Văn nghệ trong nước
Phải quy hoạch, tinh lọc lại hệ thống lễ hội
14:31 | 16/02/2011
Sở VHTTDL Hải Phòng vừa ra quyết định không cấp phép cho lễ hội hôn tập thể với lý do không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người VN trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu chấn chỉnh về công tác này. Điều này nên hay không còn cần phải bàn. Nhưng ít nhất, động thái này đã cho thấy một sự sàng lọc.
Phải quy hoạch, tinh lọc lại hệ thống lễ hội
Không gian lộn xộn tại lễ hội Cổ Loa 2011. Ảnh: Việt Văn
Lạm phát lễ hội

Một con số được Bộ VHTTDL công bố cách đây hơn hai năm cho biết, mỗi năm ở nước ta diễn ra gần 9.000 lễ hội các loại lớn nhỏ. Tính ra, mỗi ngày có khoảng 24 lễ hội. 

Những con số trên đã thực sự gây kinh ngạc, vì ít người dân Việt nào có thể ngờ rằng đất nước mình... lạm phát lễ hội đến thế. Tìm kiếm trên Google theo từ khoá “quốc gia có nhiều lễ hội nhất trên thế giới”, kết quả phản hồi cho thấy Colombia đứng đầu, nhưng cũng chỉ có hơn 1.000 lễ hội mỗi năm.  Nhiều lễ hội như VN, thì mỗi người dân cả năm chỉ việc ăn và đi chơi lễ hội cũng chẳng thể đi hết. Lễ hội càng nhiều càng khó quản, lại thêm tâm lý đi hội theo kiểu thói quen bầy đàn, ý thức giữ gìn trật tự, vệ sinh môi trường của người dân Việt nhìn chung còn thấp, thì dù chấn chỉnh thế nào cũng không thể triệt tận gốc sự mất trật tự, bát nháo v.v...!

Lãng phí nguồn lực

Giả thiết tất cả gần 9.000 lễ hội hằng năm được tổ chức chu tất, trật tự và lành mạnh, thì nguồn lực bỏ ra (thời gian, tiền của, công sức) cũng không ít. Một quốc gia không thể thiếu lễ hội, đặc biệt là các lễ hội văn hoá truyền thống gắn chặt với lịch sử, tín ngưỡng, tâm linh... Có những lễ hội đã trở thành đặc trưng văn hoá, tinh hoa của dân tộc cần phải được bảo tồn và phát huy. Tuy nhiên, trong số trên có bao nhiêu lễ hội thực sự là tinh hoa dân tộc cần được duy trì và bảo tồn? Có bao nhiêu lễ hội thực sự cần thiết được tổ chức theo định kỳ?

Một đất nước có GDP/người mới chỉ đạt hơn 1.100USD như nước ta - còn khá thấp - thì càng cần phải tiết kiệm, tích lũy nhiều nguồn lực hơn để đầu tư cho phát triển. Hàng ngàn lễ hội được tổ chức một cách tự phát, xô bồ, bát nháo và lãng phí trở thành gánh nặng thách thức về kinh tế và văn hoá ập lên xã hội mà cụ thể chính là đầu mỗi người dân. Cái được rơi vào túi một nhóm người, trong khi cái mất chính là văn hoá dân tộc bị diễn một cách méo mó, lệch lạc, sa vào mê tín dị đoan, tạo ra tệ nạn xã hội. Về kinh tế, nhiều khoản tiền đổ vào bay theo tro khói đầy lãng phí và còn kéo theo nhiều hệ lụy xã hội như giá cả bị “chặt chém”, cò mồi, móc túi, quá tải ùn tắc giao thông v.v...

Chỉ mới… chấn chỉnh phần ngọn!

Hằng năm, đến hẹn lại lên, gần chục ngàn lễ hội lại mở ra và người ta đi trẩy hội trong sự khổ sở, nơm nớp... Với số lượng lễ hội diễn ra dày đặc và cấp tập như thế, thì Bộ VHTTDL có thành lập bao nhiêu  đoàn kiểm tra đi nữa cũng chẳng xuể, hiệu quả chấn chỉnh sẽ rất thấp, hoặc mang tính hình thức, chỉ xử lý chỉ được phần ngọn. 

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội làm một cách căn cơ, trước hết phải quy hoạch, tinh lọc lại hệ thống lễ hội. Quy hoạch từ lễ hội cấp quốc gia đến cấp tỉnh, huyện...; phân loại các lễ hội với hồ sơ cụ thể để nắm chắc và chặt về số lượng, nghi thức-nội dung, địa bàn diễn ra... Công tác quy hoạch tốt giúp cho việc quản lý và tổ chức khoa học, sử dụng hợp lý các nguồn lực, đồng thời hỗ trợ tốt cho công tác bảo tồn. Danh sách các lễ hội được lập nên, theo thời gian có thể tiếp tục bị tinh giản những lễ hội trở nên cổ hủ, lạc hậu và kém hấp dẫn, đồng thời có thể bổ sung những lễ hội mới đặc sắc nhằm làm phong phú thêm kho tàng văn hoá lễ hội của quốc gia.

Dù không còn sớm, nhưng Bộ VHTTDL cùng với các địa phương phải bắt tay vào tinh lọc, quy hoạch lại hệ thống lễ hội cho dù phải mất một, hai năm. Và phải làm mạnh, bài bản chứ không nên làm đại khái. Đây mới là sự chấn chỉnh từ gốc. Chứ cứ răn đe theo kiểu xử phạt, bắt bớ sẽ chẳng bao giờ có tác dụng lâu dài, vì hầu hết chỉ có thể xử lý hành chính đối với các đối tượng vi phạm.

Theo Thẩm Hồng Thụy - LĐ






Các bài mới
Các bài đã đăng