Văn nghệ trong nước
Trăn trở tranh sơn mài Sài Gòn
08:23 | 20/02/2011
Cuộc “diễu binh hùng vĩ” lần II của nhóm Sơn mài Sài Gòn tại Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM vừa qua, đang chứng minh vị thế mới của hoạt động ngành tranh sơn mài hiện tại. Được tôn vinh như một nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam nhưng con đường phát triển của tranh sơn mài vẫn luôn ở thế ngập ngừng…
Trăn trở tranh sơn mài Sài Gòn
Tranh sơn mài “Vườn xuân Trung - Nam - Bắc” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí tại Bảo tàng Mỹ thuật
Sức hấp dẫn của tranh sơn mài

Góp mặt trong phòng tranh đầu năm, với phong cách nghệ thuật khá đa dạng, ngoài đội ngũ thầy, trò Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, còn có đông đảo các họa sĩ tên tuổi và những đồng nghiệp đầy nhiệt thành với thể loại tranh sơn mài.

Bên cạnh tranh Hoàng Trầm có cách thể hiện nghệ thuật, bố cục, chất liệu chắc tay; tranh Đào Minh Tri, Bích Trâm thể hiện theo kiểu cách tân nhưng vẫn có sức thu hút riêng; tranh Võ Nam, Lê Xuân Chiểu, Nguyễn Dũng An Hòa, Đặng Minh Thế, Mạc Hoàng Thượng, Hoàng Lan Anh, Nguyễn Minh Quang… vừa bài bản vừa tìm nét riêng; song song đó, cũng có một lớp tác giả trẻ bộc lộ sự táo bạo trong tác phẩm hoặc về ý tưởng hoặc về chất liệu: Phạm Thanh Tâm, Nguyễn Huy Bắc, Phạm Thùy Dương, Nguyễn Thu Hương, Nguyễn Văn Thạnh…

Các tác giả Ngô Việt Hùng, Lê Duy, Nguyễn Quang Sơn, Lâm Chí Trung, Nguyễn Tấn Công, Nguyễn Thị Nếp, Lê Kinh Tài… Họ đã chứng minh lòng đam mê chất liệu tranh sơn mài qua những góc nhìn về xã hội đương đại…

Một số họa sĩ cho rằng với những nét riêng của cá nhân, của nhóm họa sĩ cũng có người đôi chút “phá cách” nhưng về phương pháp vẫn tuân thủ kỹ thuật, chất liệu với nhiều lớp phủ và đánh bóng, tạo được sự lung linh, huyền ảo của tranh sơn mài truyền thống. Tranh sơn mài vẫn luôn có sức hấp dẫn lạ kỳ của nó.

Và những trăn trở...

Tuy vậy, theo họa sĩ Võ Nam (Thạc sĩ, Phó Giám đốc Trung tâm Mỹ thuật ứng dụng, Đại học Mỹ thuật TPHCM), trong hoạt động sáng tác sơn mài vẫn còn những khoảng vượt khó khăn đối với người sáng tác tranh sơn mài. Họa sĩ vẽ tranh sơn mài và sống được với nghề tranh sơn mài chỉ đếm trên đầu ngón tay! Hầu hết các gallery và các hình thức bán tranh trên mạng vẫn dành cho thể loại sơn mài chỗ đứng “khiêm tốn” hơn so với tranh sơn dầu.

Đam mê chất liệu sơn mài, có tác giả đã “đánh cược” tiền bán đất ở quê nhà cho sự nghiệp nghiên cứu và làm tranh sơn mài của mình (như trường hợp tác giả Nguyễn Văn Thạnh ở Sóc Trăng).

Đi tìm thị trường cho tranh sơn mài tương đối khó nhưng cũng có tác giả khá tâm huyết tìm phương cách sẵn có từ truyền thống quê hương, như trường hợp họa sĩ Nguyễn Quang Sơn ở Bình Dương. Cũng dốc công sức, tiền bạc cho tác phẩm sơn mài với suy nghĩ muốn vực dậy truyền thống làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp nổi tiếng một thời ở Bình Dương, ông cho rằng từ danh tiếng của chất liệu mỹ nghệ sơn mài đất Thủ ngày xưa, vì sao không được tiếp nối, phát huy, phát triển, bổ sung cho mỹ thuật sơn mài đương đại?

Với những trải nghiệm sáng tác tranh sơn mài và có cơ hội cùng họa sĩ Trần Khánh Chương (Hà Nội), tham dự triển lãm tranh sơn mài quốc tế ở Trung Quốc vào năm 2007, họa sĩ Võ Nam ghi nhận sự đánh giá cao của các đồng nghiệp Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản về tranh sơn mài Việt Nam. Đó là dấu son nổi bật trong ngành mỹ thuật Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên, cũng qua chuyến đi tham quan thực tế kinh nghiệm giảng dạy mỹ thuật ở Trung Quốc, Hàn Quốc, họa sĩ Võ Nam nhận xét về phương diện trang thiết bị, xưởng vẽ thực hành, công nghệ hóa chất liệu mỹ thuật và nhất là chiến lược đào tạo nguồn nhân lực kế thừa để phát triển và nâng cao chất lượng mỹ thuật sơn mài là điều chúng ta cần lưu tâm học tập.

Với lý do thiếu kinh phí đào tạo, thiếu sự hỗ trợ của các nhà khoa học công nghệ hay nhà đầu tư… chắc chắn sẽ làm ngành sơn mài Việt Nam giậm chân tại chỗ.

***

Đầu xuân Tân Mão, làng nghề mỹ thuật Hàm Long ở quận 2 kết hợp với ngành văn hóa du lịch thành phố, vừa khai trương mở cửa đón khách, có thể xem là tín hiệu hoạt động mới giữa các nghệ sĩ, các nhà quản lý văn hóa và các nhà du lịch.

Ngành sơn mài với ưu thế “đặc sản” đầy bản sắc văn hóa Việt và lực lượng nghệ sĩ, nghệ nhân yêu nghề, phải chăng cũng có thể liên kết theo mô hình từ trường lớp, làng nghề đến văn hóa du lịch như một chiến lược phát triển văn hóa - du lịch - kinh tế?

Theo Yên Ngọc - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng