Văn nghệ trong nước
Bí ẩn màn múa “quay lưng” lại khán đài
13:10 | 23/01/2011
Sáng ngày 22/1, tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, Bộ VH,TT&DL, UBND TP.Hà Nội và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cùng nhân dân địa phương đã cử hành lễ đón bằng của UNESCO thế giới vinh danh đối với Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc.
Bí ẩn màn múa “quay lưng” lại khán đài
Hướng của màn múa cờ (ảnh chụp từ trên xuống)
Ngoài lễ trao bằng, khoảng 500 người dân làng Phù Đổng (Gia Lâm) và làng Phù Ninh (Sóc Sơn) đã đảm nhận tái hiện 3 màn múa đặc sắc, trong đó, đáng chú ý nhất là màn múa cờ... không hướng lên trực diện, mà hướng nghiêng, gần như quay lưng lại với khán đài, nơi có khoảng 500 khách mời trong và ngoài nước, khiến nhiều người không hiểu, thắc mắc?!”. Tuy nhiên, việc chọn hướng biểu lại được quy định trong truyền thống và mang nhiều ý nghĩa sâu xa.

Chịu lạnh và hành quân dự lễ từ... 3 giờ sáng

Mặc dù thời tiết giá lạnh như cắt, nhưng theo như một số người dân ở xã Phù Đổng cho biết, từ lúc 3 giờ sáng cả xã Phù Đổng gần như đã thức giấc, không khí người người, nhà nhà hân hoan còn hơn cả thời khắc giao thừa.

Thậm chí với những người được chọn vào vai ông Hiệu, các em nữ dưới 13 tuổi được chọn làm nữ tướng cùng với đội phục dịch lên đến hơn 400 người (tất cả có 28 nữ tướng, mỗi nữ tướng có khoảng từ 15 đến 20 người phục dịch - PV), hay những người tham gia trong phường áo đen, áo đỏ trong Hội Gióng ở đền Phù Đổng gần như cả đêm không ngủ, chỉ tranh thủ tập dượt, kiểm tra trang phục, đạo cụ cho buổi tôn vinh “sản phẩm văn hóa đặc biệt” đã là di sản văn hóa đại diện của nhân loại của quê hương mình trong buổi lễ trang trọng sáng ngày hôm sau.

Còn một số nơi khác trên địa bàn Hà Nội có Hội Gióng như: đền Kẻ Trải, xã Xuân Thu; làng Sọ, xã Phù Lỗ; làng Thanh Nhàn, xã Thanh Xuân (Sóc Sơn); làng Lệ Chi Nam, xã Lệ Chi (Gia Lâm); làng Xuân Tảo, xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm)... người dân đã phải “hành quân” từ lúc 4 giờ sáng, đến nơi không chỉ trực chờ ở đền Phù Đổng mà còn ngồi đợi kín cả một đoạn đê dài lượn vòng cánh cung quanh đền Phù Đổng và sân khấu chính.

Cùng với 8.000 người dân, hơn 600 diễn viên quần chúng tại Sóc Sơn và Phù Đổng, 500 đại biểu từ trung ương và Hà Nội đến dự. Theo ước tính của BTC, lượng người có mặt chứng kiến lễ trao bằng của UNESCO cho Hội Gióng ngày hôm qua vào khoảng 12.000 người (vượt 2.000 người so với ước tính của BTC trước đó).

Và ý nghĩa từ màn múa cờ không hướng lên khán đài

Sau phần đại diện UNESCO tại Hà Nội - bà Katherine Muller - Marin đã đọc bản đánh giá của UNESCO về Hội Gióng và trao bằng công nhận cho TP. Hà Nội, điểm nhấn được nhiều người chờ đợi nhất chính là màn trình diễn những phần quan trọng nhất của Hội Gióng, do khoảng 500 dân làng Phù Đổng (Gia Lâm) và làng Phù Ninh (Sóc Sơn) đảm nhận.

Trong các màn múa cướp chiếu, kéo chữ và múa cờ thì màn múa cờ là khiến nhiều người, nhất là với những khách du lịch không khỏi thắc mắc. Tất cả các “nghệ sĩ làng” trình diễn màn múa này đều tuyệt vời, nhưng khi thực hiện màn múa, họ gần như “quay lưng” lại khán đài, nơi có rất nhiều quan khách dự. Có khách du lịch thắc mắc: “Sao các bác ấy lại hướng ra đê mà không hướng lên khán đài...?”.

Mang thắc mắc này trao đổi với ông Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam, người chủ trì công việc xây dựng bộ hồ sơ khoa học về Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, ông cười: “Màn múa cờ lệnh trong Lễ hội Gióng chỉ hướng về phía đê, chứ không quay về phía khán đài như ở nhiều lễ hội khác (bao giờ cũng quay mặt về phía quan khách ngồi trên khán đài - PV). Vì ở trong đó, tiềm ẩn một tư duy, một ý nghĩa rất sâu xa của người dân. Ấy là do kẻ thù thường hay đến từ hướng đó”.

Lễ hội Gióng là sản phẩm của cộng đồng và do cộng đồng lưu giữ, thực hành. Từ xưa, nó đã không bị biến dạng bởi tác động của những người tổ chức, mà luôn tuân theo những ghi chép về quy trình tổ chức lễ hội. Tuy nhiên, đến năm 1990 cuốn sổ ghi chép đó bị thất lạc. Mãi đến năm 1998 người dân xã Phù Đổng mới họp nhau lại để bàn và tiếp tục ghi chép lại quy trình tổ chức Lễ hội Gióng cho đến nay. Chỉ qua một việc nhỏ ấy thôi ta cũng có thể thấy rằng, Hội Gióng đã rất đặc biệt và vai trò của cộng đồng là rất to lớn.

“Tôi nghĩ rằng trong thời gian sắp tới, phương hướng để bảo tồn và phát huy giá trị đặc biệt của Hội Gióng thì vai trò của cộng đồng phải được đẩy lên đầu tiên. Vì vậy, không chỉ trong chính hội mà ngay trong buổi lễ đón bằng này, chúng tôi đã để tự cộng đồng phô diễn, tự trình bày các giá trị của lễ hội của mình. Thậm chí, ban đầu chúng tôi định làm khác nhưng nhất quyết cộng đồng không ủng hộ” - ông Nguyễn Chí Bền bày tỏ.

5 lý do công nhận Hội Gióng là di sản thế giới

1. Hội Gióng ăn sâu trong đời sống của các cộng đồng dân cư vùng châu thổ sông Hồng như là một phần bản sắc của họ, và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua đó tạo nên dòng chảy liên tục.

2. Việc ghi danh Hội Gióng vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện sẽ góp phần thúc đẩy tính sáng tạo của con người và đối thoại giữa các nền văn hóa, đồng thời góp phần quảng bá di sản văn hóa phi vật thể.

3. Đã có các biện pháp bảo vệ đa dạng và thống nhất nhằm bảo tồn, tư liệu hóa, trao truyền, công nhận và tăng cường truyền thống liên tục của Hội Gióng.

4. Các cộng đồng đã được tham khảo ý kiến và cung cấp thông tin để làm hồ sơ đề cử Hội Gióng là di sản văn hóa thế giới, và họ đã có sự đồng thuận, hoàn toàn tự nguyện với nhận thức đầy đủ về việc ghi danh này.

5. Hội Gióng nằm trong danh mục kiểm kê di sản phi vật thể của Việt Nam do Viện Nghiên cứu Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam lưu giữ.

(Phát biểu của bà Katherine Muller-Marin - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam)


                                                                      Theo Huy Thông - TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng