Sân thơ thiếu nhi bắt đầu có tại Ngày thơ VN từ năm 2009, từ ý tưởng gìn giữ dòng thơ cho các em nhỏ của Ban Văn học thiếu nhi cũ của Hội Nhà văn Việt Nam. Ý tưởng này được nhà xuất bản Kim Đồng thực hiện. 2011 là năm đầu tiên sân thơ Thiếu nhi có phạm vi tổ chức lớn ngang sân thơ Truyền thống và Hiện đại, một bước tiến so với các năm trước. Các nhà tổ chức thẳng thắn nhìn nhận, sân thơ Thiếu nhi thường không được báo chí chú ý lắm nếu không nói là “chìm nghỉm” sau mỗi dịp Ngày thơ bởi bị các sân thơ Truyền thống hay sân thơ Trẻ (năm nay đổi tên thành Hiện đại) che lấp. Theo nhà văn Lê Phương Liên, người lên ý tưởng và thực hiện sân thơ Thiếu nhi từ những ngày đầu, người ta thường cho rằng thơ thiếu nhi trước đây có những tác phẩm rực rỡ hơn, của Trần Đăng Khoa, Võ Quảng. Nhiều người thậm chí tuyên bố “Văn học thiếu nhi đang đi vào cảnh chợ chiều”. Đó là một nhận định đúng, dòng thơ này thực sự đang chững lại nhưng không thể vì thế mà không tiếp tục phát triển.
Trong số ba sân thơ chính tại Ngày thơ, sân thơ Hiện đại chiếm ưu thế bởi lực lượng khá đông, khá mạnh và đủ thu hút để xin tài trợ của các công ty đầu tư. Sân thơ Thiếu nhi không thể nào có sức hút tương tự. Tuy nhiên, nhà xuất bản Kim Đồng, nhà xuất bản duy nhất trong nước mặn mà với dòng thơ này, vẫn chưa bao giờ có ý định từ bỏ sân thơ Thiếu nhi nói riêng và dòng thơ thiếu nhi hiện đại nói chung. Nhà văn Lê Phương Liên cho biết có hai cây bút thiếu nhi là Thiên An (năm nay học lớp 6) và Đặng Chân Nhân sẽ tham gia sân thơ Thiếu nhi cùng các cây bút lớn tuổi hơn. Đặng Chân Nhân là con của nhà thơ Đặng Huy Giang, sinh năm 1993 và hiện học ở Anh. Ngoài ra còn có các nhà thơ viết cho thiếu nhi lâu năm như Lê Hùng Thiện (một nhà thơ cao tuổi ở Hưng Yên), Nguyễn Châu, Nguyễn Thị Mai, Dương Thuấn… Bên cạnh đó có hai nhà thơ của nhà xuất bản Kim Đồng là Nguyễn Thị Hường Lý và Cao Xuân Sơn. Năm nay, sân thơ thiếu nhi sẽ chọn 15 câu thơ hay nhất để thả, gồm thơ của các nhà thơ Huy Cận, Võ Quảng, Phạm Hổ, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Duy… Trong đó có câu thơ của Hồ Chí Minh “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan” bởi năm nay điểm nhấn của Ngày thơ là kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Nhà xuất bản Kim Đồng sẽ tiếp tục thực hiện hình thức trưng bày sách thú vị từng được ứng dụng tại Hội chợ sách Quốc tế Việt Nam 2010. Đó là dù đọc sách - tức căng những cây dù trong đó treo các quyển sách ngang tầm mắt để độc giả có thể ngồi đọc một cách thoải mái. Tại Hội chợ sách năm ngoái, hình thức trình bày bắt mắt này đã thu hút rất nhiều em nhỏ và cả những độc giả lớn tuổi hơn. Trong Ngày thơ, tốp thiếu nhi do nhà xuất bản tuyển chọn sẽ đọc một đoạn trích trong “Trường ca tướng Giáp” của Hoàng Bình Trọng bởi năm nay cũng đúng dịp 100 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là một trường ca chân thực và cảm động của một nhà văn quê ở Quảng Bình về một vị tướng vĩ đại của dân tộc. Theo Pham Mi Ly - evan |