Văn nghệ trong nước
Tổ chức và quản lý lễ hội năm 2011 an toàn, tiết kiệm và văn hóa
09:18 | 14/01/2011
Ngày tết đến gần, cả nước lại chuẩn bị bước vào mùa lễ hội sôi động. Rút kinh nghiệm những năm trước, công tác tổ chức, quản lý lễ hội cũng đang được chuẩn bị gấp rút.
Tổ chức và quản lý lễ hội năm 2011 an toàn, tiết kiệm và văn hóa
Khai hội chùa Hương
Siết chặt quản lý an ninh trật tự

Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL cho biết, ngay từ bây giờ, nhiều đoàn công tác đặc biệt do bộ tổ chức đã về các địa phương nơi có nhiều lễ hội quy mô lớn, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân như Phủ Giầy (Nam Định), Chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh), Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)… để phối hợp với địa phương trong công tác tổ chức, quản lý lễ hội.

Rút kinh nghiệm từ thảm họa tại lễ hội ở Campuchia xảy ra cách đây không lâu, một trong những vấn đề trọng tâm được đặt ra đối với mỗi địa phương nơi có các lễ hội lớn là vấn đề an ninh trật tự. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách được siết chặt. Tại địa phương, các phương án tổ chức, đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông, đón tiếp khách, bãi đậu xe và trông giữ xe… đều được xây dựng chi tiết, cụ thể. Năm nay, Ban Tổ chức lễ hội Yên Tử, Đền Hùng sẽ trang bị thẻ, áo cho thợ chụp ảnh để quản lý, đồng thời cũng nhận thêm trách nhiệm hỗ trợ công tác an ninh.

Đối với lễ hội Chùa Hương, nơi thường xảy ra những vấn đề “nóng” như tắc đường, tắc đò hay tắc cáp treo… vào những ngày cao điểm, năm nay  ban tổ chức lễ hội đã xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự chi tiết. Trong đó, huy động lực lượng tham gia giữ gìn trật tự lên tới 500 người, đồng thời bố trí, phân luồng giao thông từ xa, nhằm điều tiết lượng khách vào khu vực lễ chùa trong những ngày cao điểm. Tại khu vực bến Trù, lòng suối được nạo vét, khơi rộng, tạo thêm một bến đợi mới trên dòng suối Yến. Đối với khu vực động Hương Tích, năm nay, sẽ chia luồng đường lên, xuống riêng biệt, tạo lối thoát, tránh hiện tượng ùn tắc kéo dài ở khu vực của động như đã xảy ra tại nhiều mùa lễ hội trước. Cùng với việc tuyên truyền ý thức cho người dân địa phương, nhiều quy định nhằm đảm bảo an ninh, trật tự suốt mùa lễ hội cũng đã được phổ biến rộng rãi như mọi đò đều được kiểm tra chất lượng, đánh số; người chèo đò phải mặc áo có đeo phù hiệu và đặc biệt nghiêm cấm đò máy động cơ tự chế, xuồng máy chở khách và hàng hóa trên các tuyến suối trong khu vực lễ hội.

Lấn cấn phát ấn Đền Trần

Vài năm trở lại đây, chuyện đốt vàng mã và sự hỗn loạn trong ngày phát ấn Đền Trần (Nam Định) đã vượt quá mức chịu đựng của người tham gia lễ hội, các nhà quản lý. Theo thống kê, chỉ tính riêng tối 14 tháng giêng - đêm khai ấn, hàng vạn người đã đổ về Khu di tích Đền Trần, xin ấn, cầu bổng lộc, công danh. Một lượng lớn du khách đổ về đồng nghĩa với một lượng lớn xe cộ gây nên cảnh ùn tắc giao thông nghiêm trọng.  Rồi không chỉ có người dân đi xin ấn, nhiều cơ quan doanh nghiệp, nhiều cơ quan nhà nước cũng kéo nhau đi cầu công danh, bổng lộc... Hàng loạt các biến tướng từ hoạt động này như bán ấn, cướp ấn, làm ấn giả… đã nảy sinh. Vấn đề có nên hay không duy trì tục phát ấn trong lễ hội năm nay mặc dầu đã được đưa ra thảo luận tại nhiều cuộc họp có liên quan nhưng vẫn chưa đi tới hồi kết. Theo nhiều người nhận định, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến việc chậm ban hành Thông tư hướng dẫn thực thi Nghị định 75/2010/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong hoạt động văn hóa.

Theo GS-TS Nguyễn Quang Ngọc, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, bản chất của khai ấn, phát ấn Đền Trần trong lịch sử là nghi lễ đầu năm, triều đình mở hội, cầu năm mới hanh thông, tốt đẹp mọi sự may mắn. Còn chuyện xin ấn để cầu công danh bổng lộc chỉ là chuyện mới được vẽ ra độ chục năm trở lại đây. Hơn nữa, nghi lễ khai ấn Thiên Trường khi xưa chỉ là nghi lễ của 7 làng quanh vùng chứ không phải lễ hội của cả nước.

Theo Vĩnh Xuân - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng