* 1,5 tỷ đồng là một con số khá lớn đối với một live show cải lương, nhất là trong tình trạng sân khấu cải lương không mấy khả quan như hiện nay; lại chọn điểm diễn là nhà hát Hòa Bình, vốn chỉ phù hợp với các chương trình đại nhạc hội, chưa bao giờ quen thuộc với khán giả cải lương, anh đang tự tin hay mạo hiểm? - Tôi không cho là mình mạo hiểm. Thực ra, tôi đã ấp ủ việc tổ chức chương trình đánh dấu một cột mốc trong sự nghiệp từ năm 2000. Nhưng phải đến tận hôm nay, trải qua 10 năm, tôi mới đủ nghị lực và tinh thần, cùng sự ủng hộ từ khán giả, bạn diễn, nhà hát…, cũng như khả năng tài chính để làm live show. Với tôi không dễ để ghép hai chữ “live” và “show” vào một chương trình. Đã là live show thì phải có sự đầu tư thật nghiêm túc về kinh phí, kịch bản, trí tuệ… Nếu không đầu tư được một kịch bản xuyên suốt, ưng ý, không nắm trước tài chính thì sẽ không làm. Khi làm, tôi biết và chấp nhận lỗ nhưng không có gì để tiếc. Chỉ mong Tổ nghiệp phù hộ cho khán giả đến đông, không phải vì vật chất hay gỡ gạc được bao nhiêu mà vì tinh thần. Dù đầu tư có lớn đến đâu mà khán giả không đến cũng vô nghĩa. Thời gian qua, khán giả đã đánh mất nhiều niềm tin ở cải lương khi có những chương trình làm không đúng “chất”, làm chỉ để kinh doanh mà xem nhẹ nghệ thuật. Qua live show này, tôi không dám nói là sẽ hoành tráng mà chỉ mong khán giả có thể thấy được một cái gì đó như là tâm huyết, là cả tấm lòng mà tôi dành cho sân khấu cải lương. Cũng như chứng tỏ, nhất là với các bạn trẻ, cải lương khi được đầu tư xứng đáng cũng sang trọng, cũng rất đáng xem. Chứ nhiều khán giả của tôi là sinh viên, học sinh cứ mỗi lần đi xem cải lương hay họp fan là phải “trốn” vì… mắc cỡ. Tự ái ghê gớm lắm chứ khi cải lương cứ bị đánh đồng là quê, là sến, là lạc hậu…! * Trong năm 2009, anh đã để lại ấn tượng đậm nét trong lòng khán giả về sự mới lạ ở hình thức dàn dựng trong chuyên đề sân khấu Hoài niệm trong tôi, như là bước đệm cho live show này. Lần này với live show chính thức Thiên đường tôi yêu, anh sẽ giới thiệu “thiên đường” của mình như thế nào? - Bản thân mỗi người ai cũng có một thiên đường riêng. Tôi muốn thể hiện ở live show này một “thiên đường” – một sân khấu đúng nghĩa với âm thanh, ánh sáng thật hiện đại, phục trang, cảnh trí thật đẹp và tả thật, một sân khấu mà tôi có thể làm những gì mình thích. Và khán giả khi xem xong sẽ có thể gật gù: “Ừ, cải lương phải vậy chứ!”… Live show không phải là lắp ghép các tiết mục mà có kịch bản xuyên suốt được xâu chuỗi bằng những câu chuyện dẫn dắt là những vai diễn ấn tượng của tôi ở từng thời điểm quan trọng của sự nghiệp, như là: vai Gia đồng (Nàng tiên mẫu đơn), vai diễn đầu tiên tôi bước lên sân khấu từ những năm 1980 và nhanh chóng được khán giả trong và ngoài nước yêu mến dù chỉ là vai phụ; vai Đổng Thừa (Tờ huyết thệ) - một trong những vai “để đời” mà tôi tâm đắc… Tuy là những vai diễn cũ, đã theo tôi trong 30 năm làm nghề nhưng được làm mới qua dàn dựng và cả kịch bản, để khán giả đến xem nhớ lại dấu ấn nhân vật của mình nhưng vẫn tìm được một cái gì mới mẻ. * Những khán giả vốn đã quen thuộc với những lời ca, lớp diễn của kịch bản cũ liệu có chấp nhận những đổi mới này (khán giả cải lương lại nổi tiếng… bảo thủ), chưa kể liệu cái mới có thể hay bằng cái cũ vốn đã trở thành “kinh điển” trong lòng người hâm mộ? - Lúc đầu tôi cũng rất lo vì khán giả đã quá ấn tượng với những lớp lang, tiết tấu cũ nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì có cái mới vẫn hơn dù không biết sẽ hay hơn cái cũ hay không. Vì thế khi lên sàn tập chúng tôi luôn luôn đổi mới: hát câu này không thấy “đã”, phải viết lại; thấy làn điệu này không ổn phải thay liền điệu nhạc khác, tình tiết này chưa thật “đắt” thì phải tiếp tục đào sâu… Cứ thế chúng tôi liên tục sáng tạo, hoàn chỉnh kịch bản. Và tôi rất tự tin với tài năng của các tác giả cũng như sự nỗ lực của bản thân và ê-kíp thực hiện chương trình.
- Tôi muốn kết hợp với Vũ Minh, một đạo diễn kịch, để tạo nên một sân khấu mới kết hợp nhuần nhuyễn những tính chất của sân khấu cải lương thuần túy với hơi thở hiện đại, mới mẻ, giàu kịch tính. Có những tiết mục cổ nhưng vẫn có thể đem lại cảm giác mới lạ, thú vị cho khán giả qua tiết tấu hiện đại hơn, giúp khán giả thời đại ngày nay tiếp cận nội dung tiết mục rõ hơn dù chưa xem qua kịch bản gốc. Cải lương vẫn rất mới nếu chúng ta làm đúng cách. Rất nhiều khán giả đã phàn nàn khi dàn nhạc giao hưởng xuất hiện trong hai chương trình Kim Vân Kiều và Chiếc áo thiên nga. Theo tôi đưa nhạc giao hưởng vào cải lương rất hay, chỉ có điều chúng ta sử dụng chưa đúng chỗ, đúng cách nên dễ gây phản cảm. Trong live show, tôi sẽ tiến hành lại thử nghiệm này khi cho phối lại bài nhạc trong trích đoạn Bạch Đằng giang dậy sóng, cũng như đoạn nhạc hồ quảng trong trích đoạn Đường Minh Hoàng - Dương Quý Phi… trên dàn nhạc giao hưởng, có bè phối của dàn hợp xướng. Tôi và nghệ sĩ tham gia diễn sẽ hát trên chính nền nhạc đó chứ không cần ca sĩ làm thay. Tôi tin cách xử lý này sẽ nâng chất trữ tình, bi tráng, cũng như làm sang trọng thêm cho tiết mục thay vì bị hụt cảm xúc khi ca sĩ ra hát opera chen ngang các lớp diễn cải lương của những chương trình trước đây. * Sau chặng đường 30 năm trên sân khấu cải lương, anh được nhiều nhưng phải chăng cũng có nhiều mất mát? Dường như vinh quang trong sự nghiệp nghệ sĩ ít khi song hành với hạnh phúc gia đình … - Tôi đã gặt hái được nhiều. Nhưng điều thành đạt nhất là tôi được khán giả trong và ngoài nước biết đến và yêu mến, đi đến đâu cũng có người nhận ra, hỏi han, dành cho mình nhiều tình cảm tốt đẹp. Sự ủng hộ của khán giả chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sĩ. Còn mất mát? Có những mất mát mà chỉ mình cảm nhận được thôi chứ không thể nói ra được. Tôi chỉ biết mình đã dốc hết sức cho những gì có ý nghĩa nhất: sự nghiệp và gia đình, nhưng đôi khi lực con người là có hạn, không thể giang tay nắm lấy cả hai. Có lẽ là do hai chữ “thiên định”. * Cảm ơn anh. Theo Ninh Lộc - TT&VH |