Văn nghệ trong nước
Trại sáng tác kịch bản sân khấu - Thay đổi để thích ứng
09:11 | 23/02/2011
Các sân khấu ở TPHCM quanh năm đều sáng đèn và trong 1 năm mỗi nơi dàn dựng từ 2 - 3 vở đến cả chục vở diễn mới. Đó là cơ hội để các tác giả sân khấu nói chung và “Trại sáng tác kịch bản sân khấu” nói riêng có được đầu ra lý tưởng cho nguồn kịch bản của mình. Thế nhưng lâu nay, đa phần nguồn kịch bản từ các trại sáng tác ít được các đơn vị nghệ thuật chọn lựa đưa lên sàn diễn. Tại sao?
Trại sáng tác kịch bản sân khấu - Thay đổi để thích ứng
Mua bảo hiểm tình, một trong nhiều sáng tác thành công của tác giả Hoàng Thái Thanh.
1. Theo một số bầu sân khấu, hiện nay nguồn kịch bản hay đang rất hiếm, mặc dù số lượng kịch bản được các tác giả gởi đến khá nhiều. Có nhiều tác giả viết cứ na ná nhau, nội dung nhàn nhạt, thiếu kịch tính, thiếu nhân vật điển hình… Chính thực trạng này mà một số sân khấu đang “hoài cổ”, phải dựng lại các kịch bản cũ - hay. Thậm chí có những đạo diễn, nghệ sĩ cảm thấy sốt ruột, đã tự mình viết kịch bản để dựng và diễn.

Đến thời điểm này, tác giả “tay ngang” thành công nhất có thể kể đến là Hoàng Thái Thanh (bút danh của NSƯT Thành Hội và đạo diễn Ái Như) với hàng loạt vở diễn về đề tài tình yêu. Nhưng tại sao kịch bản sân khấu của nhiều tác giả lại yếu, không đáp ứng được nhu cầu của các sân khấu?

Trong một lần trò chuyện, NSƯT Thành Hội cho rằng, một số tác giả hiện nay viết kịch bản sân khấu nhưng lại thiếu những thực tế của sân khấu. Từ chỗ thiếu thực tế, các tác giả không thể biết được diễn viên A mạnh ở điểm nào, diễn viên B có khả năng đóng những nhân vật nào… nên khó lòng viết theo kiểu “đo ni, đóng giày”, kịch bản khó hay. Vậy tại sao các đơn vị nghệ thuật không dựa vào nguồn kịch bản từ các trại sáng tác kịch bản sân khấu?

Một “bầu” sân khấu chia sẻ: “Hiếm khi chọn được kịch bản hay từ các trại sáng tác. Có những kịch bản khi đọc trên bản thảo thấy sướng tai lắm, nhưng đến lúc dàn dựng thì hết sức khó khăn, phải sửa chữa rất nhiều… Nói như một số anh em nghệ sĩ là kịch bản nặng hình thức và mang tính nghệ thuật cao lắm, nhưng lại ít tính giải trí, kén khán giả”.

2. Trước thực tế ấy, theo tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, trong năm 2011, khi tổ chức trại sáng tác Hội Sân khấu TPHCM sẽ có những thay đổi để thích ứng với nhu cầu của đời sống sân khấu hôm nay. Điều cốt lõi là phải cố gắng dung hòa được hai yếu tố “nghệ thuật” và “thị trường”.

Nếu muốn làm được điều này, trước tiên phải tạo tiếng nói chung giữa những tác giả đi trước với các tác giả trẻ. Người trẻ thì học hỏi kinh nghiệm, sự chững chạc của những người đi trước và ngược lại, người đi trước cũng phải chấp nhận ý kiến khác, ý kiến mới của những người trẻ. Chính vì thế, trong năm 2011, Hội Sân khấu TPHCM sẽ tổ chức “Trại sáng tác kịch bản sân khấu” cho tất cả các tác giả không phân biệt độ tuổi, trẻ hay già…

Tác giả Lê Duy Hạnh kỳ vọng: “Khi tổ chức Trại sáng tác kịch bản sân khấu kiểu như thế này, chúng tôi sẽ vất vả hơn gấp nhiều lần. Tuy nhiên, bù lại, các tác giả sẽ được lợi rất nhiều. Từ trại sáng tác, các tác giả có cơ hội cọ xát, cùng phân tích đúng - sai, hay - dở… và qua đó, hứa hẹn sau trại sáng tác, các tác giả sẽ gặt hái được những kịch bản hoàn chỉnh hơn, hay hơn!”.

Về phương thức tổ chức, tác giả Lê Duy Hạnh cho biết: “Trong 2 năm 2009 và 2010, khi tổ chức trại sáng tác kịch bản sân khấu, Hội Sân khấu TPHCM đã mạnh dạn chủ động xã hội hóa, kêu gọi các mạnh thường quân đầu tư, chứ không hoàn toàn trông chờ vào nguồn kinh phí từ ngân sách cấp. Nhờ vậy mà các tác giả sân khấu dự trại sáng tác có được nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Trong năm 2011, có thể chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện theo phương thức này…”.

Mặc dù khá lạc quan về việc tổ chức “Trại sáng tác kịch bản sân khấu” năm 2011, nhưng tác giả Lê Duy Hạnh cũng có chút lo lắng: “Hiện nay, nhiều tác giả tập trung viết các vấn đề tiêu cực nhiều, nhưng lại ít viết về những cái mới, cái đẹp. Vì vậy, trong năm nay, Hội Sân khấu TPHCM sẽ chủ động tổ chức những đợt đi thực tế ở một số khu công nghiệp hoặc những xã nông thôn mới để qua đó phần nào giúp cho tác giả có cái nhìn sống động về những đổi thay của thành phố, của cuộc sống nông thôn hôm nay”.

Có thể nói, với những đổi thay trong cách nghĩ, cách làm của Hội Sân khấu TPHCM, hứa hẹn năm 2011, các tác giả sân khấu sẽ có nhiều cơ hội, nhiều điều kiện sáng tác hơn và điều mong mỏi nhất là, sẽ có nhiều kịch bản hay, hấp dẫn đáp ứng được nhu cầu của các sân khấu hôm nay

Theo Đỗ Hạnh - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng