn cho đến tận hôm nay, tự thân nó chứa đựng nhiều câu chuyện thật hay.
Công chúng bấy lâu yêu thích bài hát Vàm Cỏ Ðông, nhưng sự ra đời của ca khúc ấy, cùng những dụng ý dụng công mô phỏng điệu thức nhạc tài tử Nam bộ cho gần gũi với nhân dân ra sao... thì phải nghe tâm sự của nhạc sĩ Trương Quang Lục.
Hay như tâm sự của nhạc sĩ Văn Ký - người gắn bó với dòng nhạc cách mạng từ thời kháng Pháp với một gia tài đồ sộ những ca khúc ấn tượng: Bài ca hi vọng (1958), Tây nguyên bất khuất (giải nhất ca khúc 1959-1960), Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi (1967), Nha Trang mùa thu lại về (1978), Hà Nội mùa xuân (1979), Trời Hà Nội xanh (1983)...
Trong bộ phim này, kỷ niệm về cái lần Văn Ký đạp xe trên đường làng nghe loa phóng thanh phát câu chuyện những người chiến sĩ hát Bài ca hi vọng trong nhà tù cũng được ông kể lại thật xúc động: "Tôi phải dừng xe lại rồi ngồi ở cái đường bờ ruộng ấy một lúc vì xúc động quá... Bởi vì tôi không nghĩ bài hát của mình lại được hát dưới đòn roi tra tấn, gông cùm của đế quốc...".
Những dư vị sống mãi
Ðiều khiến nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ phấn khởi nhất là chuyến đi làm phim đã giúp hai ông bà sưu tập thêm một bộ tư liệu dọc tuyến gặp gỡ đất và người. Ðó là phút giây tần ngần bên ngôi mộ nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn - tác giả bài Nam bộ kháng chiến vang dội một thời và vẫn còn vang mãi đến hôm nay.
"Ngôi mộ Tạ Thanh Sơn ở Vĩnh Long lúc tụi tôi đến hoa tigôn nở rực, đẹp lắm, nhưng chính quyền địa phương ít ai hay đây là chỗ yên nghỉ của một nhạc sĩ tài ba".
Rồi phút giây gặp lại cả gia đình nhạc sĩ quá cố Nguyễn Hữu Trí với vợ, con dâu, cháu đang sống tận Bạc Liêu. Người thân và hậu duệ của người nhạc sĩ Tiểu đoàn 307 mừng mừng tủi tủi gặp những đồng nghiệp với ông ngày xưa tìm về chỉ để ghi nhận những hình ảnh, những ký ức, những hơi hướm của ông còn đọng lại ở người thân trên đất quê ông.
Ðoàn làm phim cũng vất vả để hẹn và thuyết phục nhạc sĩ Phan Nhân kể về duyên cớ ra đời bài Hà Nội niềm tin và hi vọng - một câu chuyện ấn tượng, bắt đầu từ trận Mỹ ném bom xuống Hà Nội vào đêm 18-12-1972, nhạc sĩ Phan Nhân đã "tự ý vọt lên sân thượng, đáng lý có báo động thì phải vào hầm trú ẩn, chứ còn cái chỗ kia không phải của mình... nhiều khi bị thương còn bị kỷ luật nữa. Tại vì tính của mình thích được mắt thấy tai nghe những gì mình cho là quan trọng, mà chính vì mục kích được trận chiến hào hùng của quân dân Hà Nội đánh trả B52 của Mỹ tác động thôi thúc mình viết và suy nghĩ...".
Một trong những điểm đáng chú ý của bộ phim chính là dư vị của những câu chuyện về đời sống của các ca khúc, vốn được giữ kín theo tâm sự của tác giả - người trong cuộc - nếu không có cuộc "lật xới" của những người làm phim này.
Với câu chuyện "ra mắt" bài hát Tiếng đàn ta lư, nhạc sĩ Huy Thục kể một câu chuyện thú vị: "Hát hết khúc 1 - Mừng thắng trận quê em - thì Bác Hồ đứng dậy. Bác bảo: "Dừng lại". Lúc đó rất sợ vì cấp trên đã gợi ý sửa nhưng không sửa, hôm nay lại trình diễn cho Bác thì Bác bảo dừng lại.
Bác hỏi: "Chú nhạc sĩ sáng tác bài nhạc này ở đâu, có mặt ở đây không?". Tôi ra báo cáo Bác: "Cháu có mặt". Bác hỏi: "Chú hiểu gì về người dân tộc Vân Kiều?". "Thưa Bác, người Vân Kiều sống rất khổ, họ đi theo cách mạng, không có họ nên lấy họ Hồ: Hồ Kơpa, Hồ Pan, Hồ Pợt... Người Vân Kiều đánh đàn ta lư trước ngực và sau lưng họ gùi gạo, gùi đạn, gùi xăng nhưng cháu để ý đói thì họ uống nước suối ăn rau rừng, củ sắn chứ không lấy một hạt gạo nào của cách mạng".
Khi tôi nói tới đây Bác quay lại các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Ðồng, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Tố Hữu, Bác bảo: Ðấy, chúng ta phải học tập người Vân Kiều, dù phải uống nước suối, ăn rau rừng, họ không tơ hào đến một hạt gạo của cách mạng".
Mọi người vỗ tay và Bác quay lại nói: "Cháu cho biểu diễn đi".
Những dư vị ấy sẽ làm cho câu chuyện của những người viết nhạc sống mãi theo từng trang sử nước nhà.
* “Bởi chiến thắng đã lùi xa hơn 30 năm, nhìn lại dòng nhạc cách mạng thấy đúng là thời ấy mọi người như cùng chung nhau một lời nguyền quyết giành chiến thắng cho dân tộc. Chúng tôi chọn tên phim là vì vậy. Tôi nghĩ mình đã bắt nhịp được cảm xúc của các nhạc sĩ, của người sưu tập tư liệu là nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ.
Khi làm phim, chính từng nhân vật truyền cho tôi cái nhịp máu lửa một thời của họ, tôi cảm nhận chính chất máu lửa của nhạc sĩ Phan Nhân lúc quyết định mục kích trận bom B52 trên bầu trời Hà Nội mới giúp ông mạnh dạn viết “chân ta bước lòng ung dung tự hào” trong ca khúc bất hủ của ông.
Đạo diễn CỔ TRƯỜNG SINH
* Phim làm với kinh phí của Đài truyền hình TP.HCM, biên kịch: Tô Hoàng, đạo diễn: Cổ Trường Sinh, cố vấn: Lê Giang, Lư Nhất Vũ. Dự kiến phát trên HTV9 lúc 7g25-7g45 từ ngày 5-2 (mồng 3 Tết Tân Mão) đến 8-2.
* Tiếp theo Lời nguyền chiến thắng là phần 2 có tên Đáp lời sông núi gồm ba tập, dành riêng để nói về các nhạc sĩ vùng đồng bằng sông Cửu Long, sẽ phát trong năm 2011.
|
Theo TT
|