Văn nghệ trong nước
Giám đốc Sân khấu Kịch IDECAF - đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn: Đi, nghe, xem và...
08:58 | 24/02/2011
Sau một tuần tham dự “Hội nghị biểu diễn Yokohama Nhật Bản” ở Nhật Bản theo lời mời của Quỹ Giao lưu văn hóa Nhật - Việt tại Việt Nam, Giám đốc Sân khấu Kịch IDECAF - đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, vừa về đến TPHCM. Anh đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trò chuyện về chuyến đi này.
Giám đốc Sân khấu Kịch IDECAF - đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn: Đi, nghe, xem và...
Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn (giữa) tại Hội nghị biểu diễn Yokohama Nhật Bản
- PV: Qua 1 tuần tham dự “Hội nghị biểu diễn Yokohama Nhật Bản” ở Nhật Bản cùng với các nhà sản xuất của nhiều nhà hát, đạo diễn, nghệ sĩ biểu diễn, biên đạo múa đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, anh đã “thu hoạch” được gì để vận dụng vào hoạt động sân khấu?

Đạo diễn HUỲNH ANH TUẤN: Ngay trước ngày sang Nhật Bản tham dự hội nghị, tôi đã xác định “đi để nghe, xem là chính”. Có thể nói, đây là một hội nghị trẻ và mở về sân khấu đương đại – thử nghiệm. Các điểm tổ chức khá hiện đại. Các đại biểu cùng ngồi trao đổi khá thoải mái về các thuận lợi, khó khăn của nhà hát, sân khấu nước mình. Qua sự trình bày, giới thiệu của đại diện các nước, vùng lãnh thổ, tôi nhận thấy Nhật Bản, Hàn Quốc… có nền sân khấu phát triển ở tầm cao. Trong những ngày tham dự hội nghị, tôi tranh thủ đi xem được 4 vở diễn và nhận thấy, nghệ thuật sân khấu đương đại còn khá mới mẻ ở Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu muốn sân khấu phát triển, đổi mới về cách nghĩ, cách làm, tôi nghĩ chúng ta cũng phải mạnh dạn làm sân khấu đương đại – thử nghiệm. Nhưng cái khó nhất, nếu làm thử nghiệm như kiểu sân khấu đương đại thì chắc chắn khó bán được vé, phải dựa vào nguồn tài trợ của các tổ chức. Dẫu vậy, sắp tới tôi cũng bắt tay thực hiện một số vở diễn thử nghiệm để tìm hướng phát triển mới, nếu không sân khấu cứ mãi dậm chân một chỗ và thụt lùi. Khi làm những vở diễn này, tôi đặc biệt chú ý đến những đề tài phục vụ cho giới trẻ để có thể bán vé doanh thu. Thế nhưng, cái khó nhất của sân khấu TPHCM hiện nay là hệ thống các sân khấu không phù hợp để trình diễn những vở diễn đương đại.

- Như vậy, sắp tới, nếu thực hiện vở diễn đương đại, anh sẽ tổ chức biểu diễn ở đâu?

Ở điểm diễn số 7 Trần Cao Vân thì không phù hợp. Còn sàn diễn IDECAF có thể tổ chức được, nhưng không gian sân khấu còn phải tính toán lại. Một vở diễn đương đại đòi hỏi phải có một không gian sân khấu nhiều mặt để diễn viên trình diễn, phục vụ khán giả với nhiều góc nhìn khác nhau.

- Sao anh không chọn Nhà thi đấu Phan Đình Phùng để thực hiện ý tưởng của mình?

Địa điểm này thì quá lý tưởng, nhưng giá thuê mướn quá mắc, những người làm sân khấu kịch khó lòng chen chân vào nổi. Đó cũng là một nỗi lo của những người làm sân khấu. Tuy nhiên, khi muốn đổi mới, cái lo lớn nhất của tôi là tác giả. Nếu như tác giả có được những kịch bản có nhiều ý tưởng mới thì đạo diễn, diễn viên mới có những sáng tạo mới.

- Trong những ngày ở Nhật Bản, chắc hẳn anh cũng đã đi xem một số nhà hát?

Tôi không có nhiều thời gian để đến các nhà hát. Nhưng hồi năm 2009, khi sang Nhật Bản công tác, tôi đã đến  Nhà hát Tokyo Engeiki Ensemble, đơn vị từng sang TPHCM biểu diễn vở “Người tốt thành Tứ Xuyên” và nhận thấy nhà hát rất đơn giản. Vẻ ngoài nhìn cứ trông giống như một cái kho, nhưng khi bước vào bên trong, khán giả cảm nhận được sự thanh thoát của một điểm văn hóa. Hệ thống âm thanh, ánh sáng cực kỳ hiện đại. Ở đây, đội ngũ nhân viên hướng dẫn khán giả làm việc hết sức chuyên nghiệp. Cho nên, khi càng đi, càng xem, càng thêm hiểu biết thì càng thương cho sân khấu Việt Nam. Tài năng của nhiều nghệ sĩ Việt Nam không hề thua kém các nước, nhưng về điều kiện sân khấu thì còn rất nhiều khó khăn…

- Cảm ơn và chúc những dự định của anh sớm thành hiện thực!

Theo Đỗ Hạnh - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng